Trong khi người nuôi tôm kêu trời vì tôm giống quá khan hiếm, chất lượng kém, thì dân nuôi nghêu cũng rơi vào tình cảnh bi đát chẳng kém. Giá nghêu giống đang rất cao!
Dù bị thiệt hại lớn trong đợt nghêu chết hàng loạt vừa qua, nhưng các chủ sân nghêu ở Nam bộ lại đang đua nhau thả nuôi trở lại, tạo một sức ép không nhỏ lên nguồn cung nghêu giống. Theo kỹ sư Nguyễn Văn Quý, Phó phòng NN- PTNT huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), từ khoảng 1 tháng trở lại đây, hiện tượng nghêu chết hàng loạt ở bãi biển Tân Thành đã không còn. Vì thế, các chủ sân nghêu đang tích cực thả nuôi trở lại.
Ông Phạm Văn Kiệt, PCT UBND xã Tân Thành (Gò Công Đông), cho biết, giá nghêu thịt hiện đang khá tốt, khoảng 30.000 đ/kg. Năng suất nghêu bình quân ở Tân Thành là 15 tấn/ha. Tính ra, trên 1 ha, với mức giá này, khi thu hoạch, nông dân có tổng doanh thu tới 450 triệu đồng. Chính vì thế, những ngày qua các chủ sân nghêu trong xã Tân Thành đã lên Ban quản lý cồn bãi của huyện Gò Công Đông để mua nghêu giống về thả.
Hầu hết các hộ này đều chọn mua nghêu giống cỡ trung và lớn để có thể kịp thu hoạch vào tháng 10, tháng 11 năm nay hoặc Tết Nguyên đán tới, kích cỡ nghêu giống từ 180-200 con/kg, giá giống khoảng 23.000 đ/kg. Tổng cộng đã có khoảng 500 tấn nghêu giống được Ban quản lý cồn bãi bán cho nông dân xã Tân Thành. Mỗi ha mặt nước, nông dân thả thưa chừng 1 tấn nghêu giống, và đã có khoảng 500 ha mặt nước ở Tân Thành được thả nuôi trở lại. Con số này còn khá khiêm tốn, vì cả xã có tới 1.900 ha mặt nước giành để nuôi nghêu.
Không chỉ nông dân Tân Thành mà người nuôi nghêu ở các xã khác trong huyện Gò Công Đông, ở các huyện ven biển khác cũng thuộc tỉnh Tiền Giang và ở các tỉnh bạn như Bến Tre, Trà Vinh…, cũng đang ráo riết thả lại nghêu giống nhằm gỡ gạc khoản tiền không nhỏ đã bị mất trắng do dịch bệnh mấy tháng qua.
Theo bà Trần Thị Thu Nga, Chủ tịch Hội Nghề cá Bến Tre, do người nuôi nghêu các nơi đang thả nuôi trở lại, nên nghêu giống đang có dấu hiệu khan hiếm. Tỉnh Bến Tre có trên 200 ha cồn bãi là nơi nghêu tập trung sinh đẻ tự nhiên, cung cấp nguồn giống cho nhu cầu nuôi trong tỉnh cũng như người nuôi nghêu trong Nam, ngoài Bắc, nhưng đến thời điểm này, chưa thể biết được nguồn cung nghêu giống ở đây sẽ đáp ứng được ra sao.
Trong khi đó, năng lực sản xuất nghêu giống nhân tạo ở các địa phương lại đang khá hạn chế. Chẳng hạn, theo kỹ sư Nguyễn Văn Quý, mỗi ha nghêu, cần tới 1-1,3 tấn nghêu giống. Huyện Gò Công Đông hiện có gần 2.000 ha nghêu, nhu cầu nghêu giống trong năm nay vào khoảng trên 2.000 tấn. Tính ra, số lượng nghêu giống mà dân nuôi nghêu ở Gò Công Đông đang cần trong năm nay là 200 triệu con. Trong khi đó, trên địa bàn huyện này hiện chỉ có 8 cơ sở sản xuất giống. Năm nay, nguồn nghêu mẹ khan hiếm, nên 8 cơ sở này chỉ sản xuất được chừng 100 triệu con nghêu giống, mới đáp ứng được 50% nhu cầu nuôi nghêu thịt của toàn huyện.
Bởi vậy, trong những ngày qua, giá nghêu giống ở ĐBSCL đang tăng lên khá mạnh. Ông Trần Quốc Cường, chủ một cơ sở sản xuất nghêu giống ở ấp Cầu Muống (xã Tân Thành, Gò Công Đông) cho biết, giá nghêu giống mà thương lái đặt mua hiện đã lên tới 24 triệu đồng/kg (nghêu cám loại 1,2 triệu con/kg), và giá nghêu giống còn có thể tăng lên trong thời gian tới, bởi không chỉ ở Gò Công Đông, mà nhiều vùng nuôi nghêu khác ở Bến Tre, Cần Giờ, Cà Mau, hay các tỉnh ngoài Bắc cũng đang có nhu cầu lớn về nghêu giống. Đây là mức giá kỷ lục từ trước tới giờ.
Theo ông Phạm Văn Kiệt, một số thương lái ở Tân Thành đang xuống Cà Mau tìm mua nghêu giống (nghêu cám, loại trên dưới 2 triệu con/kg), với giá 8-10 đồng/con. Tính ra, giá mỗi kg nghêu cám mà những thương lái này đang mua, cũng đã ở mức trên dưới 20 triệu đồng. Tuy giá cao như vậy, nhưng dân nuôi nghêu vẫn sẵn sàng mua để thả nuôi, vì nếu thả nghêu cám, mỗi ha cần khoảng 3 tấn, tương đương với khoảng 60 triệu đồng. Cộng với chi phí công cán trong suốt quá trình nuôi, tổng chi phí trên mỗi ha khoảng hơn 100 triệu đồng. Như vậy, người nuôi nghêu vẫn lời khá vì như đã nói ở trên, với giá nghêu thịt 30.000 đ/kg như hiện nay, trên mỗi ha, nông dân có doanh thu tới 450 triệu đồng.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/79265/Default.aspx