Cá tra Việt Nam, tầm nhìn 2015

06/06/2011

Ngày 4/6/2011, tại TPHCM, Trung tâm nghiên cứu và phân tích dữ liệu tài chính GAFIN, thuộc Công ty cổ phần tích hợp dữ liệu Nextcom, tổ chức hội thảo “Cá tra Việt Nam - Tầm nhìn 2015: “Xu hướng xuất khẩu, phân tích lợi thế cạnh tranh” do Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) chủ trì hội thảo.

Cá tra Việt Nam đang có lợi thế tại nhiều thị trường.
Hội thảo đã tập trung làm rõ hiện trạng và đưa ra các giải pháp, các cách tiếp cận khoa học cho ngành nuôi trồng thủy sản nói chung và cá tra nói riêng. Cá tra, cùng với tôm, là sản phẩm chủ lực của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đóng góp tới 73% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2010. Giá trị xuất khẩu tôm và cá tra tăng trưởng bình quân 12%/năm và 87%/năm trong giai đoạn từ (2000-2010). Trong 5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 526.000 tấn thuỷ sản, mang về 2,1 tỉ USD, tăng 10,43% về lượng và 29,05% về giá trị. Ngoại trừ năm 2009 sụt giảm do tác động của khủng hoảng toàn cầu, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có giai đoạn tăng trưởng gần 15 năm liên tục với tốc độ trung bình gần 10% mỗi năm.
Tuy nhiên, quá trình phát triển này vẫn có những sự bất ổn: giá nguyên liệu cá tra tại một số thời điểm đã xuống “chạm đáy” cũng như sự giảm giá của cá tra trên thị trường xuất khẩu là những dấu hiệu rõ rệt nhất cho sự bất ổn của cấu trúc ngành. Các doanh nghiệp đã có nhiều động thái tích cực thời gian qua để phát triển và tránh một nguy cơ về tương lai thu hẹp của ngành.
Ông Dương Ngọc Minh, Giám đốc công ty Thủy sản Hùng Vương nhận định, thủy sản là một trong những lĩnh vực xuất khẩu đem về nguồn ngoại tệ lớn, đồng thời liên quan đến việc làm của rất nhiều nông dân. Do đó, mục tiêu chính trong lúc này là không đặt nặng lợi nhuận bởi tất cả đều khó khăn. Vấn đề là làm sao tăng cường sản xuất, xuất khẩu để góp phần ổn định an sinh xã hội.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra kết quả phân tích thực trạng của ngành, từ đó đánh giá và dự báo tình hình xuất khẩu thủy sản những năm tới. Đồng thời đưa ra cách tiếp cận khác với không chỉ một giải pháp đơn lẻ mà là một gói giải pháp thực hiện đồng bộ để thực sự tạo ra tác động tích cực đến ngành công nghiệp hiện tại. Các doanh nghiệp cũng mong muốn Hội thảo sẽ trở thành một diễn đàn tổ chức hằng năm cho các doanh nghiệp đối thoại cùng các nhà hoạch định chính sách. Tại hội thảo lần này, Trung tâm nghiên cứu GAFIN đã giới thiệu báo cáo phân tích lợi thế so sánh của các mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam trên các thị trường dựa theo mô hình của FAO.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/6/28630.html


Tin khác