Nhập khẩu đường: Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay

06/06/2011

Trong khi theo Bộ Công Thương, việc cấp hạn ngạch nhập khẩu đường thời gian qua không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ đường trong nước thì Hiệp hội Mía đường Việt Nam lại có quan điểm khác.

Cụ thể, các doanh nghiệp trong Hiệp hội Mía đường Việt Nam đồng kiến nghị: không tiếp tục cho nhập khẩu đường trong thời gian tới.
Dự báo nhầm và thống kê tồn chưa chính xác?
250.000 tấn là số lượng đường được Bộ Công Thương cấp hạn ngạch nhập khẩu trong năm 2011. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khẳng định, việc điều hành hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2011 đã được các cơ quan chức năng liên quan họp bàn, cân nhắc tính toán rất kỹ. Cuối năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự báo, do thời tiết diễn biến không thuận lợi, sản lượng đường niên vụ 2010-2011 tăng không nhiều so với vụ trước (khoảng 1 triệu tấn, so với năm 2010 là 900.000 tấn). Trong khi đó, trong những năm gần đây, nhu cầu tiêu dùng hàng năm khoảng 1,3 đến 1,4 triệu tấn và nhu cầu năm 2011 còn cao hơn nữa, do một số ngành công nghiệp thực phẩm như sữa, nước giải khát… đã được đầu tư mở rộng, tăng sản lượng. Trong 250.000 tấn đường kể trên, Bộ Công Thương chia hạn ngạch 150.000 tấn cho doanh nghiệp sử dụng đường làm nguyên liệu trực tiếp sản xuất; 50.000 tấn cho một số nhà máy đường, 50.000 tấn cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại. Tuy nhiên sản lượng đường năm 2011 lại không như dự báo. Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, vụ sản xuất mía đường 2010-2011 (kết thúc vào tháng 5) đạt tới 1,1 triệu tấn.
250.000 tấn là lượng đường đã được cấp hạn ngạch nhập khẩu trong năm 2011.
Bên cạnh đó, lượng đường tồn kho của các của các nhà máy tính đến hết tháng 4 vào khoảng 525.000 tấn (cao hơn cùng kỳ năm trước 142.000 tấn). Theo Bộ Công Thương, lượng tồn kho trong các doanh nghiệp cần được tính toán chính xác hơn. Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp tồn tới hơn 500.000 tấn thì lượng đường tồn cộng với lượng sản xuất niên vụ này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, ước tính lên tới khoảng 1,4 triệu tấn. Vả lại, hơn 500.000 tấn đường tồn kho tại các nhà máy không phải lượng đường ứ thừa, vì đường là mặt hàng sản xuất theo mùa vụ nhưng sử dụng cả năm. Đây chính là nguồn hàng sử dụng trong 5-6 tháng tới cho đến vụ đường mới. Chính vì vậy, việc cấp phép nhập khẩu theo hạn ngạch 250.000 tấn đường đầu năm 2011 là phù hợp.
Bộ và Hội bất đồng quan điểm
Trái với quan điểm của Bộ Công Thương, đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước, Hiệp hội Mía đường Việt Nam lại cho rằng, việc cấp phép nhập khẩu 250.000 tấn đường (gần bằng 1/4 sản lượng đường sản xuất trong nước) đúng vào thời điểm cả nước vào chính vụ, nguồn cung dồi dào nhất, giá đường đang giảm… là không phù hợp, tác động xấu đến ngành mía đường và tiêu thụ, sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến thu nhập và cuộc sống của nông dân trồng mía. Hiệp hội này cho rằng, một số nhận định của Bộ Công Thương không phản ánh đúng diễn biến thị trường đường trong nước. Hiệp hội khẳng định, năm 2011 không thiếu đường trên phạm vi cả nước, hoàn toàn không cần nhập thêm. Mặc dù vậy, cả Hiệp hội và Bộ Công Thương cùng khẳng định thực trạng khó khăn về vốn, lãi suất để tạm trữ đường của các nhà máy hiện nay. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, vốn là khó khăn chung của các doanh nghiệp hiện nay, cho dù với doanh nghiệp mía đường thì áp lực này có lớn hơn.
Bên cạnh đó, vẫn theo Bộ này, khó khăn của các nhà máy đường phần nhiều xuất phát từ nội tại. Hiện giá đường thế giới tăng cao (lên mức 700-800 USD/tấn so với mặt bằng 300-400 USD/tấn) các doanh nghiệp mía đường Việt Nam đáng ra phải “thắng” lớn. Bên cạnh đó với các chính sách hỗ trợ, ưu ái phát triển sản xuất trong nước của Chính phủ, thị trường đường lẽ ra phải ổn định với mức giá hợp lý. Vậy mà các nhà máy thì vẫn khó khăn, thua lỗ; còn người tiêu dùng trong nước và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vẫn phải mua đường giá cao?!
Mặt khác, do không có sự phối hợp tốt nên giữa các nhà máy sản xuất đường với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và thương mại không có các hợp đồng tiêu thụ đường dài hạn. Trước đây khi giá đường biến động theo chiều hướng tăng, các nhà máy chỉ bán ra cầm chừng, đến khi giá đường có xu thế giảm, các doanh nghiệp thương mại và sản xuất chỉ mua một lượng đủ dùng, gánh nặng tồn kho các nhà máy chịu. Cơ quan này cũng chỉ rõ một thực tế đáng buồn là đường sản xuất tại Việt Nam không cạnh tranh được với đường Thái Lan và một lượng lớn đường nhập lậu đang chiếm lĩnh thị trường. Đó là những cơ sở để Bộ Công Thương cho rằng việc cấp hạn ngạch nhập khẩu đường là “phù hợp”, song yêu cầu các nhà máy đường tạm ngừng nhập khẩu đến 30-6-2011.
Trong khi đó, Hiệp hội lại kiến nghị hoãn không thời hạn đối với các hợp đồng nhập khẩu đường năm 2011 chưa có hợp đồng, hoặc hợp đồng đã ký nhưng chưa thanh toán, chưa mở L/C hoặc chưa phải bồi thường đối tác; khuyến khích tái xuất các lô hàng đã mua trong hạn ngạch được cấp đang làm dư thừa nguồn cung hiện nay.
Có thể thấy giải pháp này chỉ là mệnh lệnh hành chính bởi hiện nay đường sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh được với đường nhập khẩu. Giá đường giao dịch nhập khẩu từ Thái Lan từ cuối tháng 3 đến nay đang giảm so với đầu năm (hiện khoảng 720-740 USD/tấn so với mức 800 USD/tấn). Theo tính toán của các doanh nghiệp, giá đường nhập khẩu đang xấp xỉ với giá đường trong nước. Đó là chưa kể lượng đường nhập lậu tuồn về Việt Nam đang được bán với giá rẻ gây xáo trộn không nhỏ đến thị trường. Rõ ràng, nếu chỉ xem xét cấp hạn ngạch nhập khẩu thì công tác điều tiết thị trường đối với mặt hàng đường không thể đạt hiệu quả như mong muốn.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử 24h

Tin khác