|
Thạc sĩ Thanh Hiền (Viện bảo vệ thực vật) hướng dẫn người dân cách đặt miếng xốp tẩm bả prô-tê-in diệt ruồi hại quả thanh long.
|
Nhận được 'đơn đặt hàng' của UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ cho Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đơn vị đi đầu trong việc nghiên cứu ruồi hại quả (RHQ), thực hiện Ðề tài trọng điểm cấp thiết: 'Nghiên cứu các biện pháp quản lý ruồi hại quả thanh long trên diện rộng nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm quả xuất khẩu tại Bình Thuận'. Mục tiêu cụ thể của đề tài: Xác định thành phần loài, thành phần cây ký chủ và diễn biến phát sinh gây hại của RHQ trên các vùng trọng điểm trồng thanh long của tỉnh Bình Thuận; xây dựng quy trình, mô hình quản lý RHQ trên diện rộng, khống chế tác hại của RHQ dưới 3% tại các vùng trọng điểm trồng thanh long ở tỉnh Bình Thuận phục vụ xuất khẩu. Thời gian thực hiện đề tài từ tháng 4-2009 đến 1-2012, với kinh phí gần hai tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Thạc sĩ Thanh Hiền, chủ nhiệm đề tài, cho chúng tôi biết: Viện Bảo vệ thực vật có riêng một tổ nghiên cứu về RHQ. Việc nghiên cứu RHQ được các nhà khoa học của viện triển khai từ năm 1998 và cho đến nay đã tham gia thực hiện bốn chương trình dự án lớn chuyên nghiên cứu về RHQ. Một số địa điểm viện đã triển khai phòng trừ RHQ có diện tích lớn từ 20 đến 300 ha như: đào (Mộc Châu, Sơn La), táo (Bàng La, Ðồ Sơn, Hải Phòng), ổi (Thanh Hà, Hải Dương),... kết quả được nhân dân đánh giá cao. Tuy vậy, đây là lần đầu viện triển khai nghiên cứu tìm ra các biện pháp diệt RHQ thanh long tại Bình Thuận.
Trong nhiều năm qua, để diệt RHQ người dân dùng nhiều biện pháp nhưng không đem lại hiệu quả phòng trừ cao.
Với kinh nghiệm và từ kết quả thu thập về tình hình sản xuất thực tế địa phương, tập thể các nhà khoa học của Viện Bảo vệ thực vật đã đưa ra giải pháp phòng trừ RHQ theo hướng tổng hợp phù hợp điều kiện sinh thái ở tỉnh Bình Thuận: loại bỏ các cây ký chủ của ruồi; thủ tiêu ruồi đực bằng bẫy dẫn dụ; tiêu diệt ruồi cái và ruồi đực bằng bả prô-tê-in; vệ sinh đồng ruộng. Việc áp dụng đồng thời các biện pháp, nhất là phun bả prô-tê-in trên diện rộng mang lại hiệu quả cao. Cơ sở khoa học của biện pháp phun bả prô-tê- in đó là do yêu cầu sinh lý, ruồi đực và ruồi cái của tất cả các loài ruồi đến tuổi gây hại bắt buộc phải tìm ăn prô-tê-in để hoàn thành chu kỳ phát dục của chúng. Vì thế khi phun bả lên cành (vào mùa khô) hoặc phun lên giá thể mang bả (vào mùa mưa), ruồi sẽ tự tìm đến ăn, rồi bị ngấm thuốc dẫn tới chết.
Trong trang trại trồng thanh long của anh Nguyễn Văn Thanh (thôn Dân Cường, xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam), chúng tôi được các nhà khoa học của Viện Bảo vệ thực vật dẫn đi xem các giá thể đặt miếng xốp có tẩm bả prô-tê-in để diệt RHQ. Nếu không được giới thiệu trước, chúng tôi không thể đoán ra người thanh niên đi bên cạnh là cán bộ của Viện Bảo vệ thực vật, bởi anh có nước da đen sạm. Anh là thạc sĩ Lê Quang Khải. Người trồng thanh long ở đây coi anh như người thân trong gia đình. Sáng từ TP Phan Thiết, đi xe máy hơn 30 km, Quang Khải đến từng hộ dân trong diện triển khai dự án (160 ha), ra vườn hướng dẫn mọi người cách đặt bẫy, làm vệ sinh vườn... trưa về ăn cùng với dân, chiều lại ra vườn. Tối đi xe máy về thành phố, có hôm muộn quá, ngủ lại nhà dân. Nhờ việc về với dân mà các nhà khoa học có điều kiện hướng dẫn người dân làm đúng quy trình. Ngược lại cũng do thường xuyên về với dân mà các nhà khoa học có cơ sở để đối chiếu, hoàn chỉnh kết quả nghiên cứu. Thạc sĩ Lê Quang Khải tâm sự: Lúc đầu hướng dẫn người dân dùng bả prô-tê-in, nhiều người 'không mặn mà' lắm vì chưa biết công hiệu của thuốc.
Người đàn ông có nước da bánh mật này đã giúp đỡ chúng tôi thuyết phục người dân dùng kỹ thuật mới, vừa nói, Thạc sĩ Lê Quang Khải vừa chỉ tay về phía người đàn ông đứng cạnh chúng tôi. Anh tên là Nguyễn Văn Thanh, chủ trang trại Thanh Thanh, rộng chín ha.
Ðể chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới tới người dân, kinh nghiệm của các nhà khoa học là chọn những người nhiệt tình, và có trình độ cao nhất trong vùng. Ðó sẽ là 'kỹ sư chân đất', cầm tay chỉ việc, dạy người dân trong vùng cách loại bỏ cây ký chủ, vệ sinh đồng ruộng, cách đặt miếng xốp có tẩm bả prô-tê-in... khi không có cán bộ kỹ thuật ở đó. Anh Văn Thanh đã tình nguyện dùng nhà mình để làm nơi cho cán bộ khoa học của viện về tập huấn kỹ thuật cho người dân chung quanh vùng trồng thanh long. Gia đình anh đi tiên phong trong việc dùng bả prô-tê-in để diệt RHQ. Tuy nhiên, nhiều người dân không tin vì không nhìn thấy ruồi lăn ra chết ngay sau khi phun như dùng thuốc hóa học. Nhưng rồi đến vụ thu hoạch người dân thấy quả thanh long vườn nhà anh ít bị ruồi đục quả hơn hẳn so với các vườn chung quanh không áp dụng biện pháp nói trên và thu lợi hai tỷ đồng từ chín ha trồng thanh long. Từ đó mọi người tin và làm theo anh.
Thạc sĩ Thanh Hiền, chủ nhiệm đề tài thông báo với chúng tôi một tin vui: Ðến nay, tuy đề tài chưa kết thúc, nhưng kết quả đạt được thật đáng khích lệ. Tỷ lệ quả thanh long bị RHQ trong khu vực 160 ha triển khai đề án, đã giảm từ 15% xuống 3%, đạt mục tiêu đề ra. Khi đề tài kết thúc vào tháng 1-2012, Viện Bảo vệ thực vật sẽ chuyển giao toàn bộ công nghệ sản xuất bả diệt RHQ, kỹ thuật đặt bả, vệ sinh ruộng trồng thanh long... cho UBND tỉnh Bình Thuận, để nhân rộng mô hình ra toàn bộ vùng trồng thanh long.
Chúng tôi hỏi chị Thanh Hiền:
- Chị đánh giá thế nào về việc triển khai nghiên cứu theo đơn đặt hàng?
Chị Thanh Hiền cho biết: Là cán bộ nghiên cứu khoa học, không có gì vui mừng bằng khi biết rằng kết quả nghiên cứu của mình sẽ được ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Ðề tài nói trên khi hoàn thành, đạt được các mục tiêu đề ra, chắc chắn sẽ được UBND tỉnh Bình Thuận áp dụng trên diện rộng vì đó là đề tài thực hiện theo đơn đặt hàng. Là đề tài thực hiện theo đơn đặt hàng của tỉnh, cho nên cán bộ nghiên cứu đã nhận được sự ủng hộ của UBND tỉnh, sự giúp đỡ cao nhất của các cơ quan có liên quan như Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Bình Thuận; Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Thuận và Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền nam. Cán bộ khoa học tham gia trực tiếp đề án đã được cơ quan chức năng của tỉnh cung cấp thông tin về thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu tại vùng trồng thanh long; kinh nghiệm thu được từ việc triển khai các đề án nghiên cứu trước đây.
Tiến sĩ Hồ Ngọc Luật, Trưởng ban Khoa học và Công nghệ địa phương (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Những năm vừa qua nhiều tỉnh và thành phố trong vùng Ðông Nam Bộ nói riêng và các vùng trong cả nước nói chung đặt hàng Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu những vấn đề khoa học và công nghệ bức xúc từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng nhiều. Những vấn đề mà nguồn lực khoa học và công nghệ của địa phương không tự giải quyết nổi. Theo đúng quy định của pháp luật, để giải quyết vấn đề đó, các cấp có thẩm quyền phải thực hiện các bước xây dựng thuyết minh dự án, bảo vệ thuyết minh dự án, đưa dự án vào danh sách xin cấp kính phí..., thời gian mất một vài năm. Do vậy, nhiều vấn đề trọng điểm và cấp thiết đã không còn trọng điểm và cấp thiết nữa. Ðể giải quyết thực trạng này, được sự đồng ý của Chính phủ, mỗi năm Bộ Khoa học và Công nghệ được dùng khoảng 15 tỷ đồng để thực hiện cơ chế cung cấp kinh phí hoạt động cho các đề tài trọng điểm cấp thiết cần phải triển khai ngay.
Theo điều tra của Viện Cây ăn quả miền nam có 40% số hộ nông dân lãi từ 10 đến 50 triệu đồng/ha trồng cây thanh long; 20% số hộ nông dân lãi từ 20 đến 50 triệu đồng/ha 10% số hộ nông dân lãi từ 50 đến 100 triệu đồng/ha; đặc biệt có 5% số hộ nông dân lãi từ 100 triệu đến 200 triệu đồng/ha. Rõ ràng nếu biết đầu tư kỹ thuật thì trồng thanh long sẽ có lợi nhuận rất cao.
AGROINFO – Theo Báo Nhân dân
Nguồn:http://nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/kinh-t-tin-chung/khi-nha-khoa-h-c-v-v-i-nong-dan-1.298782#XRsQzBDbfLmT