Sản xuất sạch hơn: Đầu tư nước sạch làm rau an toàn

03/06/2011

Đến tháng 5.2011, TP.Hà Nội đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng xây 5 trạm bơm lọc nước sạch, 2 nhà sơ chế, 10ha nhà lưới và hơn chục km đường giao thông nội đồng cho 2 xã trồng rau Duyên Hà và Yên Mỹ (huyện Thanh Trì).

Bà Nguyễn Thị Tuyết Anh - Phó phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết: Huyện có khoảng 3.200ha đất nông nghiệp, trong đó gần 2.000ha trồng rau, màu.
Chú trọng tiêu chuẩn an toàn
Toàn huyện Thanh Trì hiện có 39 hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp và 3 HTX sản xuất rau an toàn (RAT) là Đại Lan, Văn Khúc (xã Duyên Hà) và HTX RAT Yên Mỹ với tổng diện tích 116,6ha. Mỗi năm, các HTX cung cấp cho thị trường khoảng 10.000 tấn rau, quả.
Niềm vui của ông Phạm Văn Sắn, khi vòi nước sạch đến từng thửa ruộng.
 
Ông Trần Đức Vinh- Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Mỹ cho hay: Năm 2005, HTX Yên Mỹ được Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KHCN) cấp chứng nhận "đủ điều kiện về sản xuất RAT; năm 2007 được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận "Đăng ký nhãn hiệu hàng hoá" cho cà chua đỏ và được Sở NNPTNN Hà Nội chứng nhận "Cơ sở đủ điều kiện sơ chế RAT".
Để phát triển thành khu sản xuất RAT và xây dựng thành công thương hiệu rau, quả, mỗi năm, huyện Thanh Trì mở 8-10 lớp tập huấn "Sản xuất RAT" cho hơn 300 hộ và 240 hộ đã được Cục BVTV cấp chứng chỉ. "Cả 3 HTX, các hộ xã viên đều tuân thủ quy trình sản xuất RAT: Không dùng phân tươi, chỉ dùng phân bón và thuốc BVTV sinh học (do Cục BVTV hỗ trợ). Ở các thửa ruộng mới phun thuốc đều treo biển: "Chú ý: Ruộng vừa phun thuốc BVTV". Rau, quả ở đây tuy giá cao, nhưng được người tiêu dùng tin tưởng" - bà Anh cho biết.
Được biết, huyện Thanh Trì đặt mục tiêu đến cuối năm 2011, khoảng 6ha rau, quả ở Yên Mỹ được chứng nhận VietGAP.
Nước sạch đến tận ruộng
“Khi đưa trạm bơm vào hoạt động, dự kiến các hộ phải đóng khoảng 179.000- 292.000 đồng/sào/năm. Chúng tôi và xã viên sẽ thảo luận giá cả cho hợp lý, đảm bảo người dân có lợi nhất.” - Ông Trần Đức Vinh - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ NN Yên Mỹ
Muốn sản xuất RAT, hay VietGAP, trước tiên phải có nguồn nước sạch. Nắm rõ điều kiện tiên quyết này, tháng 5.2009, UBND TP.Hà Nội có quyết định phê duyệt "Đề án sản xuất và tiêu thụ RAT, giai đoạn 2009-2015". Theo đó, huyện Thanh Trì được đầu tư 5 trạm bơm nước sạch bằng giếng khoan, tưới cho khoảng 106ha; được đầu tư 2 nhà sơ chế rau, quả khoảng 400m2; hơn 10ha nhà lưới và 12km đường bê tông nội đồng.
Ông Đỗ Quang Cường - Giám đốc Công ty CP Xây dựng Hà Khánh, đơn vị thi công trạm bơm nước sạch ở xã Duyên Hà cho biết: Giếng khoan sâu 79m, nước được lọc qua 3 hệ thống bể lắng, lọc để loại bỏ các tạp chất, vi khuẩn độc hại... được đưa đến bể chứa. Từ bể chứa, nước sẽ bơm qua hệ thống ống dẫn đến từng thửa ruộng". Ống dẫn bằng nhựa Tiền Phong, có thể sử dụng khoảng 50 năm. Mỗi đường ống cách nhau 15 -20m; cứ 10m lại có một vòi xả nước. Các hộ chỉ việc nối dây vào vòi xả, rồi tưới cho ruộng mình.
Ông Phạm Văn Sắn ở thôn Đại Lan, xã Duyên Hà trồng hơn mẫu bắp cải, súp lơ… phấn khởi: "Tôi có hơn mẫu ruộng, nhưng tới 6 mảnh, mỗi mảnh phải khoan một giếng để tưới. Hôm điện khỏe còn đỡ, chứ điện yếu vất vả lắm. Bây giờ có đường bê tông ra tận đồng, ống dẫn nước sạch đến tận ruộng, chỉ cần vặn van là nước chảy vào ruộng. Rau, quả thu hoạch, ô tô ra tận ruộng chở”.
Rau, quả sau khi thu hái, được đưa vào nhà sơ chế đóng gói, dán nhãn mác, rồi mới đưa đi tiêu thụ. Ông Trịnh Hiếu Trung- Giám đốc Ban quản lý Dự án RAT huyện Thanh Trì cho biết: "Nhà lưới, nhà sơ chế, đường bê tông và hệ thống ống dẫn đã lắp xong. Các trạm bơm đã hoàn thành giữa tháng 4 vừa qua, bàn giao cho các HTX quản lý. Các hộ được miễn tiền xây dựng, chỉ phải đóng tiền điện, nước hàng tháng".
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn: http://danviet.vn/45414p1c34/san-xuat-sach-hon-dau-tu-nuoc-sach-lam-rau-an-toan.htm


Tin khác