Cửa biển Sa Huỳnh bị bồi lấp: Dịch vụ nghề cá hấp hối

03/06/2011

Cuối tháng 5, dù đang là thời gian đỉnh điểm của mùa khai thác và đánh bắt hải sản, thế nhưng tại Đức Phổ - địa phương có số lượng tàu thuyền thuộc hàng lớn nhất của tỉnh Quảng Ngãi, bến cảng Sa Huỳnh lại hiu quạnh đến khó tin.

Vài năm lại đây, chỉ có một ít tàu nhỏ (công suất 89 CV trở xuống) mới dám chạy về cửa biển này. Toàn bộ tàu thuyền công suất lớn đều tìm cửa khác để đi hoặc neo đậu. Nguyên nhân là do cửa Sa Huỳnh bị bồi lấp nặng.
Ngoài ra, tại cửa này có con đê chắn cát được tạo nên với chi phí hàng chục tỷ đồng để ngăn chặn sự bồi lấp cát. Thế nhưng, chính con đê này lại làm cho tàu thêm sợ cửa biển Sa Huỳnh.
Các cơ sở chế biến hải sản đìu hiu,chỉ có vài ba công nhân làm việc vì không có nguyên liệu.
 
Theo UBND xã Phổ Thạnh, kể từ khi con đê được khởi công vào năm 2002 và đưa vào sử dụng năm 2009, đã có 31 tàu thuyền của ngư dân bị sóng đẩy vào đê vỡ tan tành, gây thiệt hại cho ngư dân trên 20 tỷ đồng. Do quá sợ con đê nên khoảng 400 chiếc tàu của xã Phổ Thạnh phải “ly hương”, đậu nhờ bến khác, vào ra cửa biển địa phương khác.
Tàu thuyền không dám về, hàng loạt cơ sở thu mua, chế biến hải sản đành đóng cửa vì không có nguyên liệu. Ngày 22.5, theo ghi nhận của phóng viên, tại đây chỉ còn lèo tèo vài công nhân phơi tôm cá tại khu vực gần cầu Lỗ. Ít ai dám tin rằng, đây từng là 2 cơ sở chế biến hải sản lớn nhất của xã Phổ Thạnh, từng có từ 400-600 lao động, mỗi năm bán ra thị trường nội địa và xuất khẩu từ 400-600 tấn hải sản khô.
Bà Lê Thị Thanh Mẫn - chủ cơ sở chế biến hải sản Thanh Mẫn, thở dài: “Trước đây, khi cửa Sa Huỳnh chưa bị bồi lấp và chưa có con đê chắn cát, mỗi ngày tôi mua hàng chục tấn mực, cá để chế biến. Vậy mà giờ đây còn chưa đến 600kg/ngày”.
Để có chừng đó nguyên liệu, bà Mẫn phải thuê xe ra các cảng biển khác để mua từ chính các tàu thuyền Phổ Thạnh “ly hương”, chịu chi phí đội lên. Hàng loạt các ngành nghề dịch vụ khác của xã, như sản xuất đá lạnh, xăng dầu cũng “chết” theo cửa biển.
Anh Lê Văn Tiến (36 tuổi), buồn bã: “Tôi có nhà máy sản xuất đá công suất 250 cây/ngày. Trước kia, tôi làm liên tục cũng không đủ đá mà bán, nhưng bây giờ thì làm 1 ngày đến 10 ngày sau bán cũng chưa hết. Tàu thuyền nào còn nữa mà mua”.
Dịch vụ hải sản “chết” kéo theo hàng nghìn lao động thường xuyên và thời vụ trong xã cũng bị thất nghiệp hàng loạt. Chị Nguyễn Thị Nhân (36 tuổi), công nhân cơ sở chế biến hải sản Thanh Mai, cho biết: Trước kia, cơ sở chúng tôi có 350 công nhân, nay chỉ còn 40 người. Trước kia, mỗi lao động thu nhập có thể đến 4 triệu đồng/tháng nay cao nhất chỉ còn 1,5 triệu đồng.
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://danviet.vn/45286p1c34/cua-bien-sa-huynh-bi-boi-lap-dich-vu-nghe-ca-hap-hoi.htm


Tin khác