Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt dự án đầu tư sản xuất giống một số cây ăn quả chủ lực, hiệu quả kinh tế cao tại các tỉnh phía Nam giai đoạn 2011 – 2015.
|
Trái cây đặc sản của Vĩnh Long được người tiêu dùng ưa thích.
|
Tổng vốn đầu tư dự án gần 26 tỉ đồng do Viện Cây ăn quả miền Nam làm chủ đầu tư.
Mục tiêu chung của dự án là sản xuất các giống cây ăn quả chất lượng cao trên cơ sở các chủng loại giống cây ăn quả có triển vọng, những loại giống được công nhận chính thức hoặc tạm thời, tiếp tục sản xuất giống cây có múi và giống chuối nuôi cấy mô phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Cùng với đó, dự án chú trọng đào tạo, tập huấn cán bộ tạo giống và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực giống, đồng thời tăng cường cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và bảo vệ sản phẩm giống.
Được biết, dự án này tập trung duy trì vườn cây giống gốc và các giống đầu dòng gồm: Sầu riêng, chôm chôm, mít, bơ, nhãn xuồng, xoài, chuối, cây có múi, cùng với đó là sản xuất từ 25.000 đến 27.000 cây đầu dòng các giống mít nghệ, nhãn xuồng cơm vàng, cây có múi. Từ 600.000 đến 630.000 cây giống có múi sạch bệnh như cam không hạt, bưởi da xanh, chuối nuôi cấy mô. Ngoài ra còn xây dựng mô hình trình diễn 4 ha sản xuất giống thanh long ruột đỏ Long Định 1.
Liên quan đến thị trường của một số loại hoa quả tại Đồng bằng sông Cửu Long, vào thời điểm này, các nhà vườn trồng cây ăn quả đều rất vui khi giá một số loại quả ra trái vụ bán được giá cao gấp đôi, gấp ba lần chính vụ. Cam sành đang được bán với giá hơn 25.000 đồng/kg, bưởi Năm Roi giá 9.000 đồng/kg, chôm chôm nhãn giá hơn 34.000 đồng/kg, chôm chôm Java giá khoảng 25.000 đồng/kg...
Theo đó, người trồng cam sành ở Tiền giang phấn khởi khi cam sành tăng giá mạnh, nông dân thu lãi trên 300 triệu đồng/ha. Tại các vựa cam, giá cam sành loại I thương lái mua 32.000 đồng/kg, còn cam mua tại vườn không phân loại, giá khoảng 28.000 đồng/kg, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 6.500 ha cam các loại đang cho quả, trong đó chủ lực gồm cam sành, cam mật, cam dây. Cũng tại huyện Cai Lậy, thuộc tỉnh Tiền Giang, cây mít Dương linh và mít Thái siêu sớm đã cho thu nhập từ 27.000 - 29.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay, trừ các khoản chi phí nông dân thu lãi 200 triệu đồng/ha. Toàn huyện Cai Lậy có trên 1.000 ha mít Dương linh và mít Thái siêu sớm, trong đó có khoảng 50% diện tích cho trái. Do đặc tính sinh học của 2 loại mít trên dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, cơm ngọt, giòn, được thị trường ưa chuộng, nên nhà vườn mạnh dạn mở rộng diện tích trồng mít thay cho các loại cây trái kém hiệu quả.
Còn tại Vĩnh Long, đây là tỉnh có diện tích vườn cây ăn quả lớn đứng thứ hai ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau tỉnh Tiền Giang. Toàn tỉnh hiện có 46.883ha vườn cây lâu năm, trong đó diện tích trồng cây ăn quả là 38.976ha. Do được ngành nông nghiệp tỉnh quy hoạch, đầu tư sản xuất nhiều loại trái cây chủ lực có thế mạnh, chất lượng cao để tham gia thị trường xuất khẩu và cung cấp cho nhiều thành phố lớn trong cả nước như bưởi Năm Roi, cam sành, chôm chôm, nhãn tiêu da bò, sầu riêng Ri 6, măng cụt,... Đến nay, bưởi Năm Roi của Hợp tác xã Mỹ Hòa huyện Bình Minh đã được chứng nhận tiêu chuẩn Global GAP. Hiện tỉnh đã có kế hoạch thực hiện chương trình sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP cho cây nhãn, chôm chôm ở các huyện Long Hồ, Trà Ô./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Nguồn:http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=462746