Vỡ nợ vì dưa

06/06/2011

Con đường chạy qua thị trấn NT Việt Trung (huyện Bố Trạch-Quảng Bình) lên xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) vào thời điểm thu hoạch dưa hấu của năm ngoái ken dày xe ô tô nằm chờ ăn hàng.

Người nông dân cứ kê cao gối ngủ mà chẳng phải lo ngại điều gì vì thương lái cứ tranh nhau “nhảy” vào nhà đòi trả tiền tươi để mua dưa ngay tại ruộng. Nhưng vụ dưa năm nay thì khác hẳn. Hàng chục đống dưa, mỗi đống khoảng vài chục tấn chất đầy như núi hai bên đường mà thương lái thì vắng bóng.
Kiểu gì cũng lỗ
Chúng tôi dừng xe tạt vào một “vựa” dưa bên đường gần trụ sở đội Chiến Thắng (thuộc Cty Cao su Việt Trung). Mấy người dân đang chụm đầu tính tính toán toán mà chẳng ai ngó ngàng đến đống dưa. Một chị phụ nữ ngước lên hỏi với giọng chán nản: “Mấy chú mua dưa à”? Khi biết chúng tôi không phải thương lái, chị khoát tay: “Dưa đó, mấy chú ưng trái mô thì cứ lấy mà ăn, đừng ngại vì có tính toán kiểu gì thì người trồng dưa năm nay cũng lỗ chỏng gọng rồi”.
 
Sau khi bắt chuyện, chị Trương Thị Huyền (người phụ nữ mời dưa chúng tôi) bộc bạch: “Thấy năm ngoái bà con trồng dưa có lãi, tôi cùng 3 người chung vốn thuê đất của Cty trồng 3,5 ha. Thật mừng dưa cho năng suất chừng 12 tấn/ha, gần gấp đôi năng suất năm ngoái. Vậy mà, khi dưa chín tới không có ai mua. Hằng ngày chờ thương lái còn hơn lúc nhỏ chờ mẹ đi chợ về! Không có người mua, giá lại xuống như xe xuống dốc đứt phanh. Bây giờ tính toán lại thì lỗ mỗi người gần chục triệu đồng. Đó là chưa kể công lao hơn 5 tháng trời trằn mặt với ruộng dưa”.
Đứng dưới gốc cây tràm, anh Lê Văn Tiến đang gọi điện thoại di động cho ai đó một hồi rồi tắt máy, giọng thất vọng: “Gọi cho lái mua dưa năm trước mà họ nói không chạy được hàng nên không mua”. Theo anh Tiến, năm nay anh trồng được hơn 1ha dưa. Tiền thuê đất, cày bừa, tiền giống, phân bón...tất cả chi phí từ 20-25 triệu đồng. Thu được 12 tấn dưa, bán chạy với giá 1,3 triệu đồng/tấn, cộng thêm dưa cào nữa tổng thu cũng được 15 triệu đồng. Vậy là thâm hụt khoảng 10 triệu đồng, cứ như đánh mất tiền trong túi.
Thương lái không đến mua, nhiều người sốt sắng thuê xe chở dưa ra các tỉnh phía Bắc tìm nơi tiêu thụ. Ông Lưu Văn Đại có 4 ha dưa, năng suất vượt lên 14 tấn/ha. Thuê ô tô chở ra tận Bắc Ninh để nhập cho chợ đầu mối, ông tính toán: “Mỗi xe chở 20 tấn, công vận chuyển hết 17 triệu đồng, tiền công dắt mối 4 triệu đồng, phí bến bãi và chi ăn uống và các khoản chi tối thiểu khác hết 4 triệu đồng, tổng chi cho mỗi chuyển xe 26 triệu đồng. 20 tấn dưa khi mua, họ loại ra không mua khoảng 3 tấn nên tính giá bán chỉ còn 17 tấn, nhân với giá 30 được 51 triệu. Trừ đi chi phí còn lại 26 triệu. Vậy là có mang đi bán cũng chỉ giá 13, đúng bằng tại nhà mình. Biết là vậy, nhưng không  mang đi bán thì để dưa thối tại ruộng à”.
Người xem ra may mắn nhất trong vụ dưa này là ông Nguyễn Văn Hường ở đội Thống Nhất. Ông trồng khoảng 1,5 ha dưa, khi thu hoạch không ai mua, ông mang bán rao ngoài các tỉnh phía Bắc. Lần đó, bán được giá, khi về tính toán lại dư 3 triệu đồng. Hỏi chuyện, ông lắc đầu: “Nói là lãi 3 triệu đồng, nhưng đó là tui chưa tính dến công sức cả nhà bỏ ra trong 5 tháng ròng rã, rồi tiền thuê xe vận tải nhỏ “cõng” dưa từ rẫy ra hơn chục chuyến... Chi li thì cũng lỗ chứ có lãi liếc cho mô”.
Nợ đè lên dưa
Ông Nguyễn Đức Trường- Chủ tịch UBND thị trấn NT Việt Trung cũng kêu khổ vì dưa năm nay rớt giá. Theo ông, năm ngoái người dân trồng dưa có lãi lớn vì giá đạt đến 5 triệu đồng/tấn. Trung bình mỗi ha dưa cho lãi từ 25-30 triệu đồng. Vì vậy, vào vụ này người dân đầu tư mạnh vào dưa với hy vọng làm giàu. Toàn thị trấn có trên 160 ha dưa giống Hắc Mỹ nhân. Ngoài những hộ đã có diện tích từ vụ trược thì có đến trên 60 hộ vay vốn tín dụng để phát triển diện tích mới. Trung bình mỗi hộ cũng vay đầu tư ở mức 20-30 triệu đồng. Vụ dưa lỗ, tính sơ, con số nợ của bà con khó trả cũng lên trên tỷ đồng. Sau vụ dưa, người nông dân khó có khoản thu nào lớn để trả nợ vay. Lãi suất bây giờ tăng cao. Nếu kéo dài nợ thì người nông dân càng kiệt quệ.
Năm ngoái, toàn huyện Bố Trạch có gần 700 ha dưa. Do được giá, lãi nhiều nên vụ dưa năm nay nông dân trong huyện đã tăng diện tích lên con số gần 1.000 ha. Nhiều người còn dự báo, sang năm 2012 dưa sẽ được mùa, được giá nên vẫn muốn tăng diện tích. Nhưng đến lúc đó, sợ người nông dân không còn đủ sức để chèo chống trên ruộng dưa vì nợ cũ chưa trả hết...
Không chỉ ở vùng NT Việt Trung, tất cả các địa phương có thế mạnh về dưa hấu ở huyện Bố Trạch như Vạn Trạch, Lý Trạch, Sơn Trạch, Sơn Lộc... đều chung cảnh dưa ế ẩm, mất vốn đầu tư. Chị Nguyễn Thị Hường (xã Lý Trạch) ngồi bên đống dưa nói như than: “Nhà em vay 80 triệu đồng của ngân hàng, thêm chút vốn dành dụm từ năm trước để đổ vào 4 ha dưa. Bây chờ có cố mà bán thì cũng chỉ thu được chừng 40 triệu. Còn lại nợ ngân hàng 40 triệu không biết bán cái chi mà trả. Năm ngoái trúng dưa có mua được cái xe máy, tủ lạnh không lẽ bây giờ mang đi bán rẻ”.
Theo ông Lê Văn Đông, một nông dân xã Lý Trạch thì mấy năm qua, hiệu quả cây dưa cũng cho thấy rõ. Kinh tế nhiều hộ gia đình phát triển cũng nhờ vào loại cây trồng này. Tuy nhiên, việc trồng dưa cũng như “đánh bạc” với trời, vì đầu ra không được doanh nghiệp nào bảo trợ mà phụ thuộc vào tư thương. Rủi ro cao và đồng vốn đầu tư vào cây dưa cũng cao nên người nông dân cứ phải vừa làm vừa run. Được hay mất đều nằm ngoài tầm tay của mình.
 “Hơn nữa, diện tích trồng dưa tăng hay giảm đều do người nông dân tự phát thực hiện chứ chưa được cấp chính quyền nào quy hoạch, định hướng nên việc “tự bơi” đó có khi “chết đuối” là điều khó tranh khỏi”-ông Đông nói thêm như chốt lại câu chuyện.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/79258/Default.aspx


Tin khác