Sơ kết Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Đưa hàng về nông thôn vẫn mang tính “thời vụ”

07/06/2011

Sáng nay (7/6), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tô chức Hội nghị sơ kết tình hình triển khia thực hiện các nhiệm vụ năm 2011 của Cuộc vận động.

 
Trong 5 tháng qua, đã có 50 đợt bán hàng về nông thôn được thực hiện.
 
Theo ông Lê Bá Trình, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng ban thường trực Cuộc vận động, tính đến ngày 31/5/2011, đã có 21/63 Ban chỉ đạo Cuộc vận động các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng kế hoạch triển khai Cuộc vận động. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong 5 tháng đầu năm 2011 đã tổ chức được gần 50 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 1000 lượt doanh nghiệp tham gia. Các hoạt động này đã được diễn ra đều đặn tại các tỉnh, trung bình mỗi nơi 1 đợt/tháng. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, hàng Việt không chỉ thu hút được người dân bản địa mà còn thu hút được đông đảo dân cư của các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Trung Quốc...
Nổi bật lên trong 5 tháng qua là, Ban chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố Hà Nội đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, trong đó tổ chức 53 điểm bán hàng giảm giá với sự tham gia của 23 đơn vị; “Tuần bán hàng vì người tiêu dùng”; tổ chức 398 điểm bán hàng bình ổn giá, các phiên chợ hàng Việt. Cho đến nay, 29/29 quận, huyện của thành phố Hà Nội đã thành lập được Ban chỉ đạo Cuộc vận động. Ban chỉ đạo Cuộc vận động Tp. Hồ Chí Minh đã phối hợp với nhiều ngành tổ chức Giải báo chí “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”; sáng tác 7 ca khúc vận động nhân dân dùng hàng Việt; Ban chỉ đạo Cuộc vận động TP Đà Nẵng cũng đã tổ chức được 7 – 8 phiên chợ hàng Việt tại vùng ngoại thành, khu công nhân...; Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với ngành công thương, các doanh nghiệp tổ chức 3 hội chợ cấp tỉnh với chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với tổng số 260 đơn vị tham gia, gồm 470 gian hàng, thu hút khoảng 85.000 người tham quan, mua sắm.
Đánh giá về những hạn chế, tồn tại của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Trình cho rằng, các cơ chế, chính sách, giải pháp trong quản lý nhà nước để tạo môi trường lành mạnh cho hàng Việt đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng chưa thực hiện tốt, đặc biệt là hàng giả, hàng gian lận thương mại, tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phậm chưa được giải quyết triệt để. Đặc biệt, việc đưa hàng về tận tay người tiêu dùng ở nông thôn, nơi tập trung đông công nhân, người lao động vùng sâu, vùng xa vẫn còn lúng túng, theo thời vụ nhất định.
Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Ủy viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động cho rằng, để Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” thực sự đi vào chiều sâu, cần sớm có một giải thích về “hàng Việt Nam” trong văn bản ban hành theo thẩm quyền của Chính phủ, có thể dưới dạng Nghị quyết triển khai thực hiện nhiệm vụ để phù hợp với tính chất của Cuộc vận động. Ngoài ra, Chính phủ cần có hỗ trợ ưu đãi lãi suất cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt tập trung đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý, nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, xây dựng hệ thống phân phối nội địa, đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu dùng...
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/xahoi/2011/6/28665.html


Tin khác