Kẽ hở tiêm phòng cúm gia cầm: Chia nhỏ đàn để "rút ruột" vacxin

07/06/2011

Theo quy định, những hộ chăn nuôi gia cầm có tổng đàn dưới 2.000 con sẽ được nhà nước hỗ trợ tiêm phòng vacxin cúm gia cầm miễn phí. Lợi dụng quy định này, nhiều hộ chăn nuôi đã cố tình chia nhỏ đàn để khỏi mất tiền tiêm phòng.

Mỗi đứa đứng tên một đàn!
Hiện nay, số vịt chạy đồng ở ĐBSCL khoảng 31,5 triệu con, chiếm hơn 70% đàn vịt trong vùng và chiếm 40% trong tổng đàn vịt cả nước. Tập tính nuôi vịt chạy đồng tựa như dân du mục, thả vịt đi ăn lúa rơi, ốc, hến sau mùa gặt từ đồng này sang đồng khác. Trong đó những tỉnh có đàn vịt chạy đồng lớn trên 2,5 triệu con/tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Long An, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang. Nhiều hộ chăn nuôi có quy mô đàn lớn, vượt số lượng 2.000 con, tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì số người bỏ tiền ra để tự tiêm phòng là rất ít.
Ông Huỳnh Công Chương, một hộ nuôi vịt quy mô lớn tại xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang cho biết, hiện gia đình đã xây dựng được hệ thống chuồng trại có thể nuôi vịt với tổng đàn lên đến 15.000 con. Tuy nhiên, thông thường gia đình chỉ nuôi nhốt khoảng 1.000 – 1.500 con vịt đẻ tại đây nhằm lấy trứng ấp nở vịt con để cung cấp cho các hộ nuôi. Còn vịt thịt, gia đình thường nuôi theo hình thức chạy đồng, khi nào chuẩn bị xuất bán mới đưa về trang trại nuôi thúc thêm một thời gian ngắn cho đủ ký rồi kêu thương lái vào cân.
Khi hỏi về công tác tiêm phòng vacxin cúm gia cầm, ông Chương cho biết: “Cán bộ thú y ở đây rất tích cực, khi tái đàn mới mình chỉ cần báo là họ đến tiêm ngay. Ngoài ra, họ còn đến tiêm định kỳ theo từng đợt trong năm”. Mặc dù chăn nuôi quy mô lớn nhưng ông Chương thừa nhận chưa bao giờ mất tiền tiêm vacxin. Vì tại nhà ông chỉ duy trì đàn vịt đẻ dưới 2.000 con. Còn vịt thịt nuôi chạy đồng được chia nhỏ đàn ra cho các con, cháu mỗi đứa đăng ký đứng tên một bầy và không bao giờ vượt quá 2.000 con/bầy. Vì theo quy định những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với quy mô đàn dưới 2.000 con sẽ được nhà nước hỗ trợ tiêm phòng miễn phí.
Đây cũng là chiêu thức mà nhiều hộ nuôi vịt ở ĐBSCL có quy mô đàn trên 2.000 dùng để qua mặt cơ quan chức năng để được tiêm phòng vacxin khỏi tốn tiền. Ông Nguyễn Thành Đức,  Chi cục trưởng Chi cục Thú y Kiên Giang cho biết, hàng năm theo quy định, tỉnh tiến hành tiêm phòng vacxin cúm gia cầm 2 đợt.  Ngoài ra, còn tiến hành tiêm bổ sung thường xuyên hàng tháng cho những đàn nuôi mới. Mặc dù toàn tỉnh có tổng đàn gia cầm lên đến trên 5 triệu con, tuy nhiên gia cầm chủ yếu được tiêm phòng miễn phí.
Ông Đức thừa nhận: “Việc nắm tổng đàn từng hộ cũng như giám sát đàn để tiêm phòng thì ngành nông nghiệp không thể kiểm soát hết được. Vì có khi cả gia đình họ đều theo nghề nuôi vịt. Họ bảo con, cháu lớn tự đầu tư nuôi riêng, có đăng ký sổ vịt chạy đồng với địa phương thì thú y buộc phải tiêm phòng theo quy định”.
Tỉnh Hậu Giang có tổng đàn gia cầm khoảng gần 3 triệu con. Để tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia cầm, mỗi năm tỉnh này cần khoảng 10 triệu liều vacxin cho 2 đợt tiêm chính, tiêm vét và tiêm bổ sung. Sở dĩ phải cần đến số lượng vacxin miễn phí lớn như vậy vì theo thống kê, tất cả đều vào "diện" nhỏ lẻ, và có nuôi vịt chạy đàn thì cũng chỉ dưới...2.000 con/đàn nên không thể thu phí.
Tại Sóc Trăng, tỉnh này cũng có hơn 3,5 triệu con gia cầm. Tuy nhiên, trái với thực tế vịt chạy đàn lên đến hàng nghìn con trên đồng thì đến mỗi mùa tiêm, các hộ chăn nuôi đều cho biết tổng đàn của mình dưới 2.000 con, vì vậy những hộ tự bỏ tiền mua vacxin gần như không có.
Đã có Nhà nước lo!
Một cán bộ công tác lâu năm trong ngành thú y cho biết, chuyện những người chăn nuôi có số lượng bầy đàn lớn tìm cách đối phó, lách quy định không có gì là lạ. Vì với mức thu 240 đồng/mũi tiêm/con thì một đàn vịt 3.000 con, người nuôi phải bỏ ra trên 7 triệu đồng. Với hai lần tiêm theo quy định thì số tiền này lên đến 14-15 triệu đồng, ngốn rất nhiều vào phần lãi.
Tiếp xúc với nhiều hộ chăn nuôi lớn, có cả hàng ngàn vịt chạy đồng ở ĐBSCL, tất cả đều cho biết họ chưa từng mất tiền chi phí để tiêm vacxin. "Tiêm vacxin là việc của Nhà nước. Nếu có dịch CGC xảy ra thì đã có Nhà nước hỗ trợ, dập dịch" - một hộ chăn nuôi bình thản nói!
Trong khi đó, việc quy định của ta lại rất lỏng lẻo, cứ hộ nuôi dưới 2.000 con là được tiêm phòng  miễn phí. Vì vậy, người chăn nuôi chỉ cần chia bầy nhỏ ra, mượn anh em, con cháu đứng tên đăng ký sổ tại xã là xong. Khi đã có sổ riêng với số lượng đúng như quy định, họ báo thì buộc thú y phải tiêm phòng vacxin miễn phí. Nếu không tiêm, xảy ra dịch bệnh họ đổ thừa cho thú y không chịu tiêm thì ai chịu trách nhiệm.
Ông Quách Văn Tây, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Sóc Trăng tỏ rõ quan điểm: Theo tôi, không nên bao cấp mà cần thực hiện tiêm vacxin có thu tiền để thể hiện trách nhiệm của hai bên: Cơ quan thú y hướng dẫn, cung cấp thuốc tốt mọi lúc mọi nơi; người chăn nuôi phải có ý thức bảo vệ đàn gia cầm là tài sản của mình. Về lâu dài, dứt khoát phải tính theo hướng xã hội hóa, dân phải lo cùng Nhà nước. Vì không thể chăn nuôi có lãi mình hưởng còn rủi ro bị chết cứ kêu Nhà nước hỗ trợ thiệt hại. Song tôi đề xuất cần lập quỹ dự phòng dập dịch trên gia cầm, vì bệnh lây sang người.
Cụ thể hồi đầu năm tháng 1/2011, Sóc Trăng lúng túng khi vào cuộc dập dịch. CGC xảy ra trên địa bàn 7 xã thuộc hai huyện Kế Sách và Mỹ Tú. Trong đó số gia cầm bệnh 5.828 con, số chết 2.569 con và buộc tiêu hủy 4.561 con. Chi cục Thú y Sóc Trăng có công văn đề nghị Cục Thú y, Cơ quan Thú y Vùng VII hỗ trợ. Cục Thú y yêu cầu tạm chi và qua thực tế dập dịch tỉnh ứng 2,5 triệu liều. Thế nhưng sau đó, Cục Thú y giải quyết 1 triệu liều. Cuối cùng đến nay nợ 1,5 triệu liều vẫn treo lơ lửng.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/79415/Default.aspx


Tin khác