Với vị trí địa lý một huyện miền núi không thuận để phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư, Tân Lạc (Hòa Bình) đưa chương trình phát triển nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là ưu tiên hàng đầu.
Huyện quy hoạch diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 12.700 ha; trồng rừng 1.000 ha; phát triển chăn nuôi đại gia súc 25.000 con. Các xã vùng thấp đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ đảm bảo an ninh lương thực, phát triển cây công nghiệp ngắn ngày; riêng vụ xuân 2011 toàn huyện đã trồng được 1.540 ha mía, vượt 40% so với kế hoạch. Nông dân đã chủ động chuyển trên 500 ha ruộng hạn sang trồng cây lạc, dưa hấu, bí xanh…đạt hiệu quả kinh tế cao. 5 xã vùng cao của huyện là Quyết Chiến, Ngổ Luông, Bắc Sơn, Lũng Vân, Nam Sơn phát huy tiềm năng đất đai và khí hậu mở rộng diện tích ngô trên 1.000 ha và gần 50 ha rau su su.
Ở Tân Lạc, xã Thanh Hối là một điển hình trong phát triển kinh tế - xã hội. Xã có 1.500 hộ, 6.301 nhân khẩu sống ở 19 xóm, năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 10 triệu đồng, ở tốp đầu của huyện; số hộ nghèo còn 215 hộ, bằng 14,7%. Đồng chí Bùi Văn Huyến, Chủ tịch UBND xã cho biết: 80% số hộ trong xã sống nghề nông, chỉ có 20% số hộ làm dịch vụ nhưng đời sống nông dân no đủ; nhiều hộ thu hàng trăm triệu đồng từ chăn nuôi và trồng trọt; nhà cửa kiên cố hoá 100%, đường ô tô về hết các xóm. Thành quả ấy có được là do nhiều năm nay cấp uỷ và chính quyền xã đã chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Số đảng viên làm kinh tế khá, giỏi chiếm trên 50%. Thanh Hối đã thanh toán ruộng một vụ bằng 200 ha mía tím, mía trắng; 140 ha dưa hấu, bí xanh. Đặc biệt ở xóm Sung có 110 hộ đã canh tác hơn 20 ha rau sạch, mùa nào thức ấy như đậu đỗ, dưa, cà…, hàng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh từ 700 - 800 tấn rau an toàn. Chúng tôi đến thăm nhà ông Bùi Văn Thuận ở xóm Sung, ông cho biết: Hai vợ chồng luân canh 3 sào rau, trồng 2 sào mía, cấy 3 sào lúa, mỗi năm thu nhập từ trồng trọt trên 60 triệu đồng; ấy là chưa kể nuôi lợn và có 6 ha rừng keo chưa vào kỳ khai thác. Nhờ vậy, mà gia đình ông sống sung túc, nuôi hai con học đại học.
Lên xã vùng cao Quyết Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Bến say sưa nói về cây su su. Nhờ có dự án của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hỗ trợ, dân trồng thử nghiệm 1 ha su su từ năm 2008, đến nay nông dân trong xã đã mở rộng diện tích su su lên 22,7 ha. 1 ha su su trồng lấy ngọn đầu tư từ 60 - 70 triệu đồng, trồng vào tháng 3 và cho thu hoạch quanh năm, đạt giá trị từ 250 - 300 triệu đồng/ha, đúng là cây giúp dân xoá đói và làm giàu. Anh Dương Văn Bảo, nhà ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) lên Quyết Chiến thuê đất trồng 6,5 ha su su từ năm 2009, anh sử dụng 30 lao động địa phương, nuôi ba bữa cơm và trả lương 1,5 triệu đồng tháng. Anh Bảo cho biết: Hiện tại mỗi ngày anh thu hoạch 2,5 tấn ngọn su su và thu gom của dân 1,5 tấn, đủ số lượng 4 tấn chất lên 2 xe tải nhỏ của gia đình mang về Hà Nội tiêu thụ.
Bí thư Huyện uỷ Tân Lạc Bùi Văn Thắng, nguyên là Giám đốc Sở Giao thông vận tải được luân chuyển về huyện gần 3 năm nay, thời gian chưa nhiều nhưng anh có một bài học sâu sắc: Để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống một cách nhanh chóng và hiệu quả thì phải biết khơi dậy sức mạnh từ mỗi chi bộ, mỗi bản làng và khát vọng thoát nghèo, làm giàu từ mỗi người dân./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Nguồn:http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=462893