Hàng trăm hộ nông dân nghèo huyện Nông Cống, Thanh Hóa đã xây bể, làm giếng nước sạch và thoát nghèo, làm giàu từ vốn vay ưu đãi.
Những năm gần đây, số người dân trong huyện Nông Cống mắc các chứng bệnh liên quan đến dùng nước không hợp vệ sinh tăng mạnh, trong đó không ít người chết do ung thư. Trước tình hình đó, năm 2010, Ngân hàng CSXH huyện đã cho gần 2.000 hộ vay vốn để khoan giếng và xây bể chứa nước sạch.
|
Anh Trần Văn Tiến (thôn 4, xã Tế Lợi) có nước sạch dùng nhờ vốn ưu đãi |
Yên tâm dùng nước
Chị Lê Thị Ly (thôn 4, xã Hoàng Giang) bao năm nay phải uống nước giếng đào ô nhiễm, nay được dùng nguồn nước sạch giếng khoan phấn khởi nói: "Nước ở đây nhiễm phèn, múc lên chậu để một lúc cặn bám khắp đáy chậu vàng khè. Gần chục người trong xã đã chết vì bệnh ung thư rồi. Bây giờ có giếng khoan, bể lọc nên cũng yên tâm hơn".
Gia đình anh Trần Văn Tiến ở thôn 4 có 6 khẩu, không có giếng nên hàng ngày anh phải dùng can nhựa sang tận xã bên xin nước. “Được Ngân hàng CSXH cho vay 4 triệu đồng, tôi khoan giếng sâu hơn 20m và xây hệ thống bể lọc. Không có Nhà nước hỗ trợ, không biết bao giờ mình mới có nước sạch để dùng"- anh Tiến vui vẻ.
Chị Lê Thị Nương cán bộ tổ tiết kiệm vay vốn thôn 4 cho biết: "Năm 2010, thôn 4 có 12 hộ được vay chương trình nước sạch. Cũng nhờ đó mà số người mắc các bệnh tiêu chảy, mẩn ngứa… giảm hẳn".
Ông Lê Đức Cường - Giám đốc NHCSXH huyện Nông Cống cho biết: "Hiện Ngân hàng có tổng dư nợ là 251,834 tỷ đồng/21.202 khách hàng. Trong đó vốn cho vay hộ nghèo là 111,059 tỷ đồng/11.324 khách hàng; vay nước sạch là 9,277 tỷ đồng/1.554 khách hàng và vay HSSV 123,094 tỷ đồng/7.728 khách hàng vay".
|
Có vốn làm giàu
Anh Đỗ Đức Thái vốn là công nhân cầu đường, năm 2004, anh bỏ làm công nhân về nhà chăn nuôi. Năm 2006, được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng giải quyết việc làm, cộng với tiền tích lũy, anh thầu thêm 1,8ha ao để thả cả mè, chép, trôi và ương cá giống, mở rộng trang trại lợn.
Mỗi năm anh xuất khoảng 8 tấn cá thịt, lãi gần 200 triệu đồng và khoảng 1,5 tấn cá giống, lãi khoảng 60 triệu đồng. Năm 2008, anh kết hợp nuôi cả gà và vịt, với hơn 2.500 gà mái đẻ và 2.000 vịt thịt, vịt đẻ.
"Trừ hết chi phí, mỗi năm mình lãi gần 800 triệu đồng. Hiện, mình đang thuê 4 lao động, trả lương từ 1,8-2,6 triệu đồng/tháng" - anh Thái chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Nguyên (thôn 4, xã Hoàng Giang) có hoàn cảnh rất đặc biệt. Năm 2005 chồng chị mất do căn bệnh ung thư gan, để lại cho chị hai con thơ. Được Hội ND, Hội Phụ nữ giúp đỡ, chị đã vay Ngân hàng CSXH hai đợt 16 triệu đồng để đầu tư nuôi hơn 20 con lợn và 1.000 con gà, vịt.
"Năm ngoái tôi bán lợn, gà, vịt được hơn 40 triệu đồng. Tôi vay thêm anh em để xây nhà. Đứa con gái đầu nhà tôi đang học cao đẳng ở Hà Nội nhờ tiền chăn nuôi của mẹ và được vay vốn học sinh sinh viên, chứ không mình tôi cáng đáng cho cháu học cũng vất vả" - chị Nguyên nói.
Ở Nông Cống còn hàng trăm hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu như gia đình anh Nguyễn Thế Dân, chị Đinh Thị Phượng ở thôn 7 (xã Trung Thành), anh Lê Khắc Nho, chị Trịnh Thị Hòa thôn 4 (xã Tế Lợi)…
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay