Tạo ra các nhà phân phối lớn

08/06/2011

Trước mắt, cần tập trung hỗ trợ, tạo ra những nhà phân phối lớn ở Việt Nam, tạo ra các đầu tàu và động lực phát triển.

Tại Phiên họp thường kỳ tháng 5 diễn ra cuối tuần qua, Chính phủ đã nhất trí với đề xuất của Hội đồng Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia về điều chỉnh 2 chỉ tiêu nhằm định hướng điều hành từ nay đến cuối năm. Cụ thể, mức lạm phát năm 2011 là 15%; tăng trưởng GDP là 6%.
Theo Báo cáo của Chính phủ, trong tháng 5, lạm phát đã hạ nhiệt, và dự báo tiếp tục giảm tốc trong những tháng tới. Tuy nhiên, việc kiềm chế lạm phát, chặn đà tăng giá tiêu dùng dự báo còn gặp nhiều khó khăn.
Cần kéo dài vụ thu hoạch vải thiều để người trồng đỡ khổ
 
Mức chênh lớn
4h sáng, tại chợ Xanh - chợ rau quả đầu mối Thanh Xuân, Hà Nội đã tấp nập kẻ mua nguời bán. Đây là điểm đầu mối khá lớn từ các điểm trồng rau ngoại thành như Hoài Đức, Phú Xuyên, Thường Tín... nhập hàng cho mối buôn, nhà hàng và cả khách lẻ trong nội thành. Chúng tôi nhận thấy, giá nhiều mặt hàng rau xanh tại đây rẻ bất ngờ: Rau muống 1.600 đồng/mớ, mùng tơi 800 đồng/mớ, bí xanh 2.700 đồng/kg, cà chua 4.800 đồng/kg, cải ngọt 4.500 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Hải, ở Hoài Đức, thoăn thoắt xếp cả trăm mớ rau lên chiếc bao tải cũ vừa được trải vội xuống nền đất ẩm, nói: “Rau cắt từ 3 giờ sáng, đem ra chợ luôn cho tươi. Rau, quả vào mùa rẻ lắm, không chở nhiều thì không bõ công chăm sóc và chi phí vận chuyển. Phải chịu khó mang hàng ra đây bán buôn, chứ lâu nay ít người về cắt tại ruộng”.
Làm một phép tính về hành trình của mớ rau, con cá từ ruộng, ao của người nuôi trồng tới chợ đầu mối - từ chợ đầu mối về sạp hàng bán lẻ, sẽ thấy rõ độ chênh lệch giá của những mặt hàng thiết yếu này như thế nào: Một mớ rau muống từ lúc người nông dân trồng tới khi thu hoạch, cộng tất các khoản chi phí có giá thành khoảng 1.200 đồng; bán tại chợ đầu mối có giá 1.600 đồng/mớ; sau đó thương lái mua, qua vài “tay”, giá bán lẻ đã lên tới 5.000 đồng/mớ.
Với các loại hoa, quả, giá tại chợ lẻ cũng cao hơn khoảng 20%, thậm chí hơn 50% so với giá bán ở chợ đầu mối. Ví như dưa hấu tại ruộng cân cho các xe tải là 2.000 đồng/kg, đến chợ đầu mối Long Biên là 8.000/kg, quầy bán lẻ là từ 16.000 - 18.000 đồng/kg. Hoa hồng tại ruộng chỉ từ 150 - 200 đồng/bông nhưng giá bán lẻ đã lên tới từ 800 - 1.000 đồng/bông. Không chỉ hoa, quả, rau xanh các loại thịt lợn, thịt gà, con cua, con cá từ ao, chuồng vào đến sạp hàng bán lẻ ở chợ nội thành Hà Nội đã tăng từ 30-45%. Với mặt hàng hải sản thì mức chênh lệch này lên đến con số cả trăm nghìn đồng cho mỗi kg.
Về nguyên nhân của sự chênh giá quá lớn từ sản xuất tới tiêu dùng, theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, là do khâu đầu vào của thương mại do sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, nên năng suất thấp, giá cao, chất lượng không đồng đều, ít vào được những kênh phân phối hiện đại, mà chủ yếu tiêu thụ kiểu truyền thống ở chợ lẻ, hàng rong. Siêu thị, cửa hàng tự chọn theo hướng hiện đại mới chiếm khoảng 20% thị phần. 80% còn lại là thị trường không được tổ chức chặt chẽ. Và một phần nguyên nhân khác nằm ở khâu quy hoạch và chính sách phát triển thương mại chưa được hoàn thiện ở cả Trung ương và địa phương. Yếu về hạ tầng thương mại và giao thông, làm chi phí mua bán tăng lên, giao dịch chưa được minh bạch, khâu kiểm soát thị trường chưa được chặt chẽ.
Hiện nay, lực lượng tham gia thị trường, làm dịch vụ thương mại rất đông đảo, từ doanh nghiệp (DN) bán lẻ lớn, đến hàng triệu người buôn bán nhỏ, góp phần tạo các chân rết đưa hàng hóa từ sản xuất tới tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều đó cũng tạo nên nhiều tầng nấc trong phân phối, cùng với những hạn chế trong cách thức phân phối, đã đẩy giá hàng hóa lên cao.
Tìm mô hình phân phối phù hợp
Theo ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, hệ thống phân phối hiện nay chưa đáp ứng, hoặc không phù hợp giữa đặc điểm hàng hóa, với năng lực và khả năng quản lý của nhà sản xuất như tự tổ chức mạng lưới phân phối của mình với khách hàng mục tiêu. Nguyên nhân chính là do các kênh phân phối hoạt động chủ yếu theo kiểu truyền thống gồm một hoặc nhiều nhà sản xuất, bán buôn, bán lẻ độc lập với nhau.
Mặt khác, phần lớn doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực phân phối, bán buôn, bán lẻ có quy mô nhỏ, vốn ít, số lượng lớn lao động chưa qua đào tạo bài bản; kết cấu hạ tầng dịch vụ phân phối còn lạc hậu, khối lượng hàng hóa được trao đổi qua các loại hình hiện đại thấp, mới chủ yếu ở các thành phố lớn.
Để phát triển hệ thống phân phối trong nước, trên hiện trạng còn khá manh mún như hiện nay, ông Năm nêu một số giải pháp chủ yếu: Tập trung hỗ trợ, tạo ra những nhà phân phối lớn ở Việt Nam, tạo ra các đầu tàu và động lực phát triển; Xem xét và điều chỉnh các quy định của pháp luật để các DN lớn của Việt Nam có thể tham gia liên doanh với nước ngoài với tỷ lệ chi phối vốn lớn hơn hoặc bằng 51% để học hỏi kinh nghiệm, đặc biệt trong việc xây dựng chuỗi phân phối; Thực hiện hiệu quả các chương trình đào tạo nguồn nhân lực thương mại, tập huấn cho các hộ kinh doanh ở nông thôn nâng cao năng lực hoạt động tiêu thụ nông sản, đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý chợ.
Bên cạnh đó, cần kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách, khuyến khích, ưu đãi phát triển hạ tầng; Định hướng các địa phương trong quy hoạch, ưu tiên các địa điểm cho thương mại, cho các DN phân phối khai thác địa điểm, hỗ trợ giá thuê mặt bằng, tạo điều kiện giải quyết nhanh thủ tục liên quan đến công trình đầu tư hạ tầng thương mại; Hoàn thiện quy hoạch phát triển hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, sắt thép, xi măng, phân bón… theo hướng gắn với quy hoạch sản xuất.
Thực tế thị trường trong những tháng đầu năm, khi mà giá cả thị trường tăng phi mã, thì hệ thống siêu thị lớn như BigC, Saigon Co.op Mart… lại là những địa chỉ hút khách, do giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng “mềm” hơn rất nhiều so với chợ lẻ. Điều này chứng tỏ, nếu hợp lý hóa khâu phân phối thì khoảng cách giá từ sản xuất tới tiêu dùng sẽ giảm đáng kể. Theo ông Vũ Vinh Phú, điều cơ bản, phải tổ chức chuỗi sản xuất, phân phối khép kín để đưa hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng với chi phí thấp nhất.
Ở thị trường nông thôn, nơi mà cho đến nay hệ thống phân phối còn dựa chủ yếu vào các chợ truyền thống, mạng lưới thương mại, phân phối còn rất manh mún thì theo ông Doãn Văn Tỏa - Trưởng ban Chính sách và Phát triển HTX, Liên minh HTX Việt Nam, đây lại là cơ hội lớn cho các HTX ở khu vực nông thôn, nếu biết lấy hoạt động thương mại làm trọng tâm, với mô hình HTX đa chức năng, trên nền tảng của các HTX nông nghiệp. HTX đại diện cho xã viên nông dân, cung ứng vật tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và cung cấp hàng tiêu dùng thiết yếu thông qua một hệ thống có tổ chức sẽ là xu hướng phát triển thời gian tới. Các HTX ở An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ đã thành công với mô hình này, tổ chức tiêu thụ hàng hóa cho nông dân theo hợp đồng rất tốt.
Cùng với đó, một trong những giải pháp quan trọng là phải phát huy tốt vai trò quản lý của các cơ quan chức năng trong hoạch định chính sách, thông tin dự báo, kiểm tra kiểm soát thị trường, chống biến động giá, tăng giá bất hợp lý; cũng như phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, tạo mối liên kết, khai thác nguồn hàng, giảm các tầng nấc trung gian trong khâu phân phối. Xây dựng chính sách phát triển những mô hình phân phối phù hợp với từng địa bàn, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Có như vậy, khoảng cách giá từ sản xuất tới tiêu dùng mới được thu hẹp./.
Ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương: Đặc điểm nổi bật của những tập đoàn phân phối lớn, các hợp tác xã công nghiệp, dịch vụ, thương mại… là họ có vốn lớn, kênh phân phối chuyên nghiệp, đào tạo nhân lực bài bản. Ví dụ Tập đoàn Wall mart của Mỹ có chiến lược kinh doanh xuyên suốt, họ triển khai từ trong nước ra đến nước ngoài, đây có thể coi là kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Doãn Văn Tỏa, Trưởng ban Chính sách và Phát triển HTX, Liên minh HTX Việt Nam: Ở các nước đang phát triển trong khu vực, hoạt động phân phối gắn chặt với người sản xuất, nên rất hiệu quả. Ví dụ ở Hàn Quốc, siêu thị được tổ chức theo chuỗi, với quy mô khác nhau tùy địa bàn. ở thành phố là những siêu thị lớn, ở thị trấn là siêu thị vừa, ở nông thôn thì nhỏ hơn. Đây là nơi bán buôn, bán lẻ sản phẩm của nông dân. Nông dân thu hoạch nông sản, chở ngay vào siêu thị. Siêu thị bán hàng, chuyển ngay tiền vào tài khoản của nông dân. Không có trung gian. Thuận lợi, quy mô phù hợp với thành phố, nông thôn. Tổ chức này là một kiểu hợp tác xã do nông dân đứng ra làm.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Các nhà phân phối nước ngoài có nhiều kinh nghiệm quản lý, xây dựng nguồn cung hợp lý cho hệ thống của mình, kể cả trên toàn cầu. Quan tâm hàng đầu của họ là giá cả và chất lượng hàng hóa; giảm bớt chi phí kinh doanh đến mức thấp nhất, theo lý thuyết kinh tế là “ma sát” bằng không (0) về chi phí lưu thông; đảm bảo công khai, minh bạch trong mua bán, công khai cả tồn kho. Họ kinh doanh sòng phẳng, minh bạch, không ém thông tin, giữ chữ tín với người tiêu dùng nên phát triển rất tốt.
 
AGROINFO – Theo Báo Điện tử VOVNEWS
 
 

Tin khác