Băm nát Vườn quốc gia để trồng nông sản

13/06/2011

Thật không thể tin rằng, bên trong vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát, nơi được “bảo vệ nghiêm ngặt” cả ngày lẫn đêm bởi lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng và cả bộ đội biên phòng lại đang bị phá nát. Hàng trăm ha rừng tự nhiên với nhiều loài gỗ quí bị “ép” chết để lấy mặt bằng trồng cây keo, cao su, khoai mì…

Thủ đoạn phá rừng
Từ TPHCM, vượt hơn 150 cây số, đến xã Tân Bình, chúng tôi nhờ 2 “thổ địa” tại địa phương dẫn vào Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Ông T., một trong hai thổ địa cảnh báo: “Nói để các anh biết, chỉ những tay “máu mặt” mới có thể vào phá rừng bán công khai vậy, chứ dân thường như chúng tôi không ai có thể mang một nhánh cây, loại cấm khai thác ra khỏi rừng. Cho nên có thể các anh sẽ bị cản trở khi tác nghiệp, còn tôi cũng có thể bị làm phiền sau này vì dám cả gan tố cáo, nhưng tôi không sợ”.  
Một góc của mảnh đất rừng 5,5 hécta tại TK 30 mà ông Phước nói là đã bán lại cho ông Nguyễn Đình Xuân, hiện chỉ toàn cây keo và khoai mì.
 
Ông T. dẫn chúng tôi vượt 13 cây số đường đất đỏ thẳng tắp, hai bên là rừng cây còn nguyên vẻ hoang sơ, bịt bùng tưởng như không thể chui vào. Trên con đường này có đến 3 trạm bảo vệ rừng và 1 đồn biên phòng. Ở trạm bảo vệ thứ 2, chúng tôi chỉ qua được sau khi trình báo bảo vệ và một nhân viên ra mở barie lên. Từ cửa rừng vào đến cây số thứ 12 là đồn biên phòng 831. “Nếu không được sự cho phép thì một con chuột cũng không thể ra khỏi cửa rừng”- anh L, người dẫn đường nói.
Đi được 13 cây số, chúng tôi rẽ ngang vào rừng, lội bộ gần 2 cây số thì đến tiểu khu 17, một trong những khu “bảo vệ nghiêm ngặt” của VQG. Vẻ hoang sơ, nguyên vẹn của rừng không còn nữa, thay vào đó là khu đất rộng gần 100 ha đang trong giai đoạn “làm sạch” các loại cây rừng. Nhiều khoảnh nhỏ cỡ 5 - 6 ha đã được trồng khoai mì xen cây keo chừng 1 năm tuổi. Anh L. cho biết: “Đây là một trong những khu rừng nguyên sinh, cấm tác động, còn gọi là “khu bảo vệ nghiêm ngặt”. Khoảnh này có rất nhiều loại gỗ quý như kơnia (người dân địa phương thường gọi là cây cày), cây họ dầu, cây cám, săng mã, lim, sến... Vừa nói anh L. vừa chỉ những gốc cây bị cắt, nói tên và đặc điểm nhận dạng qua lớp vỏ từng loại.
Theo anh L. thì khu rừng này đã bị phá “nhỏ giọt” từ cuối năm 2009. Bằng chứng là khu trồng keo cho thấy nó đã được khoảng hơn 1 năm tuổi, nhiều gốc cây gỗ bị bứng lên nằm chỏng chơ trong mép rừng đã cũ. Bên cạnh đó là một khu còn trống với những gốc cây bị cắt vài tháng trước. Ngoài những khu đã bị khai thác trắng, còn một diện tích rừng khá lớn với những cây cổ thụ có đường kính cỡ 2 người ôm chưa bị cắt nhưng lại bị khoanh vỏ dưới gốc, nhiều cây bị đốt cháy đen thui như vừa trải qua một trận hỏa hoạn. Cũng có những cây chỉ mới bị khoanh vỏ vài tuần trước, đang dần kém tươi.
Ông T. chỉ một cây cám cổ thụ mới bị khoanh vỏ đang chờ chết và nói: “Cây cám này ít nhất phải hơn 100 tuổi rồi. Vết cắt vỏ này chỉ cách đây vài tuần đến 1 tháng là cùng. Chừng tháng nữa lá sẽ khô và rụng hết, nhìn xa giống như cây chết tự nhiên. Đây đều là những cây quý của VQG, họ không dám công khai phá nên phải dùng cách này. Sau khi cây khô héo, lấy lý do là chết tự nhiên, họ dọn sạch bằng cách chôn gốc xuống và chỉ việc cày xới và trồng các loại cây kinh tế”.  
Một cây gỗ rừng bị khoanh vỏ cho chết, sau đó đốt (Ảnh chụp tại TK 17)
 
Chúng tôi tiếp tục đi đến một mảnh rừng khác cách đó gần 1 cây số, giáp đường biên giới với Campuchia. Tại đây, một “cánh đồng” rộng ngót trăm ha trong lòng VQG đã được phát dọn sạch sẽ, trong đó một nửa diện tích đã trồng khoai mì đang lên xanh mướt. Một cây cám đường kính cỡ hai vòng tay người lớn vừa bị cắt vài ngày trước, thân cây chưa chuyển đi, còn nằm chỏng chơ tại góc ruộng.
Những cánh đồng nông sản
Trong lúc đang đứng quay phim, chụp hình “cánh đồng” tại tiểu khu 17, chúng tôi nhìn thấy xa xa phía bìa rừng đối diện có bóng người. Đi vòng sang làm quen mới biết anh tên Dương, bảo vệ rừng. Khi biết chúng tôi có ý định mua đất rừng trồng mì, Dương “tiếp thị”: “Các anh muốn mua đất rừng trồng khoai mì thì tôi giới thiệu cho, có mảnh rừng gần 6 ha đã làm trắng, ngay trong VQG, giá 100 triệu/1 ha. Nếu quyết định mua thì phải báo ngay chứ đến chiều là có người khác lấy liền”. Sau khi cho chúng tôi đến 3 số điện thoại di động để liên lạc, Dương chỉ “cánh đồng” trước mặt và cho biết, khu này đã có người mua, đang cày xới chuẩn bị trồng khoai mì.
Tiếp tục cuộc hành trình đến tiểu khu 30, khu “bảo vệ nghiêm ngặt” cũng đang có những cánh đồng khoai mì cao ngang ngực. Anh P., xã Tân Bình cho biết: “Tôi từng có 5,5 ha rừng ở đây nên biết rất rõ, khu này ban đầu ngoài cây kinh tế được khai thác (cây keo) còn xen các loại cây rừng cấm khai thác như dầu, săng mã, cám... Nhưng giờ thì chỉ còn khoai mì và cây keo”.
Chúng tôi tìm gặp anh Nguyễn Văn Thắng, làm nghề xe cuốc tại xã Tân Bình, anh cho biết: “Khoảng 2 năm trước, VQG có thuê chiếc xe cuốc của tôi với giá 9 triệu đồng để móc gốc cây trên diện tích đất rừng khoảng hơn 5 ha  tại tiểu khu 30, khu vực gần “Cống đôi”, sau đó chôn sâu dưới đất khoảng 3,4 tấc. Sau khi móc gốc xong, nơi đây trở thành khu đất trống hoàn toàn. Tôi không để ý đó là những loại cây gì, cũng không hỏi họ lý do móc lên chôn xuống. Họ thuê thì tôi làm”. 
Một “cánh đồng” chuẩn bị trồng khoai mì giữa VQG. (Ảnh chụp tại TK 18)
 
Nhìn những ruộng khoai mì cao ngang ngực, chúng tôi ngỡ đó là vùng đất nông nghiệp chuyên canh khoai mì thực sự chứ không phải những “khu bảo vệ nghiêm ngặt” trong VQG, nơi người dân mang một cành cây rừng ra cũng có thể bị bắt và bị phạt rất nặng. Nhưng, bên trong VQG LGXM không chỉ có những cánh đồng “chuyên canh” khoai mì (theo qui định thì phải trồng xen cây dầu hoặc cây sao, những cây cấm khai thác với khoai mì), mà còn có những lô cao su ngút ngàn chạy dọc sát bìa VQG.
Người dân địa phương cho biết, diện tích cao su cứ tăng dần theo năm tháng. Ông Huỳnh Tấn Ảnh, ấp Tân Nam cho biết: “Vừa rồi VQG làm con đường vành đai, phân định ranh giới đất VQG và đất lâm nghiệp. Con đường này, đoạn chạy qua khu vực Trảng Củi và Trảng Hùm, ấp Tân Nam, xã Tân Bình đã cắt hàng chục ha đất của VQG ra ngoài. Phần đất này sau đó đã được chuyển thành đất lâm nghiệp. Mà trên đất lâm nghiệp toàn cao su của "mấy ổng" chứ ai vào đây”.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/1/1/79663/Default.aspx


Tin khác