Sóc Trăng: Liên kết xây dựng cánh đồng mẫu

13/06/2011

Sóc Trăng là tỉnh thực hiện “Cánh đồng mẫu" rất thành công ở đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình phát huy được hiệu quả thiết thực vì đã có sự liên kết chặt chẽ giữa "4 nhà" ngay từ khâu cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật cho tới tiêu thụ.

Từ vụ hè thu 2010, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư và Chi Cục BVTV tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với bà con nông dân xã Trường Khánh, huyện Long Phú, xây dựng "Cánh đồng mẫu" trên diện tích 40ha sử dụng duy nhất một giống lúa OM 6976 nguyên chủng.
Mô hình cánh đồng mẫu đang được nhiều nhà nông ở các tỉnh ĐBSCL quan tâm.
 
Nhờ bố trí lịch xuống giống hợp lý, mật độ sạ thưa, sử dụng phân bón Bình Điền, sử dụng nấm xanh vi sinh để khống chế rầy nâu..., nên các thửa ruộng trong cánh đồng mẫu ít nhiễm bệnh hơn ruộng ngoài mô hình, lúa không đổ ngã, giảm phun thuốc trừ sâu. Do sử dụng một giống lúa, xuống giống đồng loạt và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên lúa trên cánh đồng mẫu chín đều, năng suất đạt 7 tấn/ha, cao hơn hẳn so với các thửa ruộng ngoài mô hình, chi phí lại thấp hơn do giảm lượng phun thuốc trừ sâu, phân bón.
Theo chỉ đạo của Bộ NNPTNT, bắt đầu vụ hè thu 2011, cần xây dựng và nhân rộng mô hình "Cánh đồng mẫu" theo hướng hiện đại, ứng dụng các giải pháp tiến bộ kỹ thuật mới để hướng đến hiện đại hóa sản xuất lúa ở ĐBSCL. Đây cũng chính là tiền đề chuẩn bị cho việc triển khai đề án "Cơ giới hóa các khâu thu hoạch và sau thu hoạch trong sản xuất lúa giai đoạn đến năm 2015".
Rút kinh nghiệm từ cánh đồng mẫu, ở Trường Khánh đã hình thành được tổ hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ông Liêng Văn Phước ấp Trường Thành (Trường Khánh) phấn khởi nói: "Chúng tôi được sự quan tâm hỗ trợ rất nhiều từ chính quyền địa phương, từ xã đến huyện, nên rất yên tâm khi tiếp tục thực hiện mô hình hiệu quả kinh tế này, vì ngoài việc giảm được 50% lúa giống còn giảm được tới từ 2 - 3 lần phun thuốc hóa học.
Năng suất đạt khá cao trên 7 tấn/ha (cá biệt có vài hộ đạt năng suất đạt gần 9 tấn/ha) và đã có đầu ra ổn định ở mức cao". Còn anh Vương Hiệp, tổ hợp tác Hiệp Thành cho biết: "Chúng tôi đã từng nhân giống lúa VTR trong năm ngoái nên rất hiểu tánh ý của nó. Năng suất lúa khô từ 7 tấn/ha trở lên và giá bán sẽ cao hơn thị trường 20% đối với lúa theo hợp đồng với Công ty Phú Hưng (TP. Cần Thơ). Còn nếu xử lý đúng chuẩn lúa giống, giá cao hơn đến 40%". Theo tính toán của anh Hiệp, giá lúa hiện nay khoảng 5.800 đồng/kg (lúa tươi), nếu cộng thêm 20% thì giá lúa lên đến gần 7.000 đồng/kg...
Chủ tịch UBND xã Trường Khánh - ông Dương Văn Dũng khẳng định: "Nông dân ở đây tiếp thu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật rất giỏi. Một khi tạo được liên kết "4 nhà" mô hình sẽ phát huy hiệu quả rất tốt. Trong vụ hè thu 2011, xã sẽ cố gắng liên hệ để tất cả các tổ hợp tác đều có được hợp đồng đầu tư, bao tiêu ổn định. Chỉ cần mỗi ấp có một tổ thành công thì việc nhân rộng sẽ không khó".
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay
 

Tin khác