Năm 2011, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tiếp tục được đảm bảo nhờ nhu cầu từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Canada, EU, đặc biệt là thị trường Nhật Bản đang tăng mạnh sau ảnh hưởng động đất, sóng thần. Hai mặt hàng thủy sản chủ lực xuất khẩu là cá tra, tôm đều sẽ đạt và có thể vượt kim ngạch 2 tỷ USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2011, các doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 526.000 tấn thuỷ sản, đạt kim ngạch 2,1 tỉ USD, tăng 10,43% về lượng và 29,05% về giá trị.
|
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Hải Ninh (Quảng Ninh-Quảng Bình) |
Nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng đang được mở rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng...) và Đồng bằng sông Hồng (Hải Phòng, Nam Định...). Về cơ cấu, sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm trên 53% tổng sản lượng thủy sản của Việt Nam, với khoảng 2,8 triệu tấn (năm 2010), trong đó cá tra đạt 1,1 triệu tấn, tôm sú 300.000 tấn, tôm chân trắng 135.000 tấn. Hiện nay, xuất khẩu tôm chân trắng chiếm khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu tôm. Với tốc độ tăng trưởng trong nuôi trồng và xuất khẩu như hiện nay, tôm thẻ chân trắng có thể nhanh chóng thay đổi cơ cấu xuất khẩu tôm hiện nay của Việt Nam.
Mặc dù thị trường đang có tín hiệu khả quan, nhưng cạnh tranh mạnh trong thương mại thủy sản, chi phí tăng, năng suất giảm, giảm cạnh tranh về giá, các rào cản thuế quan và phi thuế quan gia tăng ở các thị trường tiêu thụ lớn,... là những vấn đề chính mà Việt Nam tiếp tục phải vượt qua. Ngay trong thị trường tôm thẻ chân trắng mà Việt Nam đang định hướng phát triển và thúc đẩy xuất khẩu dựa trên lợi thế giá rẻ, đã có một số đối thủ châu Á nặng ký đang nổi lên là Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ. Năm nay, Cục Thuỷ sản Thái Lan hoàn thành kế hoạch chiến lược lần thứ hai của nước này trong phát triển sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu đối với tôm. Dự kiến đến năm 2012, Thái Lan sản xuất khoảng 500.000 – 550.000 tấn tôm, chủ yếu là tôm chân trắng, trong đó 90% sản lượng để xuất khẩu. Trong định hướng phát triển này, vấn đề quy hoạch, công nghệ, môi trường... trong sản xuất đều cần được thông tin đầy đủ đến địa phương và người sản xuất. Những bài học mà thủy sản Việt Nam gặp phải khi đối diện với chính sách thương mại của các nước nhập khẩu lớn, như việc áp chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với thủy sản, cá tra bị Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) ở 6 nước EU đưa vào danh sách đỏ trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011,... đều là kinh nghiệm cho tôm thẻ chân trắng.
Năm 2010, EU đã có quy định về chứng nhận nguồn gốc sản phẩm khai thác, chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không quản lý (IUU). Hiện nay, sản lượng khai thác thủy sản của Việt Nam chiếm khoảng 47% tổng sản lượng, đạt 2,4 triệu tấn, trong đó 2,25 triệu tấn từ khai thác từ biển. Vì vậy, thực hành theo quy định IUU sẽ là kỹ năng mà ngư dân khai thác thủy sản cần phải thực hành nếu không muốn đánh mất thị trường quan trọng này.
Đây sẽ là một trong các nhóm chủ đề được tập trung tại sự kiện thường niên về “Triển vọng ngành nông nghiệp Việt Nam 2011” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) tổ chức ngày 17/6/2011, tại Hà Nội. Đặc biệt, đóng góp trao đổi có tham luận của Giáo sư Jimmy Young (Đại học Stirling, Hoa Kỳ), chuyên gia phân tích chính sách và tác động chính sách đến sản xuất, thương mại và tiêu dùng thủy sản; TS. Nguyễn Tri Khiêm (Đại học An Giang) đề cập đến việc quản lý chuỗi giá trị thủy sản, tiếp cận thị trường khó tính.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn
Ngày:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/6/28702.html