“Nhà nước không thể ôm được hết mọi thứ”

10/06/2011

Bên cạnh việc chỉ ra những rối rắm của việc triển khai tiêm phòng vacxin CGC, khi trao đổi với NNVN, các chuyên gia trong ngành Chăn nuôi – Thú y cho rằng, nút thắt này có thể tháo gỡ khi chúng ta phát triển được đội ngũ dịch vụ thú y cơ sở.

Với một lực lượng cán bộ nhìn đâu cũng thiếu, cứ mỗi đợt triển khai tiêm phòng vacxin CGC hay LMLM theo chương trình quốc gia, gần như cả hệ thống ngành thú y phải căng sức gánh vác. Trong khi đó, một thực tế mà khi đi cơ sở PV NNVN đã nhận ra, đó là xu hướng những ông chủ chăn nuôi đang ngày càng... không cần tới cán bộ thú y nữa, mà họ chỉ muốn tự xin vacxin do Nhà nước cấp để tiêm phòng cho đàn gia cầm của mình. Lý do, ngoài việc yêu cầu phải cách ly “người lạ” khi tiếp xúc với chuồng trại, họ cảm thấy không tin tưởng lắm khi để cán bộ thú y tiêm, khi mà mỗi xã hiện nay chỉ có một tổ tiêm phòng. Điều này đang chứng minh rằng, nông dân chăn nuôi bây giờ không phải ai cũng thiếu hiểu biết. Và nhu cầu cung cấp dịch vụ thú y ở cơ sở cho người chăn nuôi đang ngày càng đặt ra cấp bách.
Ông Tô Long Thành – GĐ Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ thẳng thắn nêu vấn đề, chỉ có nước ta hiện nay là một trong ít nước vẫn bao cấp hoàn toàn việc tiêm phòng vacxin mà thôi. Ở những nước chăn nuôi phát triển, dịch vụ thú y và vacxin hầu như đều do các DN và cơ sở tư nhân cung ứng theo nguyên tắc thị trường tự định đoạt. "Bàn tay nhà nước không thể đủ rộng để quản lý được mọi thứ" - ông Thành nói.
Thay vì phải làm thay việc của nông dân như nước ta, các quốc gia phát triển hiện nay đều có các tổ chức tương tự như Hội Thú y ở Việt Nam. Tổ chức này được nhà nước giao nhiệm vụ quản lí mạng lưới các cơ sở và DN dịch vụ thú y cơ sở. Các DN và cơ sở này muốn hoạt động kinh doanh dịch vụ thú y thì ít nhất phải là hội viên của tổ chức đó. Tuy nhiên, cơ quan cấp phép hoạt động cho DN phải là cơ quan quản lý về thú y của nhà nước. Ví dụ, anh là bác sỹ thú y, nhà nước sẽ cấp phép cho anh được đi chữa tư nhân, nhưng trong quá trình kinh doanh, anh phải chịu sự giám sát của tổ chức tương tự như Hội Thú y ở nước ta. Nhờ cơ chế này, dịch vụ thú y cơ sở tại các nước như Thái Lan, Pháp, Nga... rất nở rộ bằng cách lập các Clinich, Labo (gọi là trạm điều trị chẩn đoán thú y, có cả phòng thí nghiệm).  
Ông Tô Long Thành: “Ở Việt Nam, việc cho ra đời các Labo hay Clinich làm dịch vụ thú y tư nhân không phải chúng tôi chưa nghĩ tới. Tuy nhiên cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một tiền lệ nào về dịch vụ này, mà chỉ mới có hệ thống tạm gọi là dịch vụ thú y tư nhân. Nhưng hệ thống này hiện nay trình độ, cũng như hoạt động chẳng theo sự điều khiển quản lý của ai. Còn Hội Thú y thì chẳng qua chỉ mang tính hình thức mà thôi.
Từng có nhiều năm nghiên cứu về tổ chức hệ thống dịch vụ thú y ở các nước, ông Đào Trọng Đạt – nguyên Viện trưởng Viện Thú y (hiện là cố vấn kỹ thuật cho Cty CP Phát triển công nghệ Nông thôn – RTD) chia sẻ: Hệ thống Clinich, Labo tư nhân ở các nước cung cấp rất đầy đủ các dịch vụ cơ bản như: chẩn đoán, xét nghiệm các bệnh ký sinh trùng, bệnh virus qua các phương pháp như soi kính hiển vi, phản ứng huyết thanh... Bên cạnh đội ngũ thú y riêng của các trang trại, Clinich và Labo tư nhân cũng cung cấp dịch vụ tư vấn, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho các trang trại...
Vào các đợt phòng chống dịch trọng điểm, nhà nước cũng ủy thác (hay đặt hàng) cho các DN dịch vụ thú y tư nhân có uy tín được phép tham gia vào các dự án, các công việc như tổ chức tiêm phòng, làm xét nghiệm hay lấy mẫu bệnh phẩm. Đổi lại, nhà nước sẽ phải trả tiền cho DN về các dịch vụ này. Ví dụ ở Pháp, nhà nước cấp phép cho các Labo tư nhân, ở thời điểm nào đó có thể được nhà nước ủy quyền tham gia vào các dự án SX vacxin, tổ chức tiêm phòng hay giám sát dịch tễ ở địa phương. DN có thể được làm xét nghiệm, và cung cấp kết quả này cho cơ quan thú y nhà nước.
So sánh với tình hình trong nước, ông Thành cho biết: Hiện nay, hình thức dịch vụ như Labo tư nhân ở nước ta mới chỉ ra đời ở các Cty chăn nuôi lớn có vốn đầu tư nước ngoài, để phục vụ riêng cho họ mà thôi. Bởi thực chất việc phòng chống bệnh cho vật nuôi họ cũng không chờ được cơ quan thú y nhà nước làm. Và họ cũng không liên quan hay ràng buộc gì đến cơ quan quản lý nhà nước cả. Chúng ta cũng không thể cấm họ không được làm như thế, bởi chúng ta chưa có hành lang pháp lý nào để quản lý dịch vụ này.
Điều này cũng sẽ dẫn đến một nguy cơ rất tai hại là khi xẩy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi của họ, họ cũng không có trách nhiệm phải báo cáo cho cơ quan quản lý thú y nhà nước, thì nguy cơ mất kiểm soát dịch bệnh là rất nguy hiểm. “Có một thực tế là mạng lưới phòng thí nghiệm của ngành thú y nhà nước hiện nay đã không thể phục vụ xuể được công tác phòng chống dịch, khi mà năm nào hàng loạt các loại dịch cũng xẩy ra như hiện nay. Vì thế tôi nghĩ, dịch vụ thú y tư nhân ở nước ta sớm muộn gì cũng sẽ ra đời, phát triển mạnh trong thời gian tới. Nếu chúng ta không kịp thời có cơ chế và hành lang pháp lý để quản lý các dịch dịch vụ này thì một lúc nào đó tình hình sẽ mất kiểm soát” – ông Thành lo ngại.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/79584/Default.aspx


Tin khác