Phòng chống dịch bệnh trên thủy sản: Cần giải pháp dài hơi

10/06/2011

Từ lâu, dịch bệnh trên thủy sản đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cũng như chất lượng thủy sản Việt Nam. Nếu không giải quyết triệt để vấn đề này, chúng ta sẽ tiếp tục gặp khó trên đường hoàn thành mục tiêu đưa ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời kỳ hội nhập. Tình hình dịch bệnh trên tôm thời gian gần đây cho thấy, cần có giải pháp dài hơi để thay đổi phương thức nuôi của bà con.

Theo báo cáo của Cục Thú y, đến cuối tháng 5/2011, diện tích tôm nuôi của các tỉnh ven biển trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 547.356ha. Tính đến ngày 2/6, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại của 7 tỉnh khu vực này là 52.470ha, chiếm hơn 98% tổng diện tích thiệt hại của cả nước, trong đó 2 tỉnh thiệt hại nặng nhất là Bạc Liêu (8.586/112.993ha) và Sóc Trăng (19.350/25.450ha).
Thu hoạch tôm ở Bạc Liêu
 
Tôm chết diễn ra chủ yếu ở giai đoạn từ 20-30 ngày sau khi thả, tập trung ở mô hình nuôi thâm canh và bán thâm canh. Nguyên nhân gây thiệt hại cho tôm do nhiều yếu tố: thời tiết diễn biến thất thường, nhiệt độ tăng cao, môi trường nước không đảm bảo, tôm chết không được xử lý triệt để làm cho mầm bệnh lây lan ra diện rộng… Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, tác nhân chính gây bệnh trên tôm trong thời gian qua ở ĐBSCL là do bệnh hoại tử, teo gan tụy và một phần do dịch bệnh đốm trắng.
Trước tình hình dịch bệnh trên tôm tràn lan ở nhiều tỉnh ven biển trong khu vực ĐBSCL, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thành lập nhiều đoàn và chỉ đạo các ngành chức năng, chuyên môn tổ chức các đoàn đi kiểm tra, thu mẫu xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh tôm chết. Công tác hỗ trợ chống dịch cũng được quan tâm, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị cấp 120 tấn Chlorine từ quỹ dự trữ quốc gia cho các tỉnh để dập dịch, ổn định sản xuất... Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y cũng đề xuất một số biện pháp trước mắt nhằm phục hồi môi trường vùng nuôi đã xảy ra dịch bệnh; tiếp tục theo dõi diễn biến dịch bệnh, thu mẫu xác định tác nhân đối với diện tích tôm chưa bị thiệt hại; tăng cường kiểm dịch con giống và kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở sản xuất và nuôi tôm một cách chặt chẽ; xây dựng trình Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành thông tư về phòng chống dịch bệnh tôm nuôi và sửa chữa, bổ sung danh mục các bệnh thủy sản phải công bố dịch; đề xuất việc xây dựng các chương trình quốc gia kiểm soát và khống chế một số bệnh nguy hiểm trên tôm, nghêu và các loài thủy sản khác, tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán xét nghiệm bệnh thủy sản cho địa phương...
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu đề nghị Cục Thú y theo dõi tiếp tình hình dịch bệnh trước khi có đề nghị công bố dịch trên tôm sú và nghêu ở các tỉnh ven biển bị thiệt hại nặng trong khu vực ĐBSCL. Các ngành chuyên môn, địa phương cần kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ; kiểm soát chặt nguồn nước thải ở tất cả các vùng nuôi tôm; đặc biệt kiểm soát về vệ sinh thú y, sử dụng hóa chất, thuốc thú y thủy sản. Có biện pháp giám sát, quan trắc môi trường; kiểm soát việc nhập tôm bố mẹ; tôm kiểm dịch chỉ xác định được dịch bệnh với tôm sú từ post 12 và tôm thẻ từ post 10 trở lên nên đề nghị không cho xuất bán post cỡ nhỏ. Đối với Tổng cục Thủy sản, cần có chỉ đạo cụ thể đối với vùng nào thả được, vùng nào cần chuyển đổi; hướng dẫn cách kiểm soát môi trường, kỹ thuật cải tạo ao vuông cho người nuôi biết cách khắc phục...
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư các tỉnh cần chuyển giao một số mô hình nuôi mới phù hợp với từng vùng cho người nuôi; Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 cần tiếp tục theo dõi, xác định đúng tác nhân gây bệnh để có những biện pháp hạn chế, phòng trị dịch bệnh, gửi mẫu bệnh phẩm ra nước ngoài để phân tích, tìm ra nguyên nhân để khuyến cáo cho người nuôi...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đề nghị: Cục Thú y cần gấp rút nắm tình hình, xây dựng phác đồ dịch tễ bệnh để các địa phương nắm rõ, gấp rút hoàn chỉnh hướng dẫn kỹ thuật phòng dập dịch, các tác nhân gây bệnh, khẩn trương triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học về tình hình dịch bệnh trên tôm và nghêu, quy định xử lý khi bị dịch bệnh, chế tài xử lý khi vi phạm; có thể dừng một số công việc khác để ưu tiên cho việc nghiên cứu khoa học, nếu cần thiết cần mời cả chuyên gia nước ngoài cùng nghiên cứu, tìm ra dịch bệnh và phương pháp phòng chống, trong vòng 10 ngày phải báo với Bộ để có hướng xử lý. Sau đó Bộ sẽ phối hợp với lãnh đạo địa phương trình Chính phủ có chính sách hỗ trợ kịp thời. Các địa phương cần sớm khôi phục sản xuất nhưng phải đảm bảo đủ điều kiện thì mới cho nuôi, không chạy theo phong trào. Kết hợp với các phương tiện truyền thông khuyến cáo người dân áp dụng cách nuôi theo hướng an toàn sinh học.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Ngày:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/AgriBank/2011/6/28685.html


Tin khác