Biến chuyển của thị trường bán lẻ - cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt"

10/06/2011

"Biến chuyển của thị trường bán lẻ - cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt" là chủ đề của buổi Hội thảo do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức ngày 7.6.2011 tại TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo có sự tham dự của gần 150 doanh nghiệp và đại diện của Sở Công Thương và Trung tâm Xúc tiến Thương mại tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

 
Toàn cảnh Hội thảo
 
Theo báo cáo điều tra, nghiên cứu thị trường của Công ty Nghiên cứu thị trường (TNS) cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đã chi nhiều hơn cho các sản phẩm phục vụ sức khỏe, do những năm gần đây, nhiều sản phẩm có chứa chất độc hại làm cho người tiêu dùng lo ngại. Ngoài ra, lĩnh vực giáo dục cũng được phụ huynh chi nhiều hơn để hỗ trợ con em học tập. Vì vậy, nhiều tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài trong các lĩnh vực này cũng đang “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường, năm 2010, thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã tụt hạng ở mức thứ 12 so với thế giới về mức độ hấp dẫn. Trong khi đó, vị trí số một thế giới về mức độ hấp dẫn được xác lập trước đó hai năm (2008) và sau đó, năm 2009 cũng đứng ở vị trí thứ sáu. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn nằm trong tốp thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.
 
Từ năm 2008-2009, kênh bán lẻ hiện đại chiếm đến 15% thị phần, năm 2009 sang 2010 tăng 17%, 2010 sang quý II/2011 lên 21%. Các siêu thị đều tăng về điểm bán lẻ lớn tại Việt Nam: Big C có 14 đại siêu thị, Metro cũng có 13 điểm bán lẻ, Sài Gòn Co.op có 50 siêu thị… Điều này cho thấy, kênh phân phối truyền thống vẫn chiếm lĩnh thị trường bán lẻ, nhưng kênh hiện đại vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Cũng theo nghiên cứu của TNS, xu hướng tiêu dùng trên thế giới và tại Việt Nam hai năm gần đây, các nhà bán lẻ tập trung mở rộng và phát triển nhãn hàng riêng. Theo đại diện Big C, nhãn hàng riêng với chất lượng luôn bằng với thương hiệu dẫn đầu nhưng giá rẻ hơn từ 15% đến 30%. Đây là cách tiếp cận thị trường không cạnh tranh với các nhãn hàng dẫn đầu mà vẫn đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Nữ Tuyết Hồng - Phó giám đốc Công ty Nghiên cứu TNS cho rằng: Thị trường Việt Nam đang bùng nổ kênh bán lẻ và trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Nếu chúng ta chưa có sự chuẩn bị đầy đủ mà cho các tập đoàn bán lẻ nước ngoài vào hoạt động thì sẽ làm tê liệt hệ thống phân phối truyền thống (chợ lẻ, quầy tạp hóa...). Ngoại trừ một số ít doanh nghiệp thành công thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn kinh doanh theo kiểu cũ, cảm tính, thiếu tầm nhìn, thiếu định hướng. Trong “cuộc chơi” khốc liệt này, những doanh nghiệp Việt Nam không cạnh tranh nổi sẽ bị phá sản.
Theo bà Nguyễn Hữu Ngọc Trân - giám đốc điều hành Công ty Vinamilk, thị trường nông thôn chiếm 69% dân số cả nước, tiêu thụ 46% giá trị ngành hàng tiêu dùng nhanh. Chỉ riêng ngành hàng sữa nước vùng nông thôn tiêu thụ gần 40% giá trị. Tuy nhiên, thực trạng chung của các doanh nghiệp Việt Nam là có hệ thống phân phối tại nông thôn nhưng chưa kiểm soát chặt và chưa có độ phủ tốt nhất, dẫn đến thị trường này vẫn còn bị bỏ ngỏ./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=463366


Tin khác