Chính sách thương mại nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam thời kỳ 2011-2020

15/06/2011

Ngày 14/6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên Giai đoạn III (EU-Việt Nam MUTRAP III) tổ chức Hội thảo “Chính sách thương mại nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam thời kỳ 2011-2020”.

Hội thảo này là một trong những hoạt động của Bộ Công Thương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI với mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực xuất nhập khẩu góp phần vào việc phát triển kinh tế nhanh và bền vững, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Trong những năm qua, phát triển xuất, nhập khẩu của Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc đổi mới của đất nước. Tuy nhiên, phát triển của lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua chưa thật sự góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội của đất nước.
Các chính sách thương mại cần phải tăng đầu tư cho chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu.
 
Mặt khác, việc mở rộng xuất khẩu một số sản phẩm đang có nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường, sử dụng ngày càng nhiều các yếu tố đầu vào làm gia tăng áp lực gây ô nhiễm.
Do đó, yêu cầu phát triển xuất, nhập khẩu phục vụ phát triển bền vững đặt ra hết sức cấp bách đối với nước ta trong giai đoạn 2011-2020, giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Yêu cầu đó càng trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu hơn với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là hiện nay chúng ta là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới và đang thực hiện cam kết trong các hiệp định thương mại tự do ở mức độ rộng hơn và cao hơn.
Việc phát triển xuất, nhập khẩu theo yêu cầu phát triển bền vững đòi hỏi chúng ta cần có những chính sách đúng đắn và phù hợp, được xây dựng trên cơ sở khoa học, có tính đến một cách hài hòa giữa mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường. Chính vì vậy, cần có các tiêu chí khoa học để định hướng, xây dựng, kiểm định, làm căn cứ cho các chính sách xuất, nhập khẩu theo hướng phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Hội thảo được coi là cơ hội để các chuyên gia cùng doanh nghiệp làm rõ cơ sở khoa học để xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển xuất, nhập khẩu phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế nhanh và bền vững ở nước ta thời kỳ 2011-2020. Các vấn đề cần được tập trung thảo luận là làm thế nào để nâng cao chất lượng tăng trưởng xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu, gắn phát triển xuất, nhập khẩu với yêu cầu bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề xã hội; đưa ra các giải pháp và chính sách lớn về nhập khẩu phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, cần bằng cán cân thương mại; tìm giải pháp phát triển các nhóm hàng xuất nhập khẩu, thị trường xuất nhập khẩu…
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng: Chính sách xuất nhập khẩu thời gian vừa qua được mở rộng cho tất cả các doanh nghiệp mà không gắn liền với điều kiện cụ thể, điều này làm xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây tổn hại đến lợi ích chung. Chính sách xuất nhập khẩu còn quá chú trọng đến phát triển nhanh mở rộng theo chiều rộng, dẫn đến chất lượng tăng trưởng thấp, nhập khẩu công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường và không tạo được đột phá về tăng năng suất, nhập siêu lớn và kéo dài.
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, các nhóm hàng xuất khẩu nước ta có lợi thế như gạo, cà phê, điện tử, dệt may… cần phải nâng cao khả năng tham gia hàng hóa của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu, đây là khâu tạo ra nhiều giá trị nhất. Chính sách phát triển thị trường xuất, nhập khẩu là tận dụng cơ hội mở của thị trường theo các cam kết hội nhập để khai thác có hiệu quả các thị trường xuất khẩu hiện có, phát triển thị trường mới, tăng nhập khẩu từ thị trường các nước có công nghệ nguồn. Nhằm hoàn thiện chính sách thương mại trong giai đoạn tiếp theo thì các chính sách thương mại phải phù hợp với các cam kết quốc tế về mở rộng thị trường và tự do hóa thương mại mà Việt Nam đã và sẽ ký kết.
Nhìn chung, tham luận của các chuyên gia đến từ viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà quản lý đều thống nhất quan điểm, định hướng phát triển bền vững trong giai đoạn tới đó là cần nâng cao chất lượng xuất khẩu trên cơ sở thay đổi mô hình tăng trưởng dựa vào các yếu tố làm tăng năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị hàng hóa. Đồng thời, phải nhập khẩu công nghệ tiên tiến, hạn chế dần các mặt hàng nhập khẩu mà trong nước sản xuất được, hướng tới sản xuất các mặt hàng tiết kiệm năng lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường; nhập khẩu theo hướng hạn chế nhập siêu nhằm tiến tới cân bằng cán cân thương mại. Các chính sách thương mại cần phải tăng đầu tư cho chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu, phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế…
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=464147


Tin khác