Bảo hiểm hưu trí bổ sung: Cơ hội mới cho người lao động khi “về vườn”

14/06/2011

“Người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với DN và khi nghỉ hưu có cuộc sống an nhàn”- là nội dung chính được bàn thảo tại Hội thảo “Nghiên cứu, xây dựng Quỹ hưu trí bổ sung ở Việt Nam” do Bộ LĐTB-XH chủ trì tổ chức cuối tuần qua.

Quỹ hưu trí bổ sung đã được manh nha tại Việt Nam từ nhiều năm trước. Bà Trần Thị Thuý Nga - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội (Bộ LĐTB-XH) cho biết, kết quả điều tra về việc xây dựng Quỹ hưu trí bổ sung của 610 DN  (kể cả DN vừa và nhỏ) tại hai thành phố Hà Nội và TP.HCM, có tới 429 DN (chiếm 70%) sẵn sàng tham gia chương trình này.
Các DN đều nhận thấy chương trình hưu trí bổ sung có thể trở thành một công cụ hữu hiệu đối với DN cũng như đảm bảo cuộc sống sau khi về hưu. Kết quả khảo sát cũng đưa ra đối tượng để áp dụng chế độ hưu trí khi có tới 334 DN cho rằng nên áp dụng với tất cả lao động; 25% DN cho rằng chỉ áp dụng đối với người có tiền lương cao hơn trần đóng bảo hiểm xã hội. Còn tỉ lệ đóng của DN và người lao động vào quỹ hưu trí bổ sung là: người sử dụng lao động 2/3, người lao động 1/3…
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Minh Huân, cha đẻ của hình thức bảo hiểm này là tập đoàn Bảo hiểm Malakoff Maderic (Pháp). Tại Việt Nam đến nay, mới chỉ có hình thức bảo hiểm bắt buộc với khoảng một triệu người tham gia. Nhìn chung mức hưởng lương còn thấp, đó là chưa tính chỉ trong ít năm nữa khi số lượng người nghỉ hưu lên đến 4-5 triệu người, như vậy bảo hiểm xã hội sẽ không có khả năng chi trả và ngân sách sẽ phải bù quá lớn. Trong khi hệ thống hưu trí hiện hành ở Việt Nam là một hệ thống đơn lẻ, lương hưu hiện nay là thu nhập duy nhất của phần đông người nghỉ hưu nên đời sống của người nghỉ hưu vẫn còn khó khăn.
Khi tham gia Bảo hiểm hưu trí bổ sung, người lao động sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm tương ứng với mức tham gia. Cụ thể: tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn do mọi nguyên nhân được thanh toán 1 lần (24 tháng); Quyền lợi được tăng lên trong trường hợp tử vong do tai nạn lao động (12 tháng); Thương tật bộ phận vĩnh viễn do tại nạn lao động (theo tỷ lệ thương tật, khoảng 35,5 tháng); Mất khả năng lao động tạm thời (tối đa 3 tháng).
Mặc dù, Chính phủ có rất nhiều sự hỗ trợ nhưng đời sống người hưởng lương hưu vẫn cần được cải thiện, và một điều quan trọng nữa đó là quỹ hưu trí tiềm ẩn nguy cơ không thể đảm bảo chi trả trong một tương lai gần. Nếu Quỹ Bảo hiểm hưu trí hình thành sẽ là công cụ hữu hiệu đối với DN, mang lại cho người lao động sự yên tâm, gắn bó lâu dài với DN trong quá trình làm việc cũng như đảm bảo cuộc sống an nhàn khi về nghỉ hưu. Bên cạnh đó, quy định khống chế mức trần đóng BHXH của Luật BHXH có hiệu lực từ ngày 1/1/2007 không quá 20 tháng lương tối thiểu cũng khiến cho DN và NLĐ đồng tình với việc xây dựng thêm 1 Quỹ hỗ trợ này.
Xã hội hóa BHXH là xu thế tất yếu. Trao đổi với NNVN chiều 12/6, đại diện BHXH VN cho rằng, cái vướng của cả DN và NLĐ là cơ sở pháp lý cho vấn đề này. Đại diện ngành Bảo hiểm đề nghị, nên thể chế hóa việc trích lập Quỹ hưu trí bổ sung và cho phép hạch toán vào chi phí hợp lý của DN. Về phía NLĐ, số tiền trích mua Quỹ được phép trích trước thuế thu nhập cá nhân. Chỉ khi nào nhận lương hưu hoặc khi kết thúc hợp đồng bảo hiểm mới phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/133/133/133/79703/Default.aspx


Tin khác