"Có thực mới vực được đạo"

14/06/2011

Sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam được người xưa đúc kết: "Có thực mới vực được đạo", "Mạnh vì gạo, bạo vì tiền".

Người dân làm thủ tục vay vốn hỗ trợ lãi suất tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang.
Dưới ánh sáng Nghị quyết của Ðảng về 'nông nghiệp, nông dân, nông thôn' và sự 'sôi động' lãi suất huy động vốn và cho vay của ngành ngân hàng hiện tại làm sống lại trong tôi kỷ niệm đẹp chuyến đi viết về điển hình tiên tiến ngành ngân hàng một thời 'đồng khởi' xuống ruộng, xuống chợ, xuống vườn cùng nông dân lập kỳ tích xóa đói, giảm nghèo (XÐGN), sản xuất hàng xuất khẩu.
Nơi đầu nguồn sông Cửu Long chảy vào đất Việt, An Giang tuy giàu tiềm năng về cây lúa và thủy sản, song cũng vạn khó khăn thách thức bởi lũ lụt, mặn phèn. Những năm đầu đổi mới, tiền mặt đã khan hiếm, cơ chế cho vay lại 'chặt như nêm'. Làm thế nào đầu tư được vốn cho dân phát triển sản xuất quả là một câu hỏi hóc búa.
GIÁM đốc Công ty dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp (CTDVKTNN) An Giang nhớ lại: Lúc ấy (năm 1990-1991) tiền mặt hiếm lắm, rút tiền mặt từ ngân hàng thường phải để lại 20% cho tỉnh phát lương, mà cái nghề buôn bán máy nông nghiệp lại rất cần tiền mặt. 'Chúng tôi phải chụm đầu lại với nhau tính kế' thống nhất, công ty nộp vào bao nhiêu, ngân hàng sẽ cho rút hết, miễn là quay vòng được vốn. Rất may gặp được sự 'phá rào' của lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNo) ủng hộ. Phương án cho hộ nông dân vay tiền bằng vật tư (máy móc, phân bón) ra đời. NHNo huyện Thoại Sơn được chọn là nơi thí điểm. Cán bộ ngân hàng đi đến từng xã, ấp tuyên truyền 'tiếp thị'. Ngày ra quân đầu tiên, NHNo Thoại Sơn và CTDVKTNN giao cho nông dân được 50 tấn phân, giá rẻ hơn thị trường 3%, sau đó nhân rộng ra toàn tỉnh. Trong vòng 10 năm (từ năm 1991 đến 2001) NHNo An Giang đã cho 1.400.000 lượt hộ nông dân vay theo hình thức này với số tiền hơn 3.500 tỷ đồng gồm hàng nghìn tấn phân bón, hơn một vạn máy nông nghiệp, buộc các nhà kinh doanh tư nhân phải hạ giá liên tục bởi nông dân khi sản xuất lúa, bắp lai, nuôi cá tôm, heo, gà... luôn được ngân hàng và CTDVKTNN đầu tư vốn, bao tiêu sản phẩm...
Hai bên đường từ Long Xuyên qua Châu Thành, Châu Phú xuống Châu Ðốc, Phú Tân mênh mông đồng nước. Xa xa từng tốp nông dân hối hả gặt vớt lúa lên thuyền. Má Lê Thị Tâm chỉ cho tôi xem những căn nhà mới cất ở ấp 2 xã Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Ðốc, nói giọng cảm kích: 'Nhờ được vay tiền ngân hàng tôn nền nhà và làm nhà trên cọc mà bà con tui mới yên ổn thế này. Trước, cứ mùa nước là phải đi sơ tán, cực lắm chú ơi!'.
Vợ chồng anh Nguyễn Bé Thanh, nông dân sản xuất giỏi ở ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành vui vẻ kể với tôi: Nhờ được Ngân hàng nông nghiệp Châu Thành cho vay một lần 40 triệu đồng nên mới đủ tiền làm nhà trên cọc bằng gỗ cà chất lợp ngói, trị giá hơn 80 triệu đồng.
- Nghe nói anh chị là nông dân sản xuất giỏi mỗi năm thu mấy trăm triệu đồng tiền lúa, cá, gà, heo... sao phải vay tiền làm nhà và ngân hàng cho vay thế nào? Tôi hỏi.
- Chính vì nhà mình có thu nhập, có khả năng trả mới dám vay và ngân hàng mới cho vay chứ anh. Còn nếu lấy tiền mình ra cất nhà thì làm sao còn tiền đầu tư mỗi năm nuôi 7.000 con cá, 100 con heo và sản xuất 3,5 ha lúa. Chị vợ Bé Thanh vui vẻ trả lời.
Anh Bé Thanh nói thêm: Ðược cán bộ ngân hàng tuyên truyền về chủ trương, chính sách cặn kẽ, chính quyền xã chứng giấy tờ nhanh, gia đình tôi chỉ thế chấp bằng 3,5 ha ruộng lúa là được vay tiền.
Anh Nguyễn Văn Nghĩa, cán bộ tín dụng cho biết: Xã Vĩnh Bình có 1.900 hộ được vay tôn nền nhà, làm nhà trên cọc, hơn 13,7 tỷ đồng, 900 hộ được vay sản xuất kinh doanh 10 tỷ đồng. Gia đình anh chị Bé Thanh vừa mới bán mẻ cá đầu tiên được 43 triệu đồng, nhưng chưa đến hạn trả nợ vay, cho nên anh chị tiếp tục đầu tư vào vụ lúa, cá mới. Chị Bé Thanh nét mặt tươi rói tiếp lời: 'Cứ đà này đến kỳ, gia đình tôi có thể trả nợ cho ngân hàng cả vốn lẫn lãi 'cái một' chứ không phải trả dần như khế ước vay quy định...'.
Tổ liên kết sản xuất ấp Vĩnh Thành, mới hơn ba năm, được NHNo mỗi năm cho vay 170 triệu đồng mà từ hai bàn tay trắng, đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, nhiều hộ trở nên giàu có. Nhà anh Lê Văn Dũng như một trang trại: 3,5 ha lúa, ao nuôi tám tấn cá trê rộng 4.200 m2, một ao 5.000 m2 nuôi 10 tấn cá tra, trại nuôi 280 con heo và năm sáu trăm gà, vịt với hệ thống máy bơm nước, biogas, sản xuất tự túc thức ăn cho cá, heo, gà vịt, mỗi năm lãi năm, bảy trăm triệu đồng. Chị Dũng khoe: 'Ðầu năm 1991, gia đình tôi chỉ vay ngắn hạn để sản xuất lúa. Từ lúa đi lên, dần dần phát triển nuôi heo, gà nay đến cá, thiếu tiền được ngân hàng 'bọc lót'. Ngược lại đến vụ thu hoạch lúa, cá có tiền chúng tôi trả ngay cho ngân hàng. Cứ thế tạo lòng tin với nhau mà phát triển'.
Ấn tượng nhất với tôi trong chuyến công tác về An Giang mùa lũ năm ấy là chứng kiến tổ hợp sản xuất của anh Dương Minh Châu ở ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Thuận Trang, người thành công nhất trong việc sử dụng vốn vay ngân hàng để làm giàu. Anh Châu kể: Lúc đầu tôi chỉ dám vay ngân hàng mỗi năm vài chục triệu đồng để nuôi cá. Ðến vụ thu hoạch, bán cá có lãi, tôi trả nợ ngay cho ngân hàng, rồi lại vay tiếp nuôi cá, heo, năm sau nhiều hơn năm trước. Tích cóp dần, tôi tiếp tục đầu tư cộng thêm vốn vay ngân hàng tôi xây dựng được nhà máy nước đá mỗi năm bán từ 12.000 đến 13.000 cây. Sản xuất nước đá có lợi là chủ động được nước sạch cho ao cá và nuôi heo, bởi nước có nhiều ô-xy, cho nên heo và cá đều nhanh lớn không bệnh tật, lãi cao hơn hẳn các cơ sở khác. Lãi lớn, tôi tiếp tục đầu tư cộng tiền vay ngân hàng mở cơ sở thu mua lúa gạo, xây dựng nhà máy xay xát gạo xuất khẩu, rồi thức ăn gia súc, tạo thành tổ hợp sản xuất - dịch vụ - thương mại.
- Làm ăn lớn, tiền lãi hằng năm của anh chắc nhiều lắm?
- May có ngân hàng tiếp vốn nên tôi thường mua được giá, bán được giá, với tài sản giá trị hơn 2,5 tỷ đồng, mỗi năm tôi có thể lãi từ sản xuất nước đá 100 triệu đồng, cá, heo hơn tỷ đồng, năm nay giá thấp lời ít hơn, khoảng gần 900 triệu đồng. Riêng sáu tháng đầu năm 2000 tôi xuất khẩu được 7.000 tấn gạo doanh thu đạt 14 - 15 tỷ đồng.
Phó Giám đốc NHNo An Giang Huỳnh Tấn Phước tâm sự: Là tỉnh đầu nguồn lũ, có năm hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu sắp đến mùa thu hoạch bị nước nhấn chìm, nhà cửa, tính mạng, tài sản nhân dân bị đe dọa. Khi mùa vụ, hàng chục nghìn hộ nông dân một lúc cần vốn sản xuất, bức bách vô cùng. NHNo An Giang phải tìm tòi sáng tạo, xuất phát từ thực tế đề xuất và thực hiện: cho hộ nông dân, sau đó là hộ sản xuất vay vốn (từ tháng 12-1989), cho vay theo hộ liên đới chịu trách nhiệm (từ tháng 4-1991), cho vay tay ba, một phần tiền một phần vật tư (từ tháng 10-1992), cho vay lưu vụ đông xuân sang hè thu đối với cây lúa (từ tháng 11-1993), cho hộ nghèo vay và vận dụng sáng tạo linh hoạt các biện pháp giải ngân cho vay tôn nền nhà và làm nhà trên cọc. Kết quả là 1.770 hộ nghèo được vay hơn ba tỷ đồng hùn vốn với các cơ sở sản xuất thủ công để có việc làm cuộc sống ổn định, 97.085 hộ vay 465 tỷ đồng tôn nền nhà và làm nhà trên cọc đã đưa tỉnh An Giang lên hàng đầu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về cho hộ nghèo vay vốn tôn nền nhà và làm nhà trên cọc theo Quyết định 99/TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thao thức đồng hành cùng nông dân, với sản xuất nông nghiệp của NHNo An Giang đã được đáp đền. So với năm 1999, vốn huy động năm 2000 đạt 306 tỷ đồng tăng 146,6 lần, doanh số cho vay đạt 1.573 tỷ đồng gấp 11,5 lần, doanh số dư nợ cùng thời gian là 1.366 tỷ đồng gấp 39,8 lần, trong khi đó tỷ lệ nợ quá hạn chỉ 0,39%. Niềm vui của những người mang nguồn vốn tín dụng đến tận vùng sâu, vùng xa, mỗi 'con nhà' cá bè lênh đênh sông nước, 'cho đồng bào vay đủ' đã khắc sâu trong trí nhớ của hàng vạn người dân. Nhờ vay được vốn ngân hàng mà họ không phải bán đất, bán nhà, chuộc lại được đất đã bán, bình ổn được kinh tế đi lên làm giàu, có nhà cửa đàng hoàng, con cháu được học hành tử tế. Họ gọi những đồng tiền vốn đó là ân tình của Ðảng và Nhà nước. Ðối với các doanh nghiệp, chủ bè cá, đồng vốn của NHNo đến với họ rất kịp thời, đổi mới được thiết bị, hiện đại hóa công nghệ, làm tăng chất lượng hàng hóa xuất khẩu, vững bước trên thương trường...
AGROINFO – Theo Báo Nhân dân

Nguồn: http://nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/kinh-t-tin-chung/co-th-c-m-i-v-c-c-o-1.300055#gZ3fiuTvPnal


Tin khác