Thị trường thức ăn chăn nuôi: Sân chơi dành cho "mác" ngoại

14/06/2011

Cả nước hiện có khoảng 240 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN), trong đó 80% là doanh nghiệp (DN) nội, còn lại là DN liên doanh và DN 100% vốn đầu tư nước ngoài. Tuy số lượng ít nhưng các DN ngoại lại có thể cung cấp tới 63% tổng sản lượng TĂCN. Điều này khiến DN nội phải gồng sức để cạnh tranh.

Làm thế nào để các DN nội có thể đứng vững trên sân nhà? Thị trường TĂCN trong năm nay sẽ diễn biến thế nào? Những câu hỏi này sẽ tìm được lời giải tại sự kiện thường niên về "Triển vọng ngành hàng nông nghiệp Việt Nam 2011" do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) tổ chức ngày 17/6/2011 tại Hà Nội, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu đến từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp quốc (FAO).
Vừa qua, Công ty C.P Pokphand (CPP), nhà sản xuất thức ăn gia súc Trung Quốc đã mua lại 70,82% cổ phần của Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam (CPVL - thành viên của Công ty Charoen Pokphand Group Thái Lan). Với thương vụ này, CPP đã nắm quyền kiểm soát C.P Thái Lan, một doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc thuộc loại phát triển nhanh nhất tại thị trường Đông Nam Á. CPVL chiếm khoảng 20% thị phần thị trường bán thức ăn chăn nuôi, 77% thị trường chăn nuôi lợn công nghiệp và 30% thị trường chăn nuôi gà thịt ở Việt Nam. Kết thúc năm 2010, CPVL đạt doanh thu sau kiểm toán gần 20,1 nghìn tỷ đồng, tức khoảng 1,04 tỷ USD; lợi nhuận ròng 964,6 tỷ đồng, tương đương 50,3 triệu USD.
Mặc dù phải đối mặt với tình trạng nguyên liệu sản xuất TĂCN tăng, nhưng kinh doanh TĂCN vẫn được đảm bảo với giá TĂCN hỗn hợp tăng đều đặn. Giá TĂCN tại thị trường Việt Nam cao hơn so với giá sản phẩm cùng loại tại các nước trong khu vực từ 8-12%.
Dự báo, trong thời gian tới, giá nguyên liệu TĂCN tiếp tục tăng, đặc biệt là ngô, do các nước xuất khẩu ngô đều gặp phải điều kiện thời tiết bất lợi, lũ và mưa nhiều, nhất là Hoa Kỳ, nước sản xuất ngô lớn nhất thế giới. Hiện, giá ngô kỳ hạn trên sàn Chicago đã tăng gấp đôi, lên trên 7,365 USD/bushel. Theo dự báo mới nhất tháng 6/2011 của Morgan Stanley, giá ngô kỳ hạn Chicago có thể lên tới 9 USD/bushel nếu thời tiết tiếp tục diễn biến bất lợi.
Trong khi đó, hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu khối lượng lớn các nguyên liệu như ngô, đậu tương, khô dầu, cám mì, bột cá, bột xương, premix khoáng và vitamin cho sản xuất TĂCN công nghiệp. Năm 2010, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu TĂCN (chủ yếu là khô đậu tương, ngô, bột cá, xương thịt) đạt 2,68 tỷ USD và chỉ trong 5 tháng đầu năm 2011, chi phí nhập khẩu nguyên liệu thức ăn gia súc của nước ta đã lên tới 924 triệu USD, xấp xỉ cùng kỳ năm 2010.
Từ tháng 9/2009, Việt Nam đã có chính sách đưa TĂCN vào danh mục mặt hàng bình ổn giá, song đến nay, giá mặt hàng này đã tăng tổng cộng 22 lần. Giá nguyên liệu TĂCN tăng nhanh hơn so với tỷ trọng về tăng giá sản phẩm chăn nuôi, làm giảm quy mô chăn nuôi và hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi. Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đang trình Chính phủ một số chính sách hỗ trợ chăn nuôi, trong đó tập trung cho khuyến khích chăn nuôi theo hướng trang trại.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/6/28733.html


Tin khác