|
Ngư dân Bạc Liêu dùng các phương tiên có tính chất hủy diệt để đánh bắt thủy sản.
|
Bắt không kịp "đẻ"
Có dịp tận mắt chứng kiến cảnh ngư dân đổ lưới mành, chắc nhiều người không khỏi xót xa. Do lưới mành được đan kín như vải mùng nên cá bé, cá lớn đều mắc phải. Hay ở nghề lưới thẹ, sau một đêm ra khơi, nhiều ngư dân phải tốn thêm khoản thời gian để bắt cá nhỏ bằng việc dùng gậy đập mạnh vào lưới cho cá rơi ra, và số cá bị bỏ đi lên đến hàng triệu con. Hậu quả là nguồn lợi thủy, hải sản ngày càng cạn kiệt.
Lão ngư Trần Văn Nhẹ ở phường Nhà Mát (TP.Bạc Liêu) buồn bã nói: "Chưa có năm nào nguồn lợi thủy sản lại giảm như năm nay, tôm - cá khai thác được chỉ toàn cỡ nhỏ. Nếu năm trước, vùng biển này rộn rã trúng mùa con ruốc thì đến nay vẫn im re. Tôi đổ 650.000 đồng tiền dầu chạy ra biển mà chỉ cào được 6-7kg ruốc, chẳng ăn thua chú à!".
Hiện, phần lớn các phương tiện đánh bắt thủy sản của Bạc Liêu đều là phương tiện khai thác gần bờ, mỗi ngày, có đến hàng trăm phương tiện thay nhau cào xới lòng biển và hàng triệu con giống lần lượt bị chết oan. Không phải ngư dân không hiểu, không thấy được tác hại của việc khai thác kiểu hủy diệt nhưng muốn chuyển đổi ngành nghề không phải dễ khi thiếu sự quan tâm, đầu tư của các ngành chức năng. Đặc biệt là việc phát triển kinh tế biển ở một số địa phương lâu nay còn mang tính máy móc, khẩu hiệu. Điều đó làm cho việc phát triển kinh tế biển ngày càng thụt lùi, nguồn tài nguyên biển ngày càng nghèo đi.
"Ăn mót" đến bao giờ?
Do đánh bắt gần bờ nên phần lớn ngư dân chỉ có thể "ăn mót" của biển chứ chưa thể làm giàu từ các loại thủy sản khai thác ngoài khơi. Đây là nguyên nhân làm cho cái nghèo cứ mãi đeo bám bà con. Ước mơ về những con tàu lớn để thỏa sức tung hoành, vung tay bủa lưới ngoài khơi vẫn còn quá xa xỉ với ngư dân. Nhất là từ sau cơn bão số 5 (năm 1997) cho đến nay, chẳng ngân hàng nào chịu đầu tư vốn cho bà con do nợ từ nguồn vốn 985 (thuộc chương trình đầu tư khắc phục hậu quả bão số 5) vẫn còn hơn 70 tỷ đồng.
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 289/QĐ-TTg ngày 25/4/2008, hỗ trợ ngư dân mua mới, đóng mới tàu đánh bắt thủy - hải sản, nhưng trong quá trình thực hiện lại vướng nhiều thủ tục, cơ chế, vì thế mà sau 3 năm thực hiện, tỉnh Bạc Liêu vẫn không có phương tiện nào được hỗ trợ mua mới, đóng mới mà hầu hết chỉ nhận được hỗ trợ bảo hiểm tai nạn thuyền viên, thân tàu, tiền dầu…
Thêm vào đó, việc ban hành một số quyết định như Quyết định số 666/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc cấm khai thác thủy sản ven biển, bãi bồi, cửa sông, kênh, rạch thông ra biển càng làm cho đời sống ngư dân thêm khốn khó. Trên thực tế, việc cấm các hình thức khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản là cần thiết, nhưng ngành chức năng của tỉnh lại chưa có chính sách hỗ trợ ngư dân để họ chuyển đổi ngành nghề.
Ông Phú Văn Khải, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hòa Bình cho biết: "Từ khi thực hiện Quyết định số 666 đến nay, UBND huyện đã kiến nghị tỉnh nhiều lần là cần có chính sách hỗ trợ bà con chuyển đổi ngành nghề, nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì".
Mùa mưa bão sắp bắt đầu và nỗi lo cho những chuyến ra khơi lại bao trùm lên những làng chài ven biển Bạc Liêu. Không biết đời "ăn mót" của biển bao giờ mới chấm dứt?
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn
Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/6/28735.html