Long đong phận sắn: Niềm vui ngắn chẳng tày gang

14/06/2011

Các cơ quan, nhà quản lý khuyến cáo, nếu nông dân ở nhiều địa phương đua nhau trồng sắn (khoai mì), rất có thể sẽ dẫm phải "vết xe đổ" của nhiều loại cây khác. Tuy nhiên, trên thực tế, sắn vẫn đang lấn rừng...

 
Phát triển cây sắn ở Hướng Hóa (Quảng Trị).
Phá rừng trồng sắn
Từ đầu năm đến nay, giá sắn liên tục tăng nên nhiều nông dân ở Thừa Thiên - Huế thi nhau mở rộng diện tích trồng sắn, thậm chí còn chặt phá rừng đầu nguồn để lấy đất cho sắn mọc. Dọc theo con đường nhựa vào các xã Hương Phú, Hương Hữu, Thượng Long, Hương Lộc… (huyện Nam Đông), rừng keo, tràm khoảng 2 năm tuổi đã, đang bị đốn hạ, đốt trụi không thương tiếc, thay vào đó là những hàng sắn mới trồng. Người dân ai cũng vui vì trồng sắn không tốn nhiều chi phí, công sức mà lãi lại cao.
Khi được hỏi vì sao phá rừng trồng sắn, ông Trương Công Bòn ở thôn Xuân Phú (xã Hương Phú) cho biết: "Giá sắn tăng từng ngày, thậm chí thương lái vào tận ruộng tranh mua. Tôi đã gắn bó cả đời với ruộng vườn, nhưng chưa bao giờ thấy trồng sắn hiệu quả như bây giờ. Trồng keo, tràm phải mất hàng chục năm mới cho thu hoạch, trong khi sắn chỉ khoảng 8 tháng là củ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, lại không tốn nhiều công sức".
Ông Bòn tính toán, với giá thu mua từ 5.500-5.900 đồng/kg, bình quân 1ha sắn thu lãi ròng trên 50-70 triệu đồng, trong khi keo lai, tràm chỉ lãi khoảng 5-10 triệu đồng/ha. Bởi vậy, người dân trong thôn đã đốn hạ keo non bán với giá rẻ lấy đất trồng sắn. Ngoài 700ha đất chuyên trồng sắn hàng năm, để mở rộng diện tích trồng sắn, người dân huyện Nam Đông đã khai thác keo non 2-3 tuổi để bán.
Trong khi đó, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương lo ngay ngáy vì sợ sắn "tấn công" vào đất rừng và các loại cây trồng cạn khác, phá vỡ quy hoạch cây trồng.
Đầu tháng 3 vừa qua, hàng chục hộ dân ở thôn Gò Rin, xã Sơn Thành (Sơn Hà-Quảng Ngãi) đã tự ý chặt phá hàng nghìn cây keo lá tràm và cây muồng đen thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham để lấy đất trồng sắn. Tại khu rừng Kà Long, hàng nghìn cây rừng bị bóc vỏ đến chết để thực hiện mục đích trên.
Còn tại Hà Tĩnh, hàng trăm hộ dân ở các xã miền thượng huyện Kỳ Anh cũng kéo nhau vào chặt phá rừng phòng hộ để có đất trồng sắn lấy củ bán cho nhà máy chế biến tinh bột mì. Theo thống kê sơ bộ của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh, xã Kỳ Sơn có trên 40 hộ khai hoang, xâm hại hàng chục hecta rừng để trồng sắn ở các tiểu khu 381, 393A, 394. Tại xã Kỳ Thượng cũng có gần 50 hộ phá rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ ở tiểu khu 362 và một số diện tích thuộc rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh. Thống kê chưa đầy đủ của Trạm Kiểm lâm Kỳ Hợp cho thấy, riêng rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ ở hai tiểu khu 362, 367 đã bị lấn chiếm hơn 38ha. Chẳng ai nghĩ đến việc bức tử rừng phòng hộ trồng sắn sẽ để lại nhiều hậu quả về sau...
Giá sắn liên tục tăng cao trong 2 năm qua đã làm gia tăng tình trạng phá rừng trồng sắn tại Phú Yên. Toàn tỉnh hiện có trên 14.000ha sắn, gấp hơn 2 lần so với quy hoạch cây sắn đến năm 2010. Theo quy hoạch, huyện Sông Hinh chỉ trồng 3.500ha sắn nhưng hiện đã tăng hơn 7.000ha; huyện Đồng Xuân tăng 3.400ha; huyện Sơn Hòa tăng gần 1.800ha... Diện tích sắn tăng nhanh, trong khi 2 nhà máy sắn trong tỉnh với công suất chế biến hiện tại chỉ tiêu thụ khoảng một nửa. Điều này gây nguy cơ khủng hoảng thừa sản lượng nguyên liệu sắn, sẽ tạo điều kiện để tư thương ép giá và nông dân sẽ chịu thiệt. Trung bình mỗi tuần, lực lượng kiểm lâm Phú Yên phát hiện từ 15-20 vụ phá rừng nhỏ lẻ ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hoà và Đồng Xuân.
Lao đao vì sắn
Sắn đang trở thành mặt hàng "hot" với nông dân, nhà nhà đua nhau trồng, không tính đến lúc nào đó sẽ khủng hoảng thừa. Bản thân người dân ở một số địa phương cũng đã từng lao đao vì sắn.
Năm 2007, khi giá nguyên liệu sắn tăng cao, cùng với việc đầu tư xây dựng 2 nhà máy chế biến đóng trên địa bàn, nông dân huyện Văn Yên (Yên Bái) đổ xô lên đồi trồng sắn. Không chỉ trồng trong vùng quy hoạch của 7 xã, sắn còn có mặt ở hầu hết các địa phương trong huyện, từ vùng thấp đến vùng cao. Sắn sang sông, leo lên núi, sắn trồng sau vườn, ven đường, đâu đâu cũng thấy màu xanh của sắn. Sắn lấn át chè, quế, những loại cây từng được nhiều địa phương xác định là cây trồng chủ lực.
Thời điểm đó, nông dân Văn Yên đã trồng trên 6.644ha sắn, vượt so với quy hoạch gần 1.000ha. Được biết, đây mới chỉ là con số báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, còn trên thực tế, diện tích trồng sắn phải nhiều hơn gấp 2 lần. Ai cũng nuôi giấc mơ đổi đời từ sắn bởi thực tế đã có lúc, chỉ cần vài hécta sắn có thể mua được xe máy, ti vi. Thế nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang", giá sắn giảm liên tục, nông dân trở tay không kịp. Đầu vụ giá sắn 660 đồng/kg, nhiều gia đình còn không muốn bán, giữ lại để chờ giá lên, ai ngờ, lúc chính vụ chỉ còn 450 đồng/kg, bán tại cổng nhà máy. Tiền bán sắn không đủ tiền trả công chi phí vận chuyển, khiến các hộ chẳng buồn lên đồi dỡ sắn.
Hồi ấy, thôn Khe Tràm, xã Đông Cuông có 144 hộ thì có tới 140 hộ trồng sắn. Sau 2 năm được giá, sắn đã "nâng đời" không biết bao nhiêu gia đình. Khi giá sắn giảm, nhổ ăn không hết, bán không xong, nhiều gia đình lại rơi vào cảnh nghèo. Bà Lê Thị Bé than: "Đã là nông dân thì ai chẳng tham. Tôi đã trồng sắn bao nhiêu năm nay, có khi nào thấy giá cao như vậy. Nhà có bao nhiêu người đều được huy động trồng sắn, nhiều hộ còn vay ngân hàng để đầu tư, không ngờ đến ngày thu hoạch giá rẻ như bèo. Thậm chí đến bây giờ, nhiều gia đình vẫn chưa trả hết nợ ngân hàng, lãi mẹ đẻ lãi con...".
Bao giờ hết nghịch lý?
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trên một vùng đất, sau 3 - 4 năm trồng liên tiếp, cây sắn sẽ cằn cỗi dần và khó phát triển. Các loại cây khác cũng không thể sống được trên đất đã trồng sắn lâu năm. Rễ cây sắn ngoài việc lấy đi các chất hữu cơ trong đất, còn thải ra một loại axít có hại cho cây trồng, đồng thời làm chai cứng nền đất và hủy diệt các vi sinh vật có lợi. Và như vậy, nếu sau này nông dân muốn bỏ sắn để quay về trồng cây khác sẽ rất khó khăn.
Sắn được coi là một trong những nguyên liệu quan trọng để chế biến thức ăn chăn nuôi, thế nhưng trong nhiều năm qua, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ta luôn trong tình trạng "đói" loại nguyên liệu này, bởi một lý do hết sức đơn giản: sắn đã được thương lái thu mua để xuất khẩu, chủ yếu là xuất sang Trung Quốc.
Ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho biết, nguyên liệu sắn được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi khá nhiều, chiếm tỷ lệ 30-40%, nhưng do xuất khẩu quá nhiều nên chưa bao giờ các nhà máy trong nước mua được đủ sắn. Nguồn cung thiếu, giá trong nước tăng cao nên doanh nghiệp buộc phải chuyển sang sử dụng nguyên liệu khác thay thế, trong đó phần lớn phải nhập khẩu như: ngô, cám gạo, lúa mì... với giá đắt đỏ. Và đây là một trong những nguyên nhân đẩy giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng cao, khiến nông dân thiệt hại trăm đường.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, với diện tích 510.000ha, sản lượng sắn đạt trên 8 triệu tấn tươi/năm (tương đương 4 triệu tấn khô), trong đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước (gồm thức ăn chăn nuôi, chế biến và ăn tươi) khoảng 4 triệu tấn, lượng còn lại dành cho xuất khẩu (4 triệu tấn tươi, tương đương 1,4 triệu tấn tinh bột sắn và sắn lát khô). Tuy nhiên, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu sắn đã đạt gần 638 triệu USD, tăng 109,4% so với cùng kỳ năm 2010 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Giá thức ăn chăn nuôi thì tăng từng ngày với lý do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, ảnh hưởng đến việc phát triển đàn gia súc, gia cầm. Nghịch lý này bao giờ được gỡ bỏ khi chúng ta chưa thể dùng nguyên liệu trong nước cho chế biến? Câu hỏi này xin dành cho các nhà quản lý.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2011/6/28737.html


Tin khác