Sau một năm triển khai xây dựng NTM: Ngổn ngang bao việc phải làm

15/06/2011

Ngày 14/6, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã tổ chức họp đánh giá một năm triển khai chương trình và bàn các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Sau một năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, đã có 92% số xã đang triển khai công tác quy hoạch, trong đó có 461 xã (chiếm 14%) hoàn thiện quy hoạch chi tiết.
Tại 11 xã điểm xây dựng NTM do Trung ương phát động đã hình thành tới hơn 100 mô hình sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; xã nào cũng có 3 - 4 mô hình sản xuất có hiệu quả, được xây dựng từ cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương. Nhờ vậy, hầu hết ở các xã, thu nhập của người dân tăng 20 - 30% so với trước, tạo tiền đề vững chắc cho xây dựng NTM trên toàn địa bàn.
Tuy nhiên, theo BCĐ xây dựng NTM quốc gia, trong quá trình triển khai công tác xây dựng NTM ở cấp cơ sở đang nảy sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Hoạt động của BCĐ cấp tỉnh còn chưa tập trung, nhiều thành viên BCĐ còn chưa hiểu rõ nội dung xây dựng NTM; Bộ máy chưa thống nhất về mô hình tổ chức (có 20 địa phương thành lập tổ công tác giúp việc BCĐ, 2 tỉnh có BCĐ nhưng do đồng chí Phó Chủ tịch làm Trưởng ban, lại có 3 tỉnh thành lập hẳn Ban Xây dựng NTM - cơ quan ngang Sở).
Về công tác đào tạo nghề cho nông dân, mặc dù cả nước đã tổ chức được hơn 9 ngàn lớp dạy nghề với gần 300 ngàn người tham gia nhưng việc đào tạo nghề nhìn chung chưa gắn với các dự án, chương trình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Trong dạy nghề cho nông dân, chưa có được bộ giáo trình chuẩn phù hợp với thời gian đào tạo. Nhiều cơ sở dạy nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề cho nông dân ở các huyện, tỉnh ở tình trạng dạy “chay”, thiếu giáo viên có chất lượng, thiếu thiết bị phục vụ thực hành.
Tại các tỉnh thành lập tổ công tác, bộ phận giúp việc chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, ít cán bộ chuyên trách. Sự gắn kết chưa được chặt chẽ, phân công nhiệm vụ chưa cụ thể nên khi triển khai bị mắc, không đáp ứng được nhiệm vụ xây dựng NTM. Do đó đòi hỏi phải thành lập BCĐ ở cấp xã cùng Ban Quản lý chương trình nhằm dễ huy động cả hệ thống chính trị của xã vào cuộc và BQL cấp xã phải có con dấu riêng để hoạt động; Kinh phí chỉ đạo còn chưa đủ cho hoạt động của BCĐ các cấp và chưa có chế độ phụ cấp cho cán bộ vận hành chương trình ở các cấp từ Trung ương đến địa phương.
Về công tác phát triển sản xuất, nhìn chung các địa phương mới đang chỉ tập trung cho xây dựng quy hoạch và lập đề án, việc sản xuất vẫn theo kế hoạch hàng năm của các địa phương, chưa có chuyển biến rõ rệt. Trên thực tế, đây là công việc rất khó, vì liên quan đến chính sách đất đai. Đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc, thực trạng ruộng đất còn manh mún nên chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, tạo hình thức tổ chức sản xuất mới.
Đề án xây dựng NTM cấp xã nặng về phát triển cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đến phát triển sản xuất tăng thu nhập, văn hoá và môi trường. Mới chú trọng nhiều đến xây dựng các công trình xã mà chưa quan tâm thích đáng tới các công trình ở các thôn hoặc ở hộ nông dân. Các địa phương còn lúng túng trong việc tìm kiếm nguồn lực cho xây dựng NTM. Tình trạng chung là còn ỷ lại, trông chờ vào vốn ngân sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH - ĐT Cao Viết Sinh cho rằng việc lồng ghép vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia vào Chương trình NTM cũng đang gặp khó khăn, thậm chí không thực hiện được ở một số hạng mục: đường trung tâm xã không thể lồng ghép sử dụng nguồn vốn trái phiếu, công trình trạm y tế, nhà văn hóa xã cũng không sử dụng Chương trình MTQG về y tế, văn hóa bởi không là đối tượng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo ông Sinh, trong chương trình MTQG giai đoạn 2011 -2015 các Bộ, ban ngành cần lưu ý đưa các nội dung liên quan đến xây dựng NTM. Ngoài ra, việc ngân sách Trung ương đầu tư 100% cho 6 nội dung cấp xã: đường giao thông, nhà văn hóa, trạm y tế, trường học, trụ sở ủy ban là chưa hợp lí, dễ gây tâm lí ỷ lại, làm giảm hiệu quả đầu tư vì vậy cần quy định để ngân sách địa phương đối ứng.
Sau khi nghe các Bộ, ngành báo cáo những khó khăn trong công tác xây dựng NTM, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhận định: “Muốn làm tốt NTM thì phải nâng cao nhận thức của cán bộ, phải cải tổ cách làm, cách tổ chức thực hiện từ BCĐ Trung ương đến địa phương sao cho thống nhất. Mục tiêu của NTM là thúc đẩy đời sống của người dân tăng lên, đảm bảo điều kiện ăn ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đời sống văn hóa đều đạt chuẩn. Đó là những yêu cầu mà các tỉnh phải ưu tiên hàng đầu".
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương phải sớm hoàn thiện các tiêu chí riêng của ngành mình và kiến nghị Chính phủ bổ sung một số tiêu chí phù hợp với thực tế để hướng dẫn các địa phương không quá cứng nhắc thực hiện tiêu chí, cách thức làm và cách thức huy động nguồn lực, cách tổ chức thực hiện.
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/135/135/135/79830/Default.aspx


Tin khác