Nguyên nhân dẫn đến tôm chết hàng loạt?
Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Trà Vinh là những tỉnh có diện tích bị thiệt hại nhiều. Trong đó, tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại lớn nhất lớn nhất với trên 19.000 ha. Nguyên nhân thiệt hại do tôm chết, theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là do yếu tố thời tiết, cùng với đó là việc thực hiện quy trình xử lý ao nuôi, sử dụng hóa chất, theo dõi môi trường nuôi, quản lý chất thải, nước thải, cơ sở hạ tầng vùng nuôi tại các địa phương chưa được chặt chẽ và đúng theo quy định đã làm phát sinh dịch bệnh và tạo lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho các vùng nuôi.
|
Nhiều hộ nuôi tôm giống cũng bị thiệt hại nặng nề do tôm chết. |
Thông tin từ Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tỷ lệ tôm bệnh chết nhiều thuộc vùng nuôi giáp biển Đông với 75,3%, vùng biển Tây chỉ thiệt hại 11% và đối tượng nuôi thiệt hại lớn là tôm sú với 60,4%, còn tôm thẻ chân trắng chỉ thiệt hại 19,5%, vì thế, yếu tố môi trường là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm hơn. Còn theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II thì nếu tôm chết do môi trường sẽ chỉ xảy ra cục bộ. Tôm chết hiện nay đã có sự lây lan trên diện rộng, với 80% mẫu xét nghiệm của viện cho kết quả dương tính với bệnh hoại tử gan tụy. Viện cũng đã khoanh vùng tác nhân gây bệnh là nhóm Gamma-Proteobacteria để tiếp tục nghiên cứu. Một nghiên cứu của Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ cho biết thêm, qua các mẫu thu được từ tháng 3/2011 đến nay của Khoa Thủy sản cho thấy, bệnh gây chết tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là do vi khuẩn ký sinh nội bào gây ra. Hiện nay, Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ đang tiến hành lai phân tử để gây cảm nhiễm, nhằm tìm ra tác nhân gây bệnh. Các mẫu thu được tại Cà Mau, Kiên Giang qua xét nghiệm còn cho thấy có biểu hiện của bệnh hoại tử cơ và cả sự hiện diện của virus Taura trên tôm sú và tôm thẻ.
Do vậy, các chuyên gia đầu ngành thủy, hải sản của Việt Nam đã đưa ra những giải pháp ban đầu, đó là đối với mô hình nuôi quảng canh cải tiến, tính phục hồi rất cao, không cần tác động bằng hóa chất nhiều mà chủ yếu là sên vét lại rồi thả giống. Đối với mô hình thâm canh, phải cắt đường lây của mầm bệnh trong đất và nước bằng hóa chất như vôi và formol mới xử lý hết mầm bệnh. Đối với hóa chất Clorin chỉ nên sử dụng để xử lý nước chứ không nên xử lý đất. Để cắt đường lây lan từ con giống, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đưa tiêu chí bệnh hoại tử gan tụy vào xét nghiệm con giống và hộ nuôi nên thả con tôm giống kích cỡ lớn. Có thể sử dụng một số chế phẩm tăng cường chức năng gan cho tôm, hay ôxytetrexylin liều 20gram trộn vào 1kg thức ăn trong 14 đến 20 ngày và ngưng sử dụng 1 tháng trước khi thu hoạch để đảm bảo không dư lượng kháng sinh.
Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu
Gần một tháng qua, diện tích nuôi tôm sú ở các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong tình trạng tôm chết trên diện rộng. Không chỉ người dân nuôi tôm thiệt hại về kinh tế, mà các nhà máy chế biến tôm cũng đang lo thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho chế biến để đáp ứng đơn đặt hàng các tháng cuối năm. Hiện nay, các địa phương có diện tích tôm chết đang thả tôm tái đầu tư, nhưng nguồn giống chất lượng lại khan hiếm. Nếu nông dân không tìm được con giống chất lượng và thả giống trôi nổi không qua kiểm soát dịch bệnh thì sẽ khó dự đoán về năng suất, sản lượng của mùa tôm 2011.
Tại thành phố Cần Thơ, nhiều chủ doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản xuất khẩu không khỏi lo lắng vì hiện nay, do diện tích nuôi tôm sú ở khu vực này bị chết hàng loạt, nên dù có cố gắng chuẩn bị trước nguồn nguyên liệu nhưng vẫn không đáp ứng đủ các đơn đặt hàng. Theo một số doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu, giá tôm thương phẩm đang ở mức cao, tôm sú đang khan hàng, trong khi giá tôm thẻ chân trắng thương phẩm đã tăng từ 20% đến 30% so với đầu năm 2011. Nếu trong 2 tháng tới, vẫn chưa khống chế được dịch bệnh trên tôm sú và diện tích tái thả nuôi không đạt kết quả như mong đợi, thì hàng loạt nhà máy chế biến tôm sẽ lâm vào tình thế thiếu nguyên liệu, có thể ngưng hoạt động. Hiện một số ít doanh nghiệp vẫn hoạt động được là nhờ họ đã tích lũy được nguyên liệu, nhưng cũng không thể kéo dài được lâu vì nguồn nguyên liệu đang cạn.
Mặc dù con tôm sú là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của nhiều địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất, hoặc bao tiêu sản phẩm cho người nuôi như các mặt hàng khác, ví dụ như cá tra, lúa.... Các doanh nghiệp chế biến chủ yếu mua nguyên liệu chế biến theo phương thức mua đứt- bán đoạn. Do vậy, khi xảy ra dịch bệnh trên diện rộng sẽ kéo theo hàng loạt nhà máy chế biến hoạt động cầm chừng, ngưng hoạt động và vấn đề này đã tái diễn trong hai năm gần đây. Hiện nay, tôm chết hàng loạt, lãi suất cho vay của các ngân hàng ở mức cao, người nuôi lo ngại, doanh nghiệp chế biến càng khó hơn với những hợp đồng xuất khẩu vào đầu quý III-2011.
Năm 2011, theo kế hoạch, diện tích nuôi tôm toàn vùng khoảng 640.000ha, tính đến cuối tháng 5-2011, toàn vùng đã thả nuôi trên 547.400ha, diện tích tôm bị thiệt hại cũng vượt qua mức 52.000ha. Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình tôm chết vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Do vậy, các địa phương nuôi tôm cần có kế hoạch ứng phó và khuyến cáo nông dân cải tạo ao đầm nuôi tôm, hạn chế mầm bệnh lây lan. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chất lượng con giống, nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi và đáp ứng nguồn nguyên liệu cho chế biến của các nhà máy.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nuôi tôm chủ lực của cả nước, kim ngạch xuất khẩu tôm sú năm 2010 đã vượt qua mức 2 tỉ USD, để con tôm trở thành ngành hàng công nghiệp chủ lực phải có sự nhập cuộc của các ngành chức năng Trung ương và địa phương. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, năm 2010, diện tích nuôi tôm sú vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 92% diện tích nuôi tôm cả nước với 564.845ha. Dự kiến trong năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ban hành tiêu chí cho vùng nuôi tôm và phấn đấu 50% cơ sở nuôi tôm đánh số, thực hiện truy xuất nguồn gốc để ngành tôm phát triển bền vững hơn. Đây là nỗ lực lớn của ngành nông nghiệp trong việc xây dựng chiến lược phát triển và hình ảnh con tôm Việt Nam. Tuy nhiên, để đưa con tôm trở thành ngành hàng chiến lược phải giải quyết rất nhiều vấn đề bất cập từ quy hoạch, kiểm soát chất lượng giống đến khép kín chuỗi sản xuất- chế biến- xuất khẩu. Theo nhận định của các ngành chức năng, các chuyên gia, trong thời điểm này, cần phải có chính sách hỗ trợ cho người nông dân nuôi tôm, tạo mối liên kết khép kín từ khâu sản xuất đến chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn thu mua, chế biến với mức lãi suất ưu đãi để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm ổn định cho người lao động. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nuôi tôm chủ lực của cả nước, kim ngạch xuất khẩu tôm sú năm 2010 đã vượt qua mức 2 tỉ USD, để con tôm trở thành ngành hàng công nghiệp chủ lực phải có sự nhập cuộc của các ngành chức năng Trung ương và địa phương.
Cơ hội phát triển cho vùng tôm-lúa Đồng bằng sông Cửu Long
Trong khi các nhà khoa học và người nuôi thả thủy sản đang cố gắng tìm ra biện pháp ngăn chặn dịch bệnh gây hại cho con tôm thì một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vừa có một thử nghiệm cho mô hình tôm – lúa ở khu vực này, nhằm hạn chế rủi ro cho người nông dân trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh và khí hậu. Theo đó, một giống lúa mới vừa được lai tạo và đang được nhân giống thử nghiệm tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Theo đánh giá của nhà chuyên môn, giống lúa này có thể sinh trưởng tốt ở đồng đất nhiễm mặn tới 10%o. Nếu bước thử nghiệm thành công, nông dân ở vùng tôm-lúa Đồng bằng sông Cửu Long sẽ không còn lo ngại chuyện mặn-hạn cục bộ khi vào vụ sản xuất lúa trên đất nuôi tôm. Loại giống lúa này có tên là lúa Sỏi, được Tiến sĩ Võ Công Thành, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu gần 10 năm, lai tạo từ gần 10 loại giống khác nhau và vừa chuyển giao kỹ thuật cho ngành nông nghiệp huyện Hồng Dân. Theo Tiến sĩ Võ Công Thành, ưu điểm nổi bật của lúa Sỏi là khả năng chịu mặn cao, kháng rầy, bệnh đạo ôn, hạt gạo thơm,... đảm bảo tiêu chuẩn hạt gạo xuất khẩu.
Huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu có trên 20.000ha đất nuôi tôm quảng canh, trong đó có khoảng 5.000ha đất lúa-tôm, tập trung ở xã Ninh Thạnh Lợi, Ninh Thạnh Lợi A, một phần diện tích thuộc xã Lộc Ninh, Vĩnh Lộc và Vĩnh Lộc A không thể sản xuất lúa. Nguyên nhân do vào thời điểm từ tháng 9-10 hằng năm, ở khu vực này độ mặn tăng lên đến 10%o. Hàng ngàn hộ dân ở đây buộc phải nuôi tôm quanh năm dù biết rằng sản xuất độc canh rủi ro cao, thiếu bền vững. Ông Võ Văn Út, Bí thư Huyện ủy Hồng Dân, cho biết: Lúa Sỏi đang phát triển rất khả quan. Nếu thành công, lúa Sỏi sẽ tạo bước đột phá lớn, cải thiện đáng kể thu nhập của nhân dân trong vùng tôm-lúa của huyện trong tương lai không xa. Dự kiến sang năm 2012, những đồng đất có độ mặn cao nhất của huyện sẽ có sự hiện diện của lúa Sỏi. Đồng thời, Hồng Dân sẽ là địa phương đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long có lúa hàng hóa tên gọi lúa Sỏi đưa ra thị trường. Mặc dù là lúa hạt tròn, cứng cơm nhưng thị trường thế giới lại rất ưa chuộng và xuất khẩu giá cao hơn lúa hạt dài. Phía Công ty Lương thực Tiền Giang cam kết sẽ mua tất cả lượng lúa hàng hóa giống lúa đặc biệt này ở huyện Hồng Dân, để chế biến xuất khẩu khi đi vào sản xuất đại trà.
Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích đất sản xuất tôm-lúa đứng đầu cả nước. Hiện toàn vùng có khoảng 140.000ha đất áp dụng mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm, tập trung nhiều ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Mặc dù nông dân thực hiện khâu chọn giống, rửa mặn... rất bài bản, công phu nhưng do hệ thống thủy lợi của vùng chưa khép kín đồng bộ nên vào vụ sản xuất lúa, nhiều nơi trong vùng diện tích lúa bị thiệt hại nặng vì mặn. Qua thực tế sản xuất, người nông dân cũng như nhiều nhà khoa học đều khẳng định, sản xuất luân canh một vụ lúa - một vụ tôm là mô hình sản xuất bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Luân canh lúa - tôm giống như hai chân trong một cơ thể, không thể tách rời, phải được phát triển song hành với nhau. Trồng lúa để ổn định môi trường phục vụ cho nuôi tôm, con tôm tạo ra môi trường dinh dưỡng cho cây lúa. Thực tế vừa qua, ở Bạc Liêu, mô hình tôm-lúa đã cho hiệu quả cao, đạt doanh thu 48,7 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt trên 25,8 triệu đồng/ha. Còn tại Cà Mau, trồng lúa trên vuông tôm cho lợi nhuận trên 8 triệu đồng/ha; vụ tôm trung bình từ 400 đến 460 kg/ha, tăng từ 20 - 30% so với nuôi tôm quảng canh không trồng lúa. Tiềm năng và lợi thế ấy sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa bởi trong tương lai không xa, thị trường sẽ có thêm giống lúa Sỏi chịu được mặn 10%o, hứa hẹn tạo đột phá cho toàn vùng./..
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Nguồn:http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=464181