Mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng lĩnh vực thủy sản của Cà Mau vẫn ghi điểm với năng suất, sản lượng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác trong tỉnh đạt 206.000 tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ.
Nhiều năm qua, nuôi trồng thủy sản đã được xác định là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của Cà Mau, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp và quảng canh cải tiến năng suất cao. Ông Lê Dũng, Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, toàn tỉnh hiện có 296.300 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó riêng diện tích nuôi tôm chiếm 266.592 ha, với 3.278 ha nuôi theo hình thức công nghiệp. Năm nay, người nuôi tôm gặp không ít khó khăn trong việc cải tạo, xử lý nước chuẩn bị thả giống, đào ao mới do giá xăng dầu, vật tư thiết bị, thức ăn… đều tăng cao.
Để giúp bà con nông dân ổn định sản xuất, ngành nông nghiệp Cà Mau đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả vật tư đầu vào, chất lượng con giống. Từ đầu năm đến nay, nông dân trong tỉnh đã thả nuôi gần 8 tỷ con tôm giống, trong đó các cơ sở trong tỉnh đã sản xuất và cung ứng ra thị trường hơn 4,6 tỷ con, còn lại là nhập từ các tỉnh khác.
Qua công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã phát hiện 33 cơ sở sản xuất tôm giống vi phạm do không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không bao bì, không giấy chứng nhận kinh doanh. Riêng đối với tôm giống nhập, các trạm kiểm dịch đã phát hiện 795 trường hợp vận chuyển không có phiếu xét nghiệm PCR tại nơi xuất đi. Qua đó, đã buộc tiêu hủy gần 6,4 triệu con tôm giống không đạt chất lượng, trong có 1,38 triệu con tôm sú và thẻ chân trắng nhập tỉnh.
Nhờ làm tốt công tác kiểm tra đầu vào cũng như tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ nên vụ nuôi tôm năm 2011 của Cà Mau ít bị thiệt hại do dịch bệnh, trong khi đó các địa phương lân cận như Bạc Liêu, Sóc Trăng bị thiệt hại rất nặng nề. Đến nay, nhiều nơi trong tỉnh nông dân đã bắt đầu thu hoạch tôm với năng suất khá cao. Từ đầu năm đến nay, giá tôm nguyên liệu luôn ổn định ở mức cao nên nông dân rất phấn khởi. Hiện tôm sú loại 20 con/kg giá 265.000 đồng/kg, 30 con/kg 190.000 đồng, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giá 87.000 đồng.
Đề án nâng cao năng suất, chất lượng tôm, lúa mà Cà Mau đã triển khai thực hiện nhiều năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trong các cuộc hội thảo đánh giá mô hình, đa số bà con nông dân đều đánh giá rất cao và đồng tình áp dụng vào sản xuất ở các vụ mùa tiếp theo.
Năm 2011, ngành nông nghiệp có kế hoạch nhân rộng mô hình với diện tích 18.670 ha. Trong đó, mô hình nuôi tôm là 5.030 ha gồm 1.530 ha tôm công nghiệp, 2.600 ha quảng canh cải tiến, 900 ha tôm sinh thái nuôi dưới tán rừng phòng hộ; mô hình tôm - lúa 3.900 ha; mô hình sản xuất lúa 9.740 ha. Các địa phương trong tỉnh đã và đang tập trung triển khai nhân rộng các mô hình, giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả cao.
Không chỉ phát triển mạnh vùng sản xuất tôm nguyên liệu mà Cà Mau còn chú trọng công nghiệp chế biến xuất khẩu. Từ năm 1999, các doanh nghiệp trong tỉnh đã bắt tay thành lập Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEF). Hiện nay, CASEF đang có 37 nhà máy chế biến thủy sản (CBTS), trong đó có 33 nhà máy CBTS đông lạnh, 4 cơ sở chế biến bột cá với tổng công suất 180.000 tấn thủy sản thành phẩm/năm.
Hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản đều áp dụng tiêu chuẩn HACCP, được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, có 15 cơ sở đạt chứng chỉ ISO các loại và đều được cấp chứng chỉ xuất khẩu vào châu Âu. Các hội viên CASEF luôn có thị trường xuất khẩu khá ổn định ở hầu hết các châu lục và được bạn hàng tin cậy. Trong năm 2010, Cà Mau có 5 doanh nghiệp nằm trong danh sách 20 doanh nghiệp dẫn đầu cả nước về xuất khẩu thủy sản. Còn nếu tính riêng về mặt hàng tôm đông lạnh, toàn tỉnh có 8 doanh nghiệp nằm trong nhóm 20 doanh nghiệp dẫn đầu. Mục tiêu mà CASEF đặt ra cho 5 năm tới là sẽ phấn đấu xuất khẩu thủy sản đạt 5 tỷ USD, chủ yếu là xuất khẩu tôm đông lạnh.
Ngoài con tôm, những năm gần đây nông dân Cà Mau còn đầu tư nuôi cua trong lồng, trong hầm đất, đặc biệt là hình thức nuôi xen với tôm theo hình thức quảng canh đã làm tăng thu nhập trong cùng diện tích. Giá cua thương phẩm thời gian qua luôn dao động ở mức cao, cua gạch son có lúc lên đến 450.000 đồng/kg nên thu hút được người nuôi.
Nhu cầu cua giống tăng cao nên các cơ sở sản xuất trong tỉnh không đáp ứng nổi, nông dân phải tìm sang các tỉnh lân cận như Kiên Giang, Bạc Liêu để mua về thả nuôi. Các loài thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao như cá bống tượng, cá chình… cũng được rất nhiều bà con nông dân Cà Mau đầu tư thả nuôi, với tổng diện tích hiện nay khoảng 1.500 ha.
Thủy sản khai thác cũng là một trong những thế mạnh của Cà Mau. Toàn tỉnh hiện có 5.093 tàu cá các loại với tổng công suất 418.196 CV. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã khai thác được 81.500 tấn hải sản, trong đó có 7.500 tấn tôm. Trong bối cảnh giá xăng, dầu liên tục tăng, các ngành chức năng trong tỉnh đã tăng cường tập huấn cho ngư dân như phối hợp với Trường Đại học Nha Trang mở lớp tập huấn về một số ngành nghề khai thác có hiệu quả, ít tiêu hao nhiên liệu, tập huấn kỹ thuật bảo quản sản phẩm trên tàu cá bằng vật liệu Polyurethane… Ngoài ra, còn cấp phát 5.000 bản đồ “hướng dẫn hoạt động khai thác thủy sản trong các vùng biển tỉnh Cà Mau”. Qua đó, đã giúp cho ngư dân có điều kiện tiếp tục bám biển và khai thác đạt hiệu quả.
Theo ông Lê Dũng, những tháng còn lại trong năm, ngành nông nghiệp sẽ tập trung kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật, thông tin cảnh báo về môi trường và dịch bệnh trên tôm nuôi đến tận các hộ dân, chuẩn bị sẵn sàng hóa chất phòng trừ dịch bệnh để kịp thời cung ứng cho dân khi có dịch bệnh xảy ra. Tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chống đưa tạp chất vào nguyên liệu thủy sản, nhất là trên con tôm. Chỉ đạo chặt chẽ lịch mùa vụ xuống giống các vụ lúa trong năm, lấp lại vụ lúa trên nền đất nuôi tôm, đảm bảo thực hiện có hiệu quả cả vụ tôm lẫn vụ lúa.
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay
Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/79820/Default.aspx