Thương hiệu làng nghề - thương hiệu quốc gia

15/06/2011

Thương hiệu làng nghề không chỉ là thương hiệu quốc gia mà nó còn là thứ mà người dân tại chính làng nghề có thể dựa vào đó để mà làm giàu trên chính quê hương của mình.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Việt Nam có hơn 2.000 làng nghề, nhưng hiện mới chỉ có làng nghề gốm Bát Tràng là đã xây dựng được thương hiệu làng nghề, còn lại các làng nghề khác hầu như vẫn chưa có thương hiệu làng nghề.
Xây dựng thương hiệu làng nghề, vì sao khó?
Rất khó để xây dựng thương hiệu làng nghề! Đó là khẳng định, đồng thời là tâm sự của nghệ nhân Trần Bá Dinh - làng chạm khảm Chuyên Mỹ - Hà Nội. So với nhiều làng nghề khác đang khó khăn vì đầu ra thì khảm trai của Chuyên Mỹ có thị trường rất thuận lợi. Nhưng hầu hết sản phẩm của làng đều bán cho thương lái với giá rẻ vì không có vốn và không có kiến thức. Chia sẻ thêm về điều này, ông Vũ Mạnh Hùng - chủ một cơ sở sản xuất cho biết: Sản phẩm làm ra xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, sau đó từ Trung Quốc họ xuất đi nhiều nước khác trên thế giới với giá cao hơn gấp khoảng 4 lần so với giá ban đầu và tất nhiên, sản phẩm phải mang thương hiệu “Made in China”. Nhưng người tiêu dùng không hề biết đó là những sản phẩm được làm từ làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ - Việt Nam.
 
Tương tự như Chuyên Mỹ, làng nghề thêu Quất Động - Thường Tín - Hà Nội dù đã có sản phẩm xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới nhưng còn rất nhỏ lẻ, và hầu hết phải qua khâu trung gian do chưa được đầu tư phát triển đúng mức và người dân còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ nên hầu như phải xuất khẩu qua các khâu trung gian. Đây cũng là nguyên nhân làm cho làng nghề thêu Quất Động nổi tiếng một thời chưa có chỗ đứng trên bản đồ thế giới.
Đây là tình trạng chung của hầu hết các làng nghề Việt Nam, dẫn đến chưa tạo dựng được thương hiệu làng nghề, và khó khăn cho đầu ra của sản phẩm. Theo ông Lưu Duy Dần - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Làng nghề Việt Nam: Ở Việt Nam hiện nay mới chỉ có làng gốm Bát Tràng là biết cách xây dựng thương hiệu làng nghề. Còn lại, các làng nghề khác chủ yếu rơi vào tình trạng xuất thô, mất hết thương hiệu.
Ngoài ra, chính sự cạnh tranh không lành mạnh tại các làng nghề thông qua việc “ăn cắp” mẫu mã của nhau cũng làm cho những ngưòi làm ăn chân chính không muốn sáng tạo, không tạo ra nét riêng của làng nghề, đây là điều đáng báo động hiên nay.
Cần ý thức được giá trị của thương hiệu
Các làng nghề hiện nay chưa xây dựng được thương hiệu cho mình bởi rất nhiều lý do. Nhưng chủ yếu vẫn là thiếu hiểu hết về ý nghĩa, giá trị của thương hiệu làng nghề, và thiếu sự quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu làng nghề. Chính vì thế, muốn thương hiệu làng nghề phát triển thì không chỉ người dân trên chính các làng nghề mà mỗi người dân Việt Nam phải ý thức được giá trị của thương hiệu làng nghề.
Để xây dựng được thương hiệu cho làng nghề, ông Lưu Duy Dần cũng cho rằng, ngoài việc “tự thân vận động” thì Nhà nước cũng cần hỗ trợ cho các làng nghề khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ và tạo tư cách pháp nhân cho các hộ sản xuất, các DN mở rộng giao thương hàng hóa. Bên cạnh đó, cần đa dạng mẫu mã, đào tạo thợ giỏi để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Các chủ DN, cơ sở cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia triển lãm, hội chợ xây dựng thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề truyền thống rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn. Có như vậy mới nâng cao được giá trị xuất khẩu.
Ngoài ra, theo ông Dần: Chúng ta nên nghĩ đến những khó khăn mà người dân tại các làng nghề đang phải đối mặt và tìm cách chia sẻ với họ. Bởi không chỉ là thương hiệu quốc gia, các làng nghề hiện nay đang giải quyết việc làm cho khoảng 11-12 triệu lao động. Vì thế, quan tâm xây dựng thương hiệu là việc làm cần thiết, giúp người dân có thể dựa vào đó mà làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Đây cũng là một trong những cách nhằm xây dựng nông thôn mới./.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế Việt Nam

Nguồn:http://ven.vn/thuong-hieu-lang-nghe-thuong-hieu-quoc-gia_t77c12n21938tn.aspx


Tin khác