Trước tình hình khó khăn về vốn do không thể vay được từ các ngân hàng, trong khi đầu ra cho sản phẩm còn khá bấp bênh, một số hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh nông sản có giấy chứng nhận sản xuất an toàn (VietGAP, GlobalGAP) đang rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan vì một mặt không níu giữ được xã viên, mặt khác buộc phải tập trung sản xuất để giữ bạn hàng.
|
Khó khăn trong việc tiêu thụ đã khiến một số HTX nông sản không còn mặn mà với quy trình GAP.
|
80% HTX làm ăn chưa hiệu quả
Theo TS. Võ Mai, Phó chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, nhận thức của nông dân về sản xuất sạch, an toàn trong giai đoạn hiện nay đã tốt hơn. Ở nhiều địa phương, người dân đã ý thức được rằng, việc sản xuất nông nghiệp an toàn không chỉ cung cấp sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng cho người tiêu dùng mà còn an toàn cho chính bản thân người sản xuất và giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, do chi phí sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn gấp nhiều lần sản xuất theo phương pháp thông thường nên lo ngại lớn nhất của người dân vẫn là việc tiêu thụ sản phẩm. Thực tế cho thấy, có một số trang trại, nhà vườn đã nỗ lực để đạt được chứng chỉ VietGAP, GlobalGAP nhưng đầu ra bấp bênh, giá thu mua không ổn định nên sau một vài năm đã không còn mặn mà với GAP. Các HTX nông sản đã có giấy chứng nhận rơi vào cảnh thiếu nguyên liệu cho các hợp đồng xuất khẩu vì không thể níu giữ được xã viên khi họ bỏ ra ngoài làm ăn riêng lẻ.
Ông Đoàn Văn Hợp, Phó trưởng ban chỉ đạo nông nghiệp nông thôn TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố có khoảng 50 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - dịch vụ. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% HTX làm tốt việc tiêu thụ sản phẩm cho xã viên, đảm bảo lợi nhuận cao và 2 đơn vị sản xuất rau an toàn làm tương đối tốt việc bao tiêu sản phẩm cho nông dân, số còn lại làm ăn chưa hiệu quả. Ông Hợp cho rằng, vai trò thương mại của các tổ chức kinh tế tập thể còn khá mờ nhạt. Để đổi mới cách thức làm việc của các tổ chức này, hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, cần phải xem xét lại vai trò của HTX trong quá trình hoạt động. "HTX chỉ cần làm những việc mà xã viên làm không được hoặc làm không tốt bằng. Chẳng hạn, chỉ chú trọng vào các khâu sau thu hoạch, bao gồm sơ chế, nhãn mác, tiêu thụ… làm sao để đảm bảo lợi nhuận xã viên bán ra cao hơn so với việc bà con làm đơn lẻ bán cho thương lái. Có như vậy mới thu hút xã viên tham gia", ông Hợp nói.
Ưu đãi để thu hút doanh nghiệp
Trao đổi với chúng tôi, PGS. TS Mai Thành Phụng, Trưởng bộ phận Khuyến nông trồng trọt (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phía Nam) cho hay, muốn kêu gọi nông dân vào các HTX, tổ hợp tác để liên kết sản xuất thì trước hết bản thân địa phương (cụ thể là ngành nông nghiệp) cần phải có những kế hoạch thật chi tiết, phải chứng minh cho bà con thấy làm riêng lẻ lợi hơn hay làm tập thể lợi hơn thì mới tập hợp họ lại được. Theo ông Phụng, các địa phương cần phải đưa ra những chính sách ưu tiên phát triển kinh tế tập thể. Chẳng hạn, khi có một doanh nghiệp chịu đứng ra xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh một mặt hàng nông sản nào đó ở địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT cần hợp tác với họ, tạo ra các điều kiện thuận lợi về giao thông, thuỷ lợi, hỗ trợ các chi phí về phân tích mẫu đất, mẫu nước, miễn phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn trong thời gian đầu… Từ đó yêu cầu họ đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh, hỗ trợ quy trình kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Qua khảo sát ở nhiều địa phương, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, ông Phụng cho rằng, chỉ có những dự án nào, địa phương nào làm tốt đầu ra cho sản phẩm sạch, an toàn thì nơi đó người nông dân mới hứng khởi tham gia và các trang trại, nhà vườn mới hoạt động, sản xuất kinh doanh hiệu quả. "Nếu chưa tính toán được đầu ra ổn định, sản phẩm làm theo quy trình GAP mà bán không được giá cao hơn sản phẩm thường 20% thì chưa thể làm GAP vì có làm chắc chắn sẽ không thu hút được người nông dân", ông Phụng khẳng định.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn
Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/6/28769.html