|
Nông dân xã Thanh Văn (Thanh Oai - Hà Nội) vui mừng được nhận lương hưu
|
Rất muốn tham gia
Giữa cái nắng oi ả của mùa hè, chúng tôi vẫn thấy anh Nguyễn Thế Cường ở xã Vân Nội (Đông Anh - Hà Nội) miệt mài bên những luống rau xanh mướt. Hỏi tại sao không nghỉ trưa, anh Cường bảo, phải tranh thủ khi còn trẻ để sau này có chút tiền dưỡng già. Khi chúng tôi thắc mắc sao anh không tham gia BHXH tự nguyện, anh Cường bảo: "Tôi có nghe loáng thoáng nhưng không thấy tổ chức nào đứng ra tuyên truyền, tư vấn. Bản thân tôi làm việc suốt ngày nên không có thời gian tìm hiểu mà nói thật, có muốn tham gia cũng không biết hỏi ai".
Tâm sự của anh Cường cũng là suy nghĩ của đa phần nông dân hiện nay khi rất muốn có chỗ dựa lúc về già nhưng lại không nắm rõ thông tin. Đó là một trong những lý do giải thích vì sao đến nay sau hơn 4 năm triển khai, người lao động, nhất là nông dân ở các vùng nông thôn vẫn có rất ít cơ hội tiếp cận chính sách này.
Theo ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), tính đến hết tháng 4/2011, cả nước có trên 51 triệu người tham gia BHXH và BHYT. Trong đó, có khoảng 72.000 người tham gia BHXH tự nguyện nhưng tỷ lệ nông dân tham gia rất ít.
Nói về lý do tỷ lệ nông dân tham gia BHXH thấp, ông Được thừa nhận có rất nhiều "rào cản", trong đó có vấn đề thu nhập của bà con còn thấp. Cụ thể, với hình thức BHXH tự nguyện, phí phải đóng ít nhất là 18% mức lương tối thiểu và theo mức lương mới nhất 830.000 đồng/tháng (từ ngày 1/5/2011) thì số phí bảo hiểm phải đóng là 150.000 đồng/tháng. Đây là số tiền không nhỏ đối với nông dân.
Đó là chưa kể tới việc tiếp cận chính sách này của nông dân gặp nhiều khó khăn do chưa có tổ chức, đơn vị nào đến tận thôn, xóm tuyên truyền. Bên cạnh đó, chất lượng phục vụ ở tuyến xã còn nhiều yếu kém. "Ở nhiều nơi, chính quyền địa phương chưa quan tâm đến chính sách bảo hiểm cho nông dân mà phó mặc cho cơ quan bảo hiểm nên người dân không có cơ hội tiếp cận chính sách này", ông Được cho hay.
Tăng cường về tuyến xã
|
Có lương hưu nông dân, nhất là người già ở các vùng nông thôn sẽ có chỗ dựa vật chất ổn định trong cuộc sống.
|
Thực tế cho thấy, Đảng và Nhà nước ta không ngừng đầu tư, chăm lo phát triển đời sống cho nông dân các vùng nông thôn, đặc biệt là người cao tuổi. Vì thế, cần phải có các chính sách thích hợp để thu hút và khuyến khích nông dân tham gia BHXH.
Muốn thực hiện được điều này, theo ông Được, các địa phương cần tìm giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với đó, Nhà nước cần có sự điều chỉnh linh hoạt trong chính sách bảo hiểm. Chẳng hạn, hiện nay ở một số nước trên thế giới, bảo hiểm được chia thành nhiều mức đóng khác nhau để tất cả mọi người đều có thể tham gia. Còn ở nước ta, BHXH tự nguyện vẫn còn "đóng khung", trong đó mức đóng thấp nhất là mức lương tối thiểu chung và kịch trần là không quá 20 lần mức lương tối thiểu. Do vậy, nhiều người nghèo, người thu nhập thấp không có điều kiện tham gia. Nếu có sự điều chỉnh, những đối tượng này sẽ tiếp cận được với BHXH thuận lợi hơn.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần có sự điều chỉnh linh hoạt trong đối tượng và phương thức đóng BHXH. Chẳng hạn, theo quy định, đủ 20 năm đóng bảo hiểm người dân mới được hưởng chế độ hưu trí. Song với những người 45 tuổi trở lên đối với nam và 40 tuổi trở lên với nữ thì độ tuổi để họ được hưởng "lương hưu" khá muộn (65 tuổi trở lên với nam, 60 tuổi trở lên với nữ). Do đó, cần có sự điều chỉnh cho đối tượng thuộc nhóm tuổi này được đóng theo hình thức truy thu, đảm bảo hưởng lương đúng tuổi.
Song song với những điều chỉnh trong chính sách bảo hiểm, cần có biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân, trong đó, phải làm cho họ thấy được lợi ích của việc tham gia vào các loại hình bảo hiểm. Chẳng hạn, theo tính toán, với mức đóng phí BHXH tự nguyện bằng 18% mức lương tối thiểu như hiện nay, sau 9 năm nhận "lương hưu" thì người đóng bảo hiểm đã nhận đủ số tiền 20 năm đóng góp. Từ năm thứ 10 trở đi được hưởng lợi hoàn toàn. Và điều đáng nói là tham gia bảo hiểm, khi không còn sức lao động, người nông dân được hưởng lương như bất cứ đối tượng nào khác trong xã hội.
Ngoài ra, để làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều địa phương đề nghị cần bố trí cán bộ chuyên trách về BHXH cho tuyến xã. Bởi hiện nay, lực lượng cán bộ bảo hiểm ở tuyến huyện còn khá mỏng, khó triển khai được hoạt động tuyên truyền. Cán bộ BHXH này sẽ trực tiếp làm nhiệm vụ tháo gỡ vướng mắc và các thủ tục cho người dân tại cơ sở.
Nhằm tạo điều kiện cho người lao động có nguồn thu nhập khi không còn khả năng làm việc, Nhà nước đã ban hành Luật BHXH, trong đó quy định, người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động, không thuộc diện áp dụng của pháp luật về BHXH bắt buộc, gồm: người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng; cán bộ không chuyên trách cấp xã; người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, kể cả xã viên không hưởng tiền lương, tiền công trong các HTX, liên hợp HTX; người lao động tự tạo việc làm; người lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó chưa tham gia BHXH bắt buộc hoặc đã nhận chế độ BHXH một lần.
Mức thu nhập làm cơ sở để tính đóng BHXH thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung. Người lao động được chọn một trong các phương thức đóng hàng tháng, hàng quý hay 6 tháng một lần.
|
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn
Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2011/6/28777.html