Thăng Bình (Quảng Nam): Triển vọng từ ứng dụng quy trình mới trên cây đậu phụng

20/06/2011

Vụ đông xuân năm nay là vụ sản xuất đầu tiên nông dân thôn Hưng Lộc- xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam triển khai thực hiện mô hình “Ứng dụng quy trình thâm canh tổng hợp nhằm hạn chế bệnh héo rũ trên cây đậu phụng". Mô hình này do Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Quảng Nam thực hiện.

 
Mô hình thực nghiệm cây đậu phụng giống TB25 tại xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam
 
Vụ đông xuân ở Thăng Bình, cây đậu phụng chiếm diện tích đứng thứ hai sau cây lúa. Toàn huyện sản xuất hơn 1800 ha, thế nhưng trong nhiều năm qua, bệnh héo rũ thường gây hại nặng làm thất thu đến năng suất. Ông Võ Văn Nghi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Nam cho biết: “Trong những vụ gần đây, đậu phụng thường bị bệnh héo rũ gây hại với tỷ lệ cây chết bình quân khoảng 30%, thậm chí nhiều nơi lên đến 50 - 60%. Bệnh héo rũ chủ yếu do nấm và vi khuẩn gây ra, nếu chỉ áp dụng một vài biện pháp đơn lẻ, chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả. Đặc biệt, nếu phun thuốc hóa học quá mức cho phép thì không chỉ giá trị mang lại thấp mà còn gây ô nhiễm môi trường sinh thái, chất lượng sản phẩm cũng không đảm bảo. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là vì hàng chục năm nay nông dân thường sử dụng giống đậu phụng sẻ Tây Nguyên. Nhưng do đã thoái hóa nghiêm trọng nên từ năm 2005 đến nay, giống đậu phụng này liên tục bị nhiễm nặng bệnh héo rũ, hay còn gọi là bệnh chết xanh”.
Để giúp nông dân khắc phục thực trạng này và phát triển cây đậu phụng đạt hiệu quả kinh tế cao, vụ đông xuân 2010-2011, được Ban quản lý Dự án Khoa học - công nghệ nông nghiệp Quảng Nam hỗ trợ kinh phí, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh triển khai mô hình thực nghiệm “Ứng dụng quy trình thâm canh tổng hợp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất bệnh héo rũ” trên diện tích 3 ha tại thôn Hưng Lộc xã Bình Định Nam. Trong đó có 2 ha thực nghiệm và 1 ha đối chứng. Toàn bộ diện tích khảo nghiệm được gieo trồng bằng giống đậu phụng chất lượng cao TB25 do Tổng Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình cung ứng và ruộng đối chứng sử dụng giống đậu phụng sẻ Tây Nguyên. Tất cả các hộ khi tham gia mô hình đều được tập huấn kỹ thuật quy trình ủ phân hữu cơ với men Trichoderma. Việc sử dụng chế phẩm này đã đẩy nhanh tốc độ ủ hoai phân chuồng từ 2 – 3 lần so với phương pháp thông thường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do mùi hôi thối của phân chuồng và tăng khả năng kháng bệnh héo rũ cho cây đậu phụng. Một quy trình mới được áp dụng trong quá trình thâm canh đó là: ngay sau khi tiến hành gieo hạt, bà con nông dân được hỗ trợ bạt ni lông để phủ căng trên mặt luống. Lúc mầm nhú khỏi mặt đất thì cắt một khoảnh ni lông nhỏ để cho cây phát triển. Tưới rãnh còn gọi tưới thấm là biện pháp duy nhất được áp dụng trong suốt quá trình sinh trưởng của cây được canh tác theo phương pháp mới này. Anh Đặng Văn Phụng ở tổ 6 thôn Hưng Lộc cho biết: “Tôi trồng một sào đậu phụng giống TB25 đã cho năng suất rất cao, gấp đôi giống đậu phụng sẻ Tây Nguyên, phấn khởi nhất là tỷ lệ cây chết do bệnh héo rũ rất thấp, nông dân chúng tôi rất vui, chưa có vụ đậu phụng mô đạt năng suất cao như vụ ni”.
Theo kỹ sư Nguyễn Tấn Dũng, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh: “Năng suất bình quân chung của mô hình trồng đậu phụng giống TB25 đạt hơn 33 tạ/ha, trong khi đó diện tích đối chứng canh tác bằng giống đậu phụng sẻ Tây Nguyên chỉ đạt 16 tạ/ha”. Thực tế cho thấy, cánh đồng đậu phụng gieo trồng trình diễn bị bệnh héo rũ gây hại rất nhẹ dưới 5% diện tích, còn những ruộng đối chứng thì có đến 25 - 40% diện tích nhiễm bệnh nặng. Với kết quả khả quan này, ông Lưu Đức Phương, Phó chủ tịch UBND xã Bình Định Nam cho biết: “Mô hình ứng dụng quy trình thâm canh tổng hợp đã hạn chế được bệnh héo rũ trên cây đậu phụng và đem lại hiệu quả thiết thực đối với bà con nông dân trong xã, trong thời gian tới, xã sẽ mở rộng diện tích trồng đậu phụng để bà con nông dân có nguồn thu nhập ổn định từ cây trồng này”.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://cpv.org.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=464640


Tin khác