Hướng ra biển làm giàu

20/06/2011

Trước đây, Hoài Hương là ngọn cờ đầu của huyện Hoài Nhơn (Bình Định) trong phát triển kinh tế, xã hội. Bước vào thời kỳ mới, Hoài Hương lại tiếp tục được chọn làm xã điểm của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Đủ lực vươn lên
Hiếm có nơi nào có được điều kiện phát triển kinh tế trên cả 2 mặt: Nông nghiệp và ngư nghiệp đồng đều, toàn diện như Hoài Hương với sản lượng lương thực hàng năm ước tính hơn 1.300 tấn, đánh bắt thuỷ, hải sản đạt hơn 13.000 tấn mỗi năm. Ở Hoài Hương, hiện hệ thống thương mại, dịch vụ đã phủ kín đến tận thôn, xóm, khu dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa ở địa phương.
Nghề làm vỉ phơi cá mực tạo thu nhập đáng kể cho người dân xã Hoài Hương (Hoài Nhơn)
 
Ông Mai Khương Dược- Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Hương cho biết: "Để có được những kết quả tăng trưởng về phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng trong thời gian qua, chúng tôi đã cụ thể hóa các chính sách về nông nghiệp, nông thôn phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, lấy lợi ích của nhân dân là trung tâm của mọi chương trình, kế hoạch hành động".
Bên cạnh đó, Hoài Hương cũng ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm y tế xã. Ông Dược cho rằng: "Với tiềm lực của Hoài Hương như hiện nay, thu ngân sách đạt 3,1 tỷ đồng, chúng tôi hoàn toàn có đủ lực để làm NTM theo tiêu chí hiện đại".
Phát triển mạnh nghề biển
Không chỉ mạnh về sản xuất nông nghiệp, Hoài Hương còn mạnh với nghề khai thác, đánh bắt thuỷ sản, hiện đội ngũ tàu, thuyền khai thác thủy sản của Hoài Hương thuộc vào loại lớn của huyện Hoài Nhơn. Toàn xã có tổng số 650 tàu đánh cá, với tổng công suất 56.873CV (mã lực), bình quân mỗi tàu cá có công suất 87CV. Trong đó, 44 tàu chuyên khai thác cá ngừ đại dương xa bờ, số còn lại làm nghề câu mực, vây rút chì…
Nhờ chủ động bám biển, theo dõi chặt chẽ ngư trường, liên kết trong đánh bắt thủy sản, ngư dân địa phương thường xuyên khai thác trúng luồng cá nên năng suất đánh bắt đạt cao.
Theo báo cáo của UBND xã Hoài Hương, tổng sản phẩm địa phương của toàn xã năm 2010 đạt 272,2 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển biến theo hướng tích cực, bền vững. Thu nhập bình quân đầu người đạt mức 15,6 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, các nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống "ăn theo" nghề đánh bắt thuỷ sản như đan lưới, làm lưỡi câu, làm vỉ phơi mực cung cấp cho các tàu đánh cá ở địa phương khá phát triển, tạo thêm hàng trăm công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Sau khi được chọn làm xã điểm xây dựng NTM, UBND xã Hoài Hương đã gấp rút triển khai thực hiện các tiêu chí về NTM. Ông Mai Khương Dược cho biết: "Hoài Hương là một trong 3 xã được tỉnh chọn làm xã điểm, nên chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi và quyết tâm thực hiện bằng được các mục tiêu của chương trình này".
Đến nay, UBND huyện Hoài Nhơn đã phê duyệt đề án xây dựng NTM của xã Hoài Hương (giai đoạn 2011-2013) với tổng kinh phí thực hiện trên 420 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là 325,6 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển sản xuất 90 tỷ đồng… Mục tiêu của Hoài Hương là đến năm 2013 sẽ trở thành một trong những xã điểm NTM đầu tiên của tỉnh Bình Định.
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://danviet.vn/47035p1c34/huong-ra-bien-lam-giau.htm


Tin khác