"Anh cả" về chăn nuôi trang trại cũng... bí!

20/06/2011

Dù có tới 50% tổng đàn chăn nuôi là trang trại tập trung (trong số tổng đàn heo 1,2 triệu con, gà 9 triệu con) - đi đầu cả nước về quy hoạch phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Thế nhưng mấy năm nay, Đồng Nai vẫn rơi vào thế bí trong việc nâng tỷ lệ trang trại, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ và tạo sự phát triển bền vững trong chăn nuôi.

DÂN “NGÁN” VÀO KHU TẬP TRUNG!
Đây là một thực tế lạ, dù tỉnh Đồng Nai rất quyết tâm khi ngay từ cuối tháng 2/2008, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về quy hoạch chăn nuôi và giết mổ tập trung và ở khắp 9 huyện như Thống Nhất, Định Quán, Long Khánh, Trảng Bom, Xuân Lộc... Theo đó, các địa phương sẽ tiến hành quy hoạch chi tiết, xây dựng cơ sở hạ tầng: đường, điện, cấp thoát nước... và có lộ trình di dời các hộ chăn nuôi vào vùng quy hoạch; định hướng về quy mô, mật độ chăn nuôi nhằm tránh ô nhiễm môi trường về lâu dài.
Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện, hầu hết các huyện đều không đạt được mục tiêu đề ra, số lượng các hộ chăn nuôi chịu di dời vào khu tập trung còn hạn chế. Vì sao lại có tình trạng này?
Ông Nguyễn Thanh Sơn – chủ 11 trang trại gà lớn có tiếng tại Đồng Nai (50.000 con) tại ấp Đức Long 1, xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất khi nói về chuyện quy hoạch đã khẳng định: “Người chăn nuôi bỗng dưng bảo họ di dời, trong khi đất đai chẳng có, người nuôi tự thương lượng giá cả mua bán với người dân với giá... trên trời thì thua. Hơn nữa, mấy ông cứ hô hào nhưng chúng tôi đến vùng đất mới xa lạ, điện đường thiếu thốn, lại chẳng hề được hỗ trợ gì thì kinh phí đâu để hình thành trang trại nuôi mới được?”.
Ông Sơn còn đưa ra ví dụ: Theo tinh thần của Chính phủ là những hộ chăn nuôi nào ở khu tập trung sẽ được ngân hàng cho vay ưu đãi 500 triệu đồng, nhưng dù ông Sơn có vài trại gà đã đáp ứng yêu cầu nhưng cuối cùng huyện cũng phớt lờ, không chịu ký giấy chứng nhận để ngân hàng cho vay. “Tôi lên ngân hàng Agribank hỏi thì họ nói chỉ cần có chứng nhận của huyện là được, nhưng khi mang giấy tờ về, chẳng ông nào ở huyện ký giấy cho tôi cả. Cuối cùng họ đùn đẩy, bảo tôi lên UBND tỉnh mà ký!”. Vậy là suốt hơn 3 năm nay, một số trại gà của ông Sơn vẫn nằm trong khu dân cư vì kinh phí di chuyển lên tới nhiều tỷ đồng không thể kham nổi.
Tình trạng này cũng đang diễn ra với gần 300 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại phường Long Bình, TP.Biên Hòa suốt từ năm 2008 đến nay. Trước đây, phường Long Bình là “thánh địa” nuôi heo của Biên Hòa với gần 500 hộ nuôi. Sau khi UBND tỉnh có quyết định di dời vào khu tập trung, UBND phường Long Bình cũng đã rất tích cực thực hiện chủ trương, nhưng đến nay chỉ có khoảng gần 200 hộ chấp hành (di dời rất ít, chủ yếu ngưng chăn nuôi). Số còn lại gần 300 hộ đang gặp rất nhiều khó khăn vì đa phần nghèo khó, lớn tuổi, không nghề nghiệp để chuyển đổi nghề. Một số ít có nhu cầu tiếp tục chăn nuôi thì “bó tay” với giá đất cao ngất ngưởng (phải tự thương lượng với chủ đất). Ngoài ra, việc quy hoạch của các huyện đều mang tính tạm thời, không ổn định, trong khi kinh phí đầu tư một trang trại rất lớn (từ vài tỷ đến cả chục tỷ đồng), nếu bị chuyển đổi hoặc không sử dụng thì chỉ có cách… phá bỏ.
Trao đổi với NNVN, ông Mai Thanh Tùng – phụ trách quy hoạch vùng chăn nuôi tại huyện Trảng Bom giải thích: “Trảng Bom đã quy hoạch 8 điểm để tập trung các trang trại chăn nuôi lại, nhưng hiện vẫn có nhiều nghịch lý như: Đất trong vùng quy hoạch đã giao quyền sở hữu cho người khác, người chăn nuôi muốn vào đây thì phải bỏ ra một số tiền rất lớn để mua đất. Oái oăm nữa là thậm chí giá cao nhưng nhiều người cũng không muốn bán, vùng quy hoạch vì thế cũng khó mở rộng đúng như mục tiêu đề ra".
DN nước ngoài sẽ chiếm lĩnh chăn nuôi?
Không chỉ bí trong việc tập trung quy hoạch vùng chăn nuôi, tỉnh Đồng Nai cũng đang khó đẩy mạnh phát triển các trang trại lớn vốn có lên tầm khu vực. Thậm chí, ngay giữa “thánh địa” trang trại heo lớn nhất nước, trong khi các DN, trang trại của VN phải thu hẹp sản xuất thì nhiều tập đoàn, Cty lớn của nước ngoài vẫn đang làm mưa làm gió vì có nguồn lực tài chính lớn. Đơn cử như tập đoàn Emivest (Malaysia), CP (Thái Lan) đang nắm giữ trong tay hàng triệu con gà, con heo và hàng nghìn hộ chăn nuôi Đồng Nai đều tham gia làm “gia công” cho họ.
Một số chủ trang trại chăn nuôi tại Đồng Nai khẳng định, sau khi đi tham quan tại một số nước mới thấy kỹ thuật chăn nuôi tổng thể của ta còn thua xa lắm. Chẳng hạn như thời gian nuôi một con heo đạt 1 tạ như tại Mỹ, Đan Mạch, Hà Lan nhanh hơn trung bình của VN cả tháng, vì thế họ có thể xoay vòng chăn nuôi rất nhanh, giảm được chi phí chăn nuôi lớn và hạ giá thành sản phẩm.
Riêng vấn đề con giống, tỷ lệ hao hụt tại VN cũng cao hơn 15 – 20% khiến giá giống rất cao, trong khi chất lượng chưa tương xứng vì lai tạp nhiều giống heo năng suất thấp, sinh trưởng chậm, mỡ nhiều, nạc ít, tiêu tốn thức ăn khiến hiệu quả kinh tế thấp.
Ông Nguyễn Trí Công, sở hữu một trong những trang trại lớn nhất ở Hố Nai (Biên Hòa, Đồng Nai) khẳng định: Chăn nuôi Đồng Nai cũng như cả nước rất khó để có thể mở rộng quy mô nếu như vấn đề quy hoạch tổng thể, chuyện dịch bệnh liên miên, lãi suất ngân hàng quá cao và giá TĂCN ở thế ngất ngưởng không sớm được giải quyết. Ông Công cũng đã từng cảnh báo, nếu những vấn đề bức xúc trên cứ kéo dài thì chẳng bao lâu nữa, DN nước ngoài sẽ chiếm lĩnh ngành chăn nuôi VN và người chăn nuôi trong nước sẽ hoàn toàn bị biến thành lực lượng làm thuê giá rẻ.
 
Một thực trạng nữa, dù là tỉnh có quy mô chăn nuôi lớn và bài bản nhất nước nhưng các trang trại và hộ chăn nuôi của Đồng Nai vẫn mạnh ai người đó làm, không có một tổ chức, hay hiệp hội đủ mạnh để liên kết thành một khối. Ông Nguyễn Văn Thịnh, chủ trang trại heo tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai dẫn chứng: “Ở những nước có nền chăn nuôi phát triển thì người chăn nuôi và người làm ra nguyên liệu chế biến TĂCN sẽ nằm chung trong một tổ chức, lớn thì có tổ chức của quốc gia, nhỏ thì có tổ chức của địa phương, của từng bang để đảm bảo TĂCN luôn chủ động dự trữ, đáp ứng nhu cầu của chăn nuôi với giá thấp nhất. Các tổ chức này cũng có mối quan hệ chặt chẽ với các tập đoàn lớn về chế biến, kinh doanh thực phẩm để đảm bảo đầu ra thông suốt, đảm bảo người chăn nuôi luôn có lãi ngay cả trong những biến động lớn của thế giới. Nói chung, so với mối liên kết và tổ chức bài bản của họ, Đồng Nai chỉ được ví như người tí hon với anh khổng lồ mà thôi!”.
Những cái khó nặng nghìn cân trên, cộng với sự thất bại hoàn toàn của ngành thú y trong việc kiểm soát dịch bệnh đã khiến ngành chăn nuôi Đồng Nai điêu đứng vì có tỷ lệ hao hụt rất lớn. Theo chủ trang trại gà Nguyễn Thanh Sơn, trước đây ông cũng nuôi lợn nhưng nay đã dẹp hoàn toàn để chăm lo cho con gà vì không chịu nổi dịch bệnh. “Nhưng ngay cả gà, vụ vừa rồi tôi cũng bị hao hụt lên đến 15% trên tổng đàn 50.000 con. Khi có chuyện, chẳng mấy khi tôi gọi đến thú y vì nói thật họ chẳng giải quyết nổi đâu, không khéo lại bán thuốc để gây họa thêm thôi!”.
Nhiều trang trại chăn nuôi khẳng định, kể từ khi dịch cúm gia cầm từ năm 2004, dịch tai xanh ở heo từ năm 2007, tiếp nữa là dịch LMLM liên tục bùng phát dữ dội năm sau “khủng khiếp” hơn năm trước đã khiến tỷ lệ hao hụt trong chăn nuôi gia tăng nhanh chóng: từ khoảng 5% thì nay đã lên đến 15 – 20%. “Trong khi giá TĂCN cao ngất ngưởng, một năm mười mấy lần tăng giá, mà tỷ lệ heo, gà chết nhiều như thế, bảo sao chăn nuôi không thu hẹp và phá sản chứ” – ông Sơn bức xúc nói.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/80017/Default.aspx


Tin khác