|
Ông Nguyễn Hữu Hoàn Phú |
Sau 2 năm thực hiện xây dựng NTM ở 6 xã điểm, TP.HCM đã rút ra những bài học gì, thưa ông?
Theo tôi, có thể rút ra được 3 bài học sau:
Thứ nhất, phải làm thành công công tác tuyên truyền. Một khi người dân đã nắm được chủ trương và nhận thấy được vai trò, trách nhiệm cũng như lợi ích của mình thì họ sẵn sàng bỏ tiền bạc đầu tư cùng với chính quyền. Vận động dân hiến đất làm đường, làm kênh thuỷ lợi mà họ chưa thông, chưa hiểu, chưa thấy được lợi ích thì không thể nào vận động được. Nhưng khi họ đã hiểu thì vài mét vuông đất chứ cả mảnh vườn trị giá bạc tỷ người ta cũng vui vẻ hiến.
Thứ hai là ở khâu tổ chức chính quyền xã. Trước nay, ở cấp xã hầu như không có những dự án đầu tư quy mô lớn, nguồn vốn lên đến vài trăm tỷ đồng. Nhưng khi xây dựng NTM, nguồn vốn rất lớn, vì lẽ đó chính quyền cấp xã phải thay đổi, học hỏi để trở thành chủ đầu tư có năng lực. Kinh nghiệm ở 6 xã điểm cho thấy, hầu hết cán bộ xã làm công tác xây dựng NTM đều trưởng thành rất nhanh, có cách làm việc chuyên nghiệp và linh hoạt, được người dân tin tưởng. Đó là một điều đáng mừng.
Một bài học nữa có thể rút ra từ các mô hình xã NTM đã xây dựng là cần phải nắm được lợi thế của địa phương. Chẳng hạn ở TP.HCM, dù diện tích đất sản xuất không nhiều nhưng lại có lợi thế là trung tâm thương mại lớn nhất nước, tập trung nhiều DN sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Khi thấy được hạn chế ít đất, ít ruộng của mình thì cần phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế cho phù hợp, chỉ khuyến khích nuôi trồng những loại cây con có hiệu quả cao. Còn lại tập trung cho việc hình thành các HTX kiểu mới do DN đứng ra tổ chức sản xuất, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Sau một thời gian thí điểm xây dựng mô hình NTM tại địa phương mình, ông thấy có những bất cập nào cần kiến nghị, điều chỉnh không?
Về cơ bản thì Bộ tiêu chí xây dựng NTM mà Chính phủ phê duyệt và Bộ NN - PTNT có thông tư hướng dẫn đã khá cụ thể và hoàn chỉnh. Thực tế các xã tiến hành xây dựng đề án NTM đều nhanh chóng đạt được các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn. Thậm chí có những xã khi chưa có đề án thì địa phương cũng đã đạt nhiều tiêu chí về cơ sở vật chất như đường thôn, lưới điện, chợ, trường học…
Tuy nhiên, theo tôi thì có một số điểm cần phải xem xét lại để linh hoạt mở rộng áp dụng cho các xã có điều kiện tự nhiên và xã hội khác nhau. Chẳng hạn việc yêu cầu mỗi xã phải có tổ hợp tác hoặc HTX làm ăn hiệu quả là hơi cứng nhắc. Hầu hết các HTX (nhất là HTX sản xuất - kinh doanh nông sản) hiện nay vướng mắc về vốn, thiếu lao động có chuyên môn, không có tài sản thế chấp nên hoạt động kém hiệu quả. Trong khi đó nếu địa phương khuyến khích được các DN tham gia vào SX, thương mại dịch vụ, tập hợp được bà con nông dân SX theo quy trình khép kín, bao tiêu sản phẩm ổn định thì hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận tốt hơn nhiều. Vì thế không nhất thiết cứ phải có HTX mới làm ăn tập thể được.
Giai đoạn 2012-2015, TP.HCM sẽ triển khai xây dựng NTM ở 24 xã vùng ven. Trong đó, 9 xã thuộc huyện Củ Chi, 5 xã thuộc huyện Hóc Môn, 4 xã thuộc huyện Bình Chánh, 2 xã thuộc huyện Nhà Bè và 2 xã thuộc huyện Cần Giờ. 28 xã còn lại của các huyện này sẽ được xây dựng đề án phát triển NTM trong giai đoạn 2017-2020.
Hay như các tiêu chí khác về nhà văn hoá, nghĩa trang cũng vậy. Nếu yêu cầu mỗi xã phải có nghĩa trang theo quy hoạch thì sau này hầu hết các xã đều phải để một diện tích đất lớn làm nghĩa trang như vậy vừa xé lẻ lại tốn kém mà không đẹp cho quy hoạch chung của địa phương. Nên chăng chỉ quy hoạch khu nghĩa trang theo từng huyện. Mỗi huyện vài khu nghĩa trang tập trung thì hợp lý hơn. Về nhà văn hoá, theo tôi những xã nào có sẵn nhà văn hoá của huyện thì tận dụng phát triển mạnh. Ở cấp xã không nhất thiết phải xây bằng được nhà văn hoá, thư viện mà nên chuyển các hạng mục này về các ấp dưới hình thức đơn giản gần gũi để người nông dân có thể tham gia học tập, tra cứu, vui chơi thường xuyên…
Ông vừa nói đến việc khuyến khích DN đầu tư làm ăn ở các xã NTM. Xin ông chia sẻ một số kinh nghiệm khuyến khích DN hướng nguồn vốn về xã để làm ăn.
Việc này cũng linh hoạt, tuỳ vào đặc điểm ở từng địa phương. TP.HCM là nơi tập trung nhiều DN, nhiều chợ đầu mối, có môi trường kinh doanh tốt, thuận tiện thì dễ hút DN hơn những nơi khác. Ban đầu phải phát xuất từ DN, họ nhìn thấy được tiềm năng kinh doanh một loại sản phẩm nào đó, có dự định đầu tư thì địa phương cần chú ý tạo mọi thuận lợi cho họ. Như tôi nói ở trên, cần thiết nhất là chính quyền xã phải có sự cải tổ theo hướng chuyên nghiệp và linh hoạt. Các thủ tục hành chính chỉ cần đơn giản, một cửa tránh tuyệt đối sự nhũng nhiễu, hạch sách. Làm một cái hồ sơ ưu tiên, hỗ trợ vốn mà phải năm lần bảy lượt đến ban này phòng kia mới làm xong thì chẳng DN nào còn hứng thú. Các điều kiện hạ tầng liên quan như lưới điện, đường giao thông, thuỷ lợi… địa phương phải có trách nhiệm sửa sang thuận tiện. Kế đến phải tính đề án của DN.
Chẳng hạn họ định đầu tư làm một Cty chuyên SX thương mại rau an toàn thì địa phương cần phải tính ngay đến các phương án hỗ trợ họ về vay vốn mua máy móc thiết bị xử lý, liên kết, đề xuất với các sở ngành để miễn hoặc giảm chi phí kiểm định mẫu đất, mẫu nước, chi phí cấp giấy chứng nhận SX nông phẩm sạch trong thời gian 1-2 năm đầu… Tạo mọi thuận lợi hỗ trợ họ như vậy mới có cơ sở để yêu cầu họ cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân theo hợp đồng.
Xin cảm ơn ông!
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/135/135/135/79933/Default.aspx