“Bốn nhà” liên kết dạy nghề

16/06/2011

Nhà trường, doanh nghiệp, nhà nông, nhà quản lý cùng chung tay dạy nghề cho lao động nông thôn. Mô hình này đang phát huy hiệu quả ở xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Trong những năm qua, xã Hồng Thái đã phối hợp với Trường Trung cấp Nghề cơ điện và chế biến thực phẩm (TCNCĐ&CBTP) mở hàng chục lớp dạy nghề dài hạn và ngắn hạn, cho hàng trăm lao động trong xã. Dựa trên nhu cầu của người dân và nhu cầu của thị trường, nhà trường và xã đã chọn dạy cho bà con 5 nghề chính là: Sửa chữa ô tô, xe máy, điện tử, hàn, may mặc.
Một lớp học sửa chữa ô tô ở Trường TCNCĐ&CBTP.
 
Đảm bảo đầu ra
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Hiệu trưởng Trường TCNCĐ&CBTP bày tỏ: "Với đội ngũ giáo viên dày kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, chúng tôi có thể khẳng định khi ra trường các học viên hoàn toàn có thể kiếm sống bằng nghề".
Theo ông Bình, để đào tạo nghề tốt cho lao động nông thôn, rất cần sự chung tay của "4 nhà". Nhà trường rất cần học viên để dạy, nhưng nếu không kết hợp được với nhà doanh nghiệp, nhà quản lý, đào tạo ra học viên phải tự bươn chải tìm việc thì họ rất nản. Nếu giải quyết được đầu ra cho dạy nghề, thì cả người ND, doanh nghiệp và nhà trường đều nhàn, rút ngắn được thời gian, chi phí mà chất lượng giảng dạy, đầu ra của học viên vẫn đảm bảo.
Để nâng cao chất lượng, Trường TCNCĐ&CBTP đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng mua thiết bị máy móc. Ngoài thực hành tại chỗ, nhà trường còn liên kết với các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn huyện để học viên thực hành và tạo thu nhập ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nên nhiều học viên rất yên tâm học.
Người dân được học các nghề như: May mặc, đan lát, chăn nuôi… Xã và nhà trường đã chọn phương pháp dạy "cầm tay chỉ việc", kết hợp với việc tuyên truyền để người dân hiểu sự cần thiết phải học nghề. Nhiều người sau khi học xong đã có việc làm ổn định, thu nhập khá cao.
Em Nguyễn Thị Ngọc - một học viên của lớp học tại chỗ, hiện đang làm ở Khu Công nghiệp Phú Xuyên tự tin: "Tay nghề vững thì "vứt" ở đâu cũng sống. Em vừa được nâng lương nên thu nhập được 2,5-3 triệu đồng/tháng. Thời gian tới rất mong Trường TCNCĐ&CBTP mở nhiều lớp, nhiều ngành nghề hơn nữa cho lao động nông thôn".
Đào tạo tại chỗ
Ông Lê Văn Làn - Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái cho biết: "Xã Hồng Thái có 1.882 hộ với hơn 8.400 nhân khẩu, trong đó 63% trong độ tuổi lao động. Vì vậy, chúng tôi rất chú tâm đến việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Muốn xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM, trước tiên phải giải quyết được việc làm cho bà con".
Trường TCNCĐ&CBTP và xã Hồng Thái còn phối hợp thực hiện chương trình đào tạo nghề, vi tính… tại chỗ cho cán bộ xã, thôn và các giáo viên trường mầm non, tiểu học, THCS Hồng Thái.
Thầy Nguyễn Hồng Vân - giáo viên môn lịch sử Trường THCS Hồng Thái tâm sự: "Chúng tôi vẫn sử dụng máy vi tính để soạn giáo án, nhưng mới biết sử dụng ở dạng sơ cấp, nên việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy còn hạn chế. Vừa qua, Trường TCNCĐ&CBTP mở lớp đào tạo tin học ngay tại chỗ, sau khóa học khả năng sử dụng máy tính, ứng dụng đồ họa… vào giảng dạy của giáo viên đã được cải thiện đáng kể".
Ông Lê Văn Làn - Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái cho rằng, việc mở lớp đào tạo nghề tại chỗ rất thiết thực và đang phát huy hiệu quả. Hiện nay, hầu hết cán bộ lãnh đạo xã, thôn đều sử dụng thành thạo máy vi tính, nên việc soạn thảo văn bản, phổ biến các chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân rất thuận tiện. Chỉ cần gửi email, rồi gọi điện báo là các trưởng thôn đã nhận được văn bản, kế hoạch để kịp thời triển khai.
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://danviet.vn/46795p1c34/bon-nhalien-ket-day-nghe.htm


Tin khác