Trung Quốc tranh mua nguyên liệu nông sản: Bài cũ học hoài chưa thuộc

16/06/2011

Trước sức cầu Trung Quốc quá lớn, nhiều loại nguyên liệu trong nước không chỉ tăng giá mà còn khan hiếm.

Làm bánh trung thu tại cơ sở bánh Thành Long.
Mùa bánh trung thu cận kề, nhiều doanh nghiệp đang chạy đua tìm nguyên liệu sản xuất. Nhu cầu từ Trung Quốc đẩy một số loại nguyên liệu chính như trứng muối tăng giá gần 40%, trứng lạt tăng hơn 30%, đậu xanh tăng 15%, nước cốt dừa tăng gấp đôi so với năm ngoái…
Dự báo sức mua giảm nhưng giá thành phải tăng
Bà Phạm Ngọc Thuý, chủ cơ sở bánh Thành Long nhiều ngày nay chạy đôn chạy đáo đến một số cơ sở chuyên cung cấp trứng muối ở quận 5 đặt hàng, nhưng đến đâu cũng nhận câu trả lời tăng giá. Một quả trứng muối, năm ngoái có 3.000 đồng, năm nay lên đến gần 5.000 đồng, trong khi sức tiêu thụ mùa bánh trung thu năm nay được dự báo sẽ không mấy khả quan do kinh tế khó khăn.
“Tôi đang rất lo lắng, nếu để đến gần vụ bánh mới mua nguyên liệu thì giá sẽ cao hơn hiện nay khoảng 30 – 50%. Còn nếu vay vốn ngân hàng lãi 24%/năm để trữ nguyên liệu thì quá rủi ro. Dùng cách nào cũng sẽ đẩy giá thành sản xuất tăng thêm ít nhất 15%, chưa kể những nguyên liệu tươi như trứng, mứt trái cây dẻo, thịt gà thịt heo… không thể trữ quá lâu được”, bà Thuý tâm sự. Bà Thuý cho biết, Thành Long vẫn chưa tìm ra giải pháp về nguyên liệu cho mùa bánh trung thu năm nay.
Một số doanh nghiệp sản xuất bánh chiếm thị phần lớn tại TP.HCM cũng tính toán, với mức tăng nguyên liệu như hiện nay, giá bánh trung thu năm nay có thể tăng 30%.
Mặt hàng thức ăn chăn nuôi, từ đầu năm đến nay tăng giá hơn mười lần, tổng cộng 25%, và sẽ còn tiếp tục tăng thêm vào các tháng tới. Việt Nam vẫn nhập 60 – 70% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nhưng ít ai biết mỗi năm chúng ta “nhượng” cho Trung Quốc 1,5 – 2 triệu tấn khoai mì lát với giá rẻ. Khoai mì lát sử dụng 20% trong thức ăn chăn nuôi và đây là mặt hàng có lợi thế duy nhất mà Việt Nam tự sản xuất được. Ba tháng trước, ông Chamnan, phó tổng giám đốc công ty C.P nói rằng, nguồn cung khoai mì lát nội địa vốn dồi dào nhưng gần đây trở nên khan hiếm. Kiểm tra nguồn cung cấp ông mới vỡ lẽ có thêm nhiều ông chủ Trung Quốc vào thu gom, đẩy giá lên 6.700 – 7.000 đồng/kg, trong khi cùng thời điểm này năm ngoái có 1.500 – 2.000 đồng. Giá cao mà vẫn khó mua, nên không chỉ C.P mà nhiều doanh nghiệp khác phải tìm đến nguồn lúa mì nhập từ Ấn Độ để thay thế.
Cần xem lại mình
Hiện nay, giá tiêu trên thị trường đang ở mức bình quân 105.000 đồng/kg, nhưng ngày 13.6 vừa qua, một thương nhân Trung Quốc đã chấp nhận mua giá 109.000 đồng/kg và gom luôn 35 tấn tiêu từ công ty nông sản Thiết Hà ở Dăk Nông. Ông Phạm Thanh Thiết, phụ trách kinh doanh công ty này, kể: “Họ, gồm một người Trung Quốc và một người phiên dịch, đến tận nơi, cầm hàng lên xem, cắn thử, nhìn màu, rồi ngã giá và trả tiền luôn”. Hình ảnh người mua hàng nói tiếng Hoa đã trở nên quen thuộc với các nhà kinh doanh nông sản. Nhiều doanh nghiệp thích bán cho những khách như trên do chọn lựa dễ dàng, chấp nhận giá cao, giao luôn tiền mặt và không đòi hỏi phải hỗ trợ dịch vụ vận chuyển hay làm các thủ tục xuất khẩu. Ông Thiết bảo: “Mình chỉ bán, còn họ mua xong tự lo cách mang hàng đi. Cứ đến nhiều điểm bán, mua được đầy xe thì họ dừng, hôm khác lại đến”. Với cách mua này, theo ông Thiết, có lợi cho nông dân vì vừa bán giá cao, vừa có tiền liền nhưng lại gây khó khăn cho doanh nghiệp nội địa.
“Chúng tôi không xuất khẩu trực tiếp nhưng nhận tiền cọc từ khách hàng để cung cấp tiêu theo hợp đồng. Giá thường chốt trước và có khi đến lúc giao hàng mới tổ chức thu mua nên sẽ gánh rủi ro khi thương nhân Trung Quốc gom hàng, tăng giá”, ông Thiết nói thêm.
Bà Nguyễn Thị Lụa, phó giám đốc công ty cung ứng hàng nông sản có trụ sở tại Ba Đình, Hà Nội cũng cho biết, mấy hôm nay đang phải tranh mua đậu xanh với thương nhân Trung Quốc vì sắp vào mùa bánh trung thu, họ sang các vùng trồng đậu ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng săn lùng ráo riết. Cụ thể theo bà Lụa, các doanh nghiệp ở Hà Nội thường quen với cách người bán mang hàng lên chào mẫu, công ty thăm dò thị trường có khách đặt, mới dám mua. Nay các thương nhân Trung Quốc đến tận các vùng trồng đậu mua gom, trả tiền ngay, nên hàng không về đến Hà Nội. Muốn có hàng, các doanh nghiệp Việt Nam đành phải cử nhân viên đi thu mua nhưng cũng không cạnh tranh lại cách trả tiền liền và tổ chức vận chuyển hàng đi ngay trong ngày của thương nhân Trung Quốc.
Ông Lê Bá Lịch, chủ tịch hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho rằng, doanh nghiệp xuất khoai mì thô được 1 đồng, thì doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc thu lợi 10 đồng vì họ biết tạo ra giá trị gia tăng nhờ chế biến cồn, thực phẩm. Chính vì vậy, theo ông, việc xuất khẩu khoai mì là cần thiết, vì mỗi năm ngoài đáp ứng nhu cầu sản xuất thức ăn, bột ngọt… thì vẫn thừa 4 – 5 triệu tấn. Tuy nhiên, thay vì xuất thô, doanh nghiệp cần được hỗ trợ đầu tư thiết bị để chế biến sản phẩm tinh. Với cách làm hiện nay, thu được vài trăm triệu đôla Mỹ xuất khẩu khoai mì thì doanh nghiệp sản xuất thức ăn lại phải bỏ ra chừng ấy để nhập lúa mì và các nguyên liệu khác thay thế.
“Giá nguyên liệu khoai mì khô tăng không ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất thức ăn, vì họ nâng giá bán, nhưng giá thành chăn nuôi sẽ tăng và người tiêu dùng là đối tượng gánh chịu cuối cùng”, ông Lịch phân tích.
AGROINFO – Theo Báo Sài Gòn Tiếp thị

Nguồn:http://sgtt.vn/Kinh-te/146263/Bai-cu-hoc-hoai-chua-thuoc.html


Tin khác