Nuôi cá tra gia công, hướng đi mới ở Đồng Tháp

21/06/2011

Để đáp ứng nhu cầu cá tra nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, năm 2011 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã có kế hoạch tăng thêm 500 ha so với năm 2010, nâng diện tích cá tra nuôi lên 2.000 ha.

Tuy nhiên, do biến động về giá thức ăn thủy sản, con giống, giá nhân công tăng cộng với khó khăn về nguồn vốn vay nên diện tích nuôi thả cá tra của tỉnh đến giữa tháng 6 chỉ mới đạt gần 370 ha. Số diện tích đã thu hoạch chưa thả nuôi lại từ 2 tháng (treo ao) gần 125 ha.
Giá cá tra sau thời gian tăng kỷ lục hơn 28.000đồng/kg, hiện nay đang có dấu hiệu giảm. Trong tình hình giá cá tra tăng giảm thất thường, không đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì hình thức nuôi cá tra gia công cho các công ty chế biến thủy sản với sự hỗ trợ về thức ăn, con giống được xem là một hướng đi mới, khá chắc chắn cho người nuôi cá tra ở Đồng Tháp hiện nay. Công ty TNHH MTV chế biến thủy sản Hoàng Long tại huyện Tam Nông đã áp dụng hình thức nuôi gia công này.
Mỗi ngày, tại 6 ha diện tích ao nuôi cá tra của ông Nguyễn Văn Mách ở ấp Tân Trong, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò đều có cán bộ kỹ thuật của công ty đến kiểm tra, xem xét tình trạng sức khỏe cá nuôi. Thức ăn cho cá định kỳ mỗi tuần đều được công ty giao đến tận ao đảm bảo điều kiện tốt nhất cho việc chăn nuôi. Ông Mách hiện là một trong số hàng chục đối tác nuôi cá tra gia công cho công ty Hoàng Long – đơn vị có nhà máy chế biến thủy sản đặt tại huyện Tam Nông. Nhờ được hỗ trợ đầu ra với giá 3.300đồng/kg cá thành phẩm, nên vụ vừa rồi, sau khi trừ chi phí nuôi, bình quân ông Mách lời hơn 1.000đồng/kg trong tổng số gần 2.000 tấn cá thu hoạch được. Tuy lợi nhuận không cao, nhưng vững chắc, ổn định hơn, đó là nhận xét của ông Nguyễn Văn Mách sau hai năm hợp tác nuôi với công ty Hoàng Long.
Nhờ được hỗ trợ 100% chi phí thức ăn, vụ nuôi vừa qua ông Lê Việt Văn ở ấp Phú Thọ B, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông không phải vay vốn từ ngân hàng, kết quả cuối vụ, ông Việt đã thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Bên cạnh việc thống nhất giá nuôi cá gia công hợp lý theo từng thời điểm, hợp đồng giữa Công ty Hoàng Long và nông dân nuôi cá còn có những quy định hỗ trợ về đạt chất lượng thịt trắng, tỷ lệ hao hụt thức ăn, hay hỗ trợ trong điều kiện có xảy ra dịch bệnh…
Theo đánh giá của Công ty, giữa vùng nuôi hàng chục ha của Công ty thì vùng nuôi gia công đem lại hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, hình thức nuôi gia công chỉ mới đáp ứng 25% yêu cầu chế biến của nhà máy nên công ty sẽ tiếp tục phát triển. Chính vì vậy mà thời gian qua, nhiều doanh nghiệp không ngừng phát triển diện tích vùng nuôi gia công.
Do sự biến động liên tục của giá cá nguyên liệu trong thời gian qua mà nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ luôn rơi vào tình trạng thấp thỏm mỗi khi đầu tư vào con cá tra. Việc đảm bảo đầu ra cùng với nguồn thu nhập ổn định của hình thức nuôi gia công cho thấy hiệu quả của sự liên kết giữa nhà nông và nhà sản xuất, tạo thành bước đi bền vững cho con cá tra Đồng Tháp trong giai đoạn hiện nay./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://cpv.org.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=464797


Tin khác