Hà Giang: Triển khai mô hình "3 giảm, 3 tăng"

21/06/2011

Sau khi thực hiện thành công mô hình "3 giảm, 3 tăng" trên giống lúa Bio 404 tại thôn Làng Vàng, huyện Vị Xuyên, UBND tỉnh Hà Giang đang tập trung chỉ đạo các địa phương trong tỉnh triển khai mô hình này trong vụ mùa 2011.

Mô hình thâm canh lúa theo hướng "3 giảm, 3 tăng" là một chủ trương lớn của ngành nông nghiệp nhằm hạn chế những chi phí bất hợp lý, nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm trên một đơn vị diện tích. Vụ mùa 2010, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang đã tiến hành thực hiện mô hình trên 1 ha tại huyện Vị Xuyên, giúp nông dân tiếp cận, ứng dụng thành công kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng" trên cây lúa, thay đổi tập quán canh tác cũ lạc hậu, nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình thâm canh. Ruộng mô hình tiến hành các khâu kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng" gồm: Giảm 20% phân đạm (còn 240kg/ha), giảm 20% lượng giống (còn 24 kg/ha) và giảm số lần phun thuốc xuống còn 3 lần (so với bình quân 5 lần của nông dân). 3 tăng là: Tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng giá trị kinh tế.
Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Giang, mô hình đã chuyển giao kỹ thuật cho bà con: Cây ít dảnh/khóm, bón phân cân đối, hợp lý với từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, giảm chi phí thuốc trừ sâu bệnh, làm giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng nông sản và ổn định hệ sinh thái trong nông nghiệp. Đặc biệt, so với mức đầu tư và năng suất thực thu (tạm tính giá thóc Bio 404 là 5.000 đồng/kg), ruộng mô hình có mức lãi 5,88 triệu đồng/ha. Nếu mỗi huyện gieo cấy 200 ha giống Bio 404 theo kỹ thuật mới, mỗi vụ nông dân sẽ có lãi trên 1,170 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Giang, mô hình "3 giảm, 3 tăng" đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Vụ mùa 2011, Sở Nông nghiệp chỉ đạo các huyện, thành phố sử dụng mô hình và đưa vào cơ cấu giống để có đánh giá làm cơ sở nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh; tăng cường tuyên truyền vận động, tập huấn cho nông dân; thực hiện tốt các khâu về kỹ thuật, giống. Ngành Nông nghiệp tập trung đầu tư, tạo bước phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp qua việc xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu, cánh đồng thâm canh, đảm bảo an ninh lương thực; tăng hệ số sử dụng đất lên 2 lần; giá trị sản phẩm/ha đất canh tác đạt từ 30 triệu đồng trở lên/năm. Phấn đấu năm 2011, sản lượng lương thực có hạt của Hà Giang đạt trên 36 vạn tấn theo đúng chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Tin khác