Phát triển kinh tế tập thể ở thành phố Cần Thơ

21/06/2011

Những năm gần đây, phong trào xây dựng mô hình kinh tế tập thể ở TP Cần Thơ khá phát triển, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, kinh tế tập thể ở TP Cần Thơ còn một số khó khăn, hạn chế cần sự hỗ trợ, góp sức của các ngành chức năng để phát triển nhanh và bền vững.

Liên kết để phát triển
TP Cần Thơ hiện có 234 HTX, trong đó các HTX nông nghiệp, thủy sản chiếm số lượng nhiều nhất với 78 HTX, còn lại là các HTX phi nông nghiệp ở các lĩnh vực xây dựng, vệ sinh môi trường, vận tải, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại... Ngoài ra, thành phố còn có hơn 3.370 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như sản xuất lúa giống, nuôi thủy sản, các câu lạc bộ khuyến nông... Ðặc biệt,  Cần Thơ hiện có ba HTX nằm trong 100 HTX mạnh của cả nước gồm: HTX Vận tải đường bộ (quận Ninh Kiều), HTX Thủy sản Thới An (Ô Môn), HTX Vận tải thủy Nhơn Hòa (Thốt Nốt).
 
Thành lập năm 1997 với vốn điều lệ 90 triệu đồng, gồm 13 xã viên, đến nay, HTX Vận tải thủy Nhơn Hòa có số vốn gần 60 tỷ đồng, với 40 xã viên. Ngành nghề hoạt động của HTX Nhơn Hòa là vận chuyển hàng hóa xuất khẩu (chủ yếu là lúa gạo) bằng đường thủy từ các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đến TP Hồ Chí Minh. HTX  phát triển được như ngày nay là nhờ có vị trí thuận tiện, gần vùng sản xuất lúa gạo lớn của TP Cần Thơ, An Giang và Ðồng Tháp, giá cước vận tải thủy chỉ bằng 50% giá vận tải đường bộ, phù hợp với vận chuyển quy mô lớn cho nên có nhiều khách hàng. HTX đã liên kết 20 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo cho nên xã viên thường xuyên có hàng hóa vận chuyển. Năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, doanh thu của HTX Vận tải thủy Nhơn Hòa đạt gần 100 tỷ đồng.
HTX thủy sản Thới An (quận Ô Môn) hoạt động trong lĩnh vực nuôi cá tra xuất khẩu. HTX liên kết với Công ty cổ phần Hùng Vương (Tiền Giang) để công ty đầu tư thức ăn, còn HTX nuôi gia công cho công ty với giá 4.500 đồng/kg. Với cách làm này, xã viên HTX rất yên tâm, do thức ăn, thị trường đều do công ty lo, xã viên chỉ tập trung nuôi cá, nếu nuôi hiệu quả lãi nhiều. Ngược lại lãi ít chứ không sợ lỗ. Nhờ vậy, trong giai đoạn giá cá tra xuống thấp trong năm 2007-2008, nhiều hộ nuôi cá tra thua lỗ dẫn tới phá sản nhưng HTX vẫn phát triển, xã viên có thu nhập ổn định. Mỗi năm, HTX Thới An đạt doanh thu hơn 300 tỷ đồng. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, HTX giống nông nghiệp Thốt Nốt (quận Thốt Nốt) hoạt động hiệu quả, cung cấp cho thị trường hơn 300 tấn lúa giống mỗi năm. HTX không những giúp xã viên tiêu thụ lúa giống làm ra dễ dàng, mà còn hỗ trợ xã viên kỹ thuật canh tác mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho nên chất lượng, hiệu quả lúa giống cao hơn.  Bên cạnh đó, TP Cần Thơ nhiều tổ hợp tác, HTX sản xuất lúa giống ở huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Ðỏ, câu lạc bộ khuyến nông trong lĩnh vực nông nghiệp, tổ bơm tưới phục vụ sản xuất lúa... hoạt động hiệu quả góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập cho xã viên và người dân. Trong lĩnh vực nông nghiệp, phần lớn các HTX hình thành và phát triển từ các tổ hợp tác. Từ đó, nhiều HTX hoạt động hiệu quả như HTX bò sữa Long Hòa, quận Bình Thủy, HTX hoa kiểng Mẫn Thanh, Bình Minh, quận Ninh Kiều... Hiện 80% số lúa giống trên địa bàn TP Cần Thơ đều do các tổ hợp tác, HTX sản xuất và cung cấp.
Theo Liên minh HTX thành phố Cần Thơ, trong giai đoạn 2006-2011, tỷ lệ HTX khá, giỏi đạt hơn 60%, 10% số HTX yếu kém, còn lại là trung bình. Riêng năm 2010, 80% số HTX làm ăn có lãi. Có được kết quả này là do các tổ hợp tác, HTX chủ động liên kết trong sản xuất, kinh doanh, xuất phát từ chính nhu cầu cần liên kết, tạo sức mạnh để cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác. Liên kết để tiết kiệm chi phí sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, dễ tiêu thụ, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên. Bên cạnh đó, Liên minh HTX Cần Thơ tích cực định hướng, hỗ trợ để các tổ hợp tác, HTX phát huy nội lực.
Ðể kinh tế tập thể phát triển nhanh, bền vững
Tuy có bước phát triển mạnh mẽ nhưng kinh tế tập thể ở TP Cần Thơ còn một vài hạn chế, yếu kém như: Quy mô sản xuất nhỏ, xã viên ít; vốn, trình độ, năng lực cán bộ của các tổ hợp tác, HTX hạn chế; tính hợp tác, liên kết giữa các hộ, xã viên chưa bền vững; cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, kinh doanh của các HTX chưa đáp ứng yêu cầu... Các tổ hợp tác, HTX sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thường đối mặt với nhiều rủi ro. Vì vậy, ngoài chính sách hỗ trợ chung, kinh tế tập thể rất cần ngân hàng hỗ trợ lãi suất (lãi suất thấp hơn lĩnh vực sản xuất phi nông nghiệp) để phát triển bền vững.
Qua tìm hiểu hoạt động ở các HTX phát triển mạnh, hoạt động hiệu quả cho thấy vai trò của ban chủ nhiệm rất quan trọng. Ông Lê Văn Hòa, Chủ nhiệm HTX Nhơn Hòa cho rằng: 'Ðể kinh tế tập thể phát triển bền vững, ngành chức năng cần nâng cao năng lực cán bộ, đội ngũ kế cận cho các HTX vì trình độ cán bộ quyết định sự thành bại của HTX. Muốn tồn tại được trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt, các HTX cần phát huy năng lực nội tại của mình, chủ động liên kết, hợp tác với nhau. Bên cạnh đó, khi hình thành các tổ hợp tác, HTX kiểu mới cần xuất phát từ nhu cầu thực tế của sự phát triển chứ không chạy theo phong trào, hình thức. Từ đó, năng lực của ban chủ nhiệm, các xã viên sẽ phát triển thích ứng với kinh tế thị trường'.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Cần Thơ Nguyễn Quốc Hải thời gian tới, Liên minh HTX thành phố tiếp tục phối hợp Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Trường đại học Cần Thơ và các ngành chức năng, đào tạo, bồi dưỡng trình độ quản lý kinh tế, quản lý HTX, bảo đảm các chức danh chủ chốt của HTX và đội ngũ kế thừa để hoạt động hiệu quả, đặc biệt chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho các HTX nông nghiệp và các HTX ở khu vực nông thôn,... coi đây là khâu đột phá. Bên cạnh đó, ngoài củng cố các HTX yếu kém, giải thể những HTX không hiệu quả, hỗ trợ việc thành lập các HTX kiểu mới, Liên minh HTX Cần Thơ đẩy mạnh tư vấn các HTX xây dựng chương trình, dự án khả thi để tiếp cận các nguồn vốn vay của các chương trình, dự án để phục vụ sự phát triển của các HTX. Liên minh HTX thành phố cũng đã hoàn thiện đề án thành lập Quỹ hỗ trợ Phát triển HTX với kinh phí 20 tỷ đồng để hỗ trợ vốn cho các HTX sản xuất, kinh doanh, trình UBND thành phố Cần Thơ phê duyệt.
Vấn đề liên kết, liên doanh giữa các HTX với nhau và các HTX với các doanh nghiệp của TP Cần Thơ cần theo một quy trình chặt chẽ để hỗ trợ nhau hoạt động hiệu quả hơn trong bối cảnh cạnh tranh cao của kinh tế thị trường. Trong sản xuất nông nghiệp, vụ hè thu 2011, Cần Thơ đang xây dựng cánh đồng mẫu có diện tích 400 ha ở huyện Vĩnh Thạnh. Ðây là hình thức liên kết theo nhóm, với tính tự giác, tự chủ cao hơn HTX. Tham gia cánh đồng mẫu, các thành viên cần tuân thủ theo quy trình sản xuất thống nhất, khép kín tạo ra vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng đồng đều, dễ tiêu thụ, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Mô hình cánh đồng mẫu có thể giúp nông dân kinh doanh các dịch vụ nông nghiệp như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, bảo quản lúa...; từ đó làm cơ sở phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
AGROINFO – Theo Báo Nhân dân

Nguồn:http://nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/kinh-t-tin-chung/phat-tri-n-kinh-t-t-p-th-thanh-ph-c-n-th-1.300897#LKK4gypcGDCR


Tin khác