Xuất khẩu thủy sản năm 2011 được dự báo khá tươi sáng cả về thị trường lẫn giá cả, song các doanh nghiệp vẫn lo đối phó với các hàng rào thuế quan và phi thuế quan từ các thị trường nhập khẩu.
Kết quả xuất khẩu đáng mừng
Trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 2,1 tỷ USD, tăng hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, trong 2 tháng 6 - 7, kim ngạch xuất khẩu thủy sản bình quân đạt mức 500 triệu USD/tháng.
Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản tại thị trường Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản tiếp tục tăng. Giá thuỷ sản xuất khẩu cũng có tăng khoảng gần 10%.
Trong số các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu, cá tra có tốc độ tăng trưởng kim ngạch mạnh nhất. Mục tiêu đặt ra cho kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay là 1 tỷ USD, nhưng nhiều khả năng có thể đạt tới 1,5 tỷ USD. Bởi chỉ trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra đã đạt khoảng 700 triệu USD. Xuất khẩu cá tra sang nhiều thị trường như Nga, Mỹ, Brazil… tăng mạnh
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt (thuộc VASEP) khẳng định, thị trường xuất khẩu cá tra rất khả quan. Nhu cầu nhập khẩu của các thị trường rất lớn, song điều DN lo ngại nhất hiện nay là không có nguyên liệu để bán.
Trước thắng lợi ở hầu hết thị trường, ngành thủy sản đặt ra mục tiêu đến năm 2015 xuất khẩu thủy sản đạt 6,7 tỷ USD, giữ vững 3 thị trường trụ cột là EU, Nhật Bản và Mỹ. Đồng thời, phát triển mạnh các thị trường khác như Đông Âu, ASEAN, Nam Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia…
Lại nảy sinh rào cản: bán phá giá, dư lượng kháng sinh
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Tri Khiêm, Trường Đại học An Giang cảnh báo, tăng trưởng nhanh, mở rộng thị trường đồng nghĩa với tăng rủi ro xuất khẩu, các hàng rào thuế quan và phi thuế quan sẽ nhiều hơn. Một minh chứng khá rõ ràng là cá tra Việt Nam đang chịu nhiều cáo buộc phi lý về an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường và còn bị các nhà bán lẻ định vị là loại cá giá rẻ.
Bên cạnh đó, cá tra còn đứng trước nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá lên tới 35% ở thị trường Brazil do các nhà sản xuất cá rô phi ở nước này cho rằng, cá tra nhập khẩu đang gây khó khăn cho sản xuất cá rô phi ở nước này. Tháng 4 vừa qua, Brazil cũng đã đưa ra nhiều thủ tục nhập khẩu mới, khắt khe hơn nhằm hạn chế lượng cá tra nhập khẩu từ Việt Nam.
Với mặt hàng tôm, hiện Việt Nam đang phát triển mạnh xuất khẩu tôm thẻ chân trắng. Trong 6 tháng đầu năm nay, lần đầu tiên, tôm thẻ chân trắng có kim ngạch xuất khẩu ngang bằng với tôm sú. Tuy nhiên, Việt Nam hiện mới chỉ kiểm soát được 30% lượng giống tôm sú nhập khẩu và đây là loại tôm dễ bị dịch bệnh.
Một vấn đề nan giải khác đang làm đau đầu các DN xuất khẩu thủy sản, đó là việc một số thị trường đang thắt chặt kiểm soát dư lượng kháng sinh trong thuỷ sản. Kể từ ngày 9/6/2011, Nhật Bản đã chính thức tăng tần suất kiểm tra dư lượng enrofloxacin lên mức 100% với các lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam.
Cuối năm 2010, các DN xuất khẩu tôm cũng kêu ca việc Nhật Bản kiểm tra hoạt chất Trifluralin ở 100% lô hàng. Các DN xuất khẩu cho rằng, dư lượng kháng sinh có trong thủy sản xuất khẩu là do khâu nuôi trồng, chứ không phải do chế biến. Vì vậy, nếu Nhà nước không có biện pháp quản lý chặt chẽ kháng sinh thì nguy cơ mất thị trường là có thật.
Dư lượng hóa chất kháng sinh còn là vấn đề lâu dài mà các DN xuất khẩu thủy sản phải đối mặt. Còn nhớ, năm 2006, hàng loạt DN xuất khẩu thủy sản cũng điêu đứng khi hàng loạt lô hàng bị trả về do nhiễm Chloramphenicol. Sau sự cố này, công tác kiểm tra Chloramphenicol được siết chặt. Tuy nhiên, hiện việc kiểm tra dư lượng chất kháng sinh lại đang bị sao nhãng, khiến nhiều DN xuất khẩu thuỷ sản thấp thỏm lo ngại.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hiện nguồn nguyên liệu mực, bạch tuộc đang thiếu trầm trọng và xuất hiện nhiều lô hàng nhiễm Chloramphenicol do cơ quan quản lý lơi lỏng kiểm tra.
Trước tình trạng này, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP cho rằng, kiểm soát dư lượng kháng sinh nằm ngoài khả năng của DN và để chấn chỉnh tình trạng này, Nhà nước cần thay đổi quy trình quản lý thuốc dùng trong thủy sản.
AGROINFO – Theo Cafef.cn