Hợp sức bảo vệ thương hiệu vải Thanh Hà

23/06/2011

Hợp sức bảo vệ thương hiệu vải Thanh Hà Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là vải Thanh Hà đến vụ thu hoạch chính. Từ lâu, vải Thanh Hà đã trở thành một thương hiệu đặc sản của tỉnh Hải Dương. Năm 2007, quả vải Thanh Hà là một trong số ít những loại hàng hóa được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý, cùng thời điểm với những loại hàng hóa đặc trưng vùng miền có tiếng như bưởi Ðoan Hùng, bưởi Năm Roi và nước mắm Phú Quốc.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà Ngô Bá Ðịnh, hiện trên địa bàn có 5.110 ha trồng vải thiều, với 4.910 ha cho thu hoạch ổn định. Năm nay, dự kiến sản lượng vải toàn huyện đạt 30 nghìn tấn. Vải thiều hiện đã được trồng phổ biến ở nhiều địa phương, nhưng vải thiều được đánh giá có chất lượng cao nhất vẫn là vải thiều Thanh Hà. Ðiều làm nên sự khác biệt về chất lượng quả vải là do yếu tố đất đai như phù sa sông Thái Bình, chế độ nhật triều trong việc cung cấp các yếu tố vi lượng cho cây, và cả kinh nghiệm canh tác của người dân trong việc giữ được đặc tính của giống vải gốc...
Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà Vũ Ðình Bát kể lại câu chuyện của năm trước, được sự giúp đỡ của Trung tâm nghiên cứu phát triển hệ thống nông nghiệp và Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Ðức (GTZ), ông đã tham gia giới thiệu sản phẩm quê hương mình tại Hội chợ Hàng nông sản Côn Minh, Vân Nam, (Trung Quốc). Thật bất ngờ, sau khi nếm thử, khách hàng Trung Quốc đã mua hết ngay 120 kg vải thiều Thanh Hà, với giá 10 Nhân dân tệ/kg (tương đương khoảng 30 nghìn đồng/kg), trong khi vải của Trung Quốc bày bán chỉ có giá 5-6 nhân dân tệ/kg. Khách hàng Trung Quốc công nhận vải thiều Thanh Hà ngọt hơn, gai lì, cuống nhỏ hơn so với vải cùng loại. Nhiều đối tác Trung Quốc đánh giá cao chất lượng vải Thanh Hà. Ðể chỉ dẫn địa lý Thanh Hà thật sự đem lại giá trị tài sản cho quả vải Thanh Hà còn rất nhiều khó khăn, cái khó đầu tiên phải kể đến đó là ý thức của người dân. Hiện tại, Hiệp hội Sản xuất và Tiêu thụ vải thiều Thanh Hà đã thành lập với 350 hội viên, nhưng nhiều hội viên không gắn nhãn hiệu lô-gô chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm của mình. Cái khó nữa phải kể đến đó là việc tạo lập ngành hàng tiêu thụ vải thiều Thanh Hà không ổn định, với thời vụ thu hoạch rất ngắn lại đúng vào mùa thu hoạch của rất nhiều loại trái cây, cho nên việc tiêu thụ đã khó lại càng khó thêm. Hơn nữa, tình trạng người dân thu hoạch sớm chạy theo giá rất phổ biến dẫn đến việc quả vải chưa chín kỹ, ảnh hưởng chất lượng của quả vải.
Qua tìm hiểu được biết, để khắc phục những hạn chế này, huyện sẽ thực hiện một số biện pháp, đầu tiên là giữ vững diện tích vải thiều hiện có, tiếp theo là nâng cao chất lượng quả vải. Tại Thanh Hà hiện nay, trước khi bước vào mùa vải thiều chính vụ khoảng một tháng là mùa vải sớm. Loại vải sớm này tuy sản lượng không cao, nhưng rất được giá. Với mức giá trung bình thời điểm đầu vụ có thể lên tới 30 nghìn đồng/kg, nếu đầu tư thêm vào cây vải sớm như thế này, sẽ đạt được giá trị rất cao. Việc chọn nhiều giống vải mới, giãn cách và kéo dài khoảng thời gian thu hoạch, vừa nâng cao giá trị của quả vải, lại tránh được tình trạng bị ép giá khi vải chín rộ. Ngoài ra, công tác tuyên truyền về bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho quả vải cũng phải đẩy mạnh, vì thực tế người dân vùng vải còn rất thiếu kiến thức về chỉ dẫn địa lý.
Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Tiêu thụ vải cho biết: Trong năm nay, dưới sự giúp đỡ của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương), 200 thành viên trong hiệp hội đang thực hiện dự án quy trình canh tác, quản lý chỉ dẫn địa lý vải thiều Thanh Hà. Quy trình này đòi hỏi các hội viên trong hiệp hội phải thực hiện nghiêm ngặt từng khâu trong quy trình canh tác. Việc thực hiện này đều được các thành viên trong Hiệp hội giám sát. Theo đó, ở mỗi xã đều có một chi hội, mỗi chi hội gồm khoảng hơn mười thành viên chia nhau ra và thực hiện kiểm soát chéo. Thời điểm hiện tại, các thành viên trong Hiệp hội đã thực hiện quy trình chăm sóc quả đợt hai. Các quy trình được các thành viên kiểm tra nghiêm ngặt ở từng khâu, phấn đấu tạo ra sản phẩm có chất lượng và tuân thủ chặt chẽ quy định theo chỉ dẫn địa lý.
Năm nay, toàn bộ sản lượng vải của 200 thành viên trong Hiệp hội Sản xuất và Tiêu thụ vải thiều Thanh Hà đều được dán nhãn mác bảo hộ chỉ dẫn riêng. Thực tế tại nhiều nước trên thế giới, cùng một địa phương, cùng một sản phẩm, nhưng sản phẩm được công nhận sản xuất theo đúng quy trình chỉ dẫn địa lý sẽ có giá trị hơn rất nhiều. Quả vải Thanh Hà cũng đang hướng tới quy trình và giá trị đó. Nếu được, đây cũng là một cách để thương mại hóa chỉ dẫn địa lý.
Theo Báo Nhân dân

Nguồn:http://nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/kinh-t-tin-chung/h-p-s-c-b-o-v-th-ng-hi-u-v-i-thanh-ha-1.301236#kwsR6NGdifnb


Tin khác