Kết quả đáng sợ này vừa được Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinastas) công bố sau khi kiểm tra hàng loạt mẫu TĂCN bày bán trên thị trường TPHCM và Đồng Nai. Đáng lưu ý, tỷ lệ mẫu vi phạm đã tăng gấp hơn 3 lần so với thời điểm 5 năm trước.
|
Heo nuôi bằng chất cấm tồn dư bao nhiêu trong thịt cần phải được kiểm nghiệm để cảnh báo người tiêu dùng. |
KIỂM TRA LÀ RA… CHẤT ĐỘC!
Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Nam Vinh – Trưởng đại diện Văn phòng Vinastas phía Nam cho biết, trước những thông tin gần đây “tố” nhiều DN sản xuất TĂCN trộn các chất độc hại thuộc nhóm Beta-agonist, Trung tâm Nghiên cứu & Tư vấn tiêu dùng (Cescon) thuộc Vinastas đã tiến hành mua 20 mẫu TĂCN bày bán tại thị trường TPHCM, Đồng Nai và gửi kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật 3. Kết quả cho thấy, trong tổng số 12 mẫu TĂCN cho heo thì có 2 mẫu (chiếm 17%) có chất độc hại bị cấm triệt để là Salbutamol.
“Trong chăn nuôi, người ta dùng chất này để tăng trọng, tăng tỷ lệ thịt nạc, nhưng nếu quá liều rất dễ gây quái thai. Thịt của chúng khi người tiêu dùng ăn vào cơ thể sẽ gây nhiều chứng bệnh và tác hại nghiêm trọng như gây kích động, co giật, rối loạn nhịp tim, giảm kali trong máu, nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, làm tăng hoặc hạ huyết áp, gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy” – ông Vinh nói.
Theo ông Đỗ Ngọc Chính – Phó Giám đốc Cescon, đáng ngại là vào khoảng tháng 8/2006, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) lấy 295 mẫu của 114 đơn vị sản xuất thức ăn gia súc trên 25 tỉnh thành trong cả nước để kiểm tra và phát hiện 6 công ty có sản phẩm TĂCN cho heo có chất cấm Clenbuterol (chiếm 5%). Nhưng sau 5 năm, tình hình chất cấm bị các DN lạm dụng trộn lẫn vào TĂCN để thu lời bất chính không thuyên giảm mà còn tăng lên tới 17%.
Ông Chính cũng cho rằng, do điều kiện về kinh phí và thời gian hạn chế nên Cesco mới chỉ tiến hành kiểm tra thử nghiệm 20 mẫu. Ngoài ra, quy mô và phạm vi kỹ thuật khảo sát cũng rất giới hạn nên kết quả mới chỉ cho thấy một phần về mặt trái bức tranh sản xuất và kinh doanh TĂCN tại TPHCM và Đồng Nai. Chính vì thế, Cescon đề nghị cơ quan chức năng cần sớm có những chương trình khảo sát với quy mô, phạm vi kỹ thuật rộng lớn và đầy đủ hơn để có được thông tin hoàn chỉnh, làm cơ sở cho việc đề xuất, kiến nghị và đưa ra các giải pháp một cách toàn diện trong việc quản lý mặt hàng TĂCN hiện nay.
GIƠ CAO ĐÁNH KHẼ (?!)
Nhiều chuyên gia trong ngành chăn nuôi cho rằng, chính việc quản lý lỏng lẻo cộng với chế tài vừa thiếu, vừa yếu theo kiểu “giơ cao đánh khẽ” đã khiến tình trạng sử dụng chất cấm trộn lẫn trong TĂCN gia tăng mạnh trong thời gian qua. “Nếu có bị phát hiện, cùng lắm DN chỉ bị phạt vài chục triệu đồng, nặng thì bị đình chỉ kinh doanh là hết, chưa thấy ai bị khởi tố hình sự cả. Vậy là “lờn thuốc”, ngay sau đó họ lại “thay tên đổi họ” dưới mác một DN khác và tiếp tục làm bậy, bất chấp sức khỏe của hàng triệu người tiêu dùng khi ăn phải thịt gia súc, gia cầm có chứa chất độc hại này” – một chuyên gia ngành chăn nuôi bức xúc nói.
Theo nguồn tin riêng của NNVN, các loại hóa chất cấm này được các đầu nậu nhập về từ Trung Quốc, sau đó lén lút vận chuyển vào phía Nam để cung ứng cho các “đại lý” cấp 1. Do là mặt hàng cấm, các đại lý này sẽ chia nhỏ hàng và chỉ bán cho các “đại lý ruột” cấp 2 đóng tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương… để phối trộn thành các loại phụ gia mang nhiều tên gọi khác nhau và cung ứng lén lút ra thị trường, người lạ rất khó tiếp cận.
Do kinh doanh mặt hàng này là siêu lợi nhuận (giá cung ứng sỉ chỉ từ vài trăm nghìn đồng/kg, nhưng bán ra luôn lãi gấp 4 – 5 lần giá gốc); đồng thời tạo hiệu quả tức thì cho đàn heo nên giúp TĂCN bán chạy như tôm tươi, càng khiến nhiều đối tượng bất chấp đạo đức kinh doanh, tìm mọi cách kiếm lợi nhuận cao nhất ngay trên sức khỏe của người tiêu dùng.
|
Thực tế “giơ cao đánh khẽ” được minh chứng rõ nhất qua việc xử lý sai phạm của Cty TNHH Đ.Q (trụ sở đóng tại Biên Hòa, Đồng Nai) trong năm 2010 vừa qua. Cụ thể, nhiều hộ nuôi heo tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai sau khi quá lạm dụng dùng “thần dược” bổ sung cho heo có tên là “Tăng tốc, bung đùi, nở mông, nở vai” của Cty này, đã thấy nhiều biểu hiện lạ: heo “bung” đùi nhanh, vai nở, mông nở bất thường, nhiều con đi đứng loạng choạng, thậm chí có con nằm bẹp một chỗ và khi ngủ ngáy lớn một cách lạ lùng.
Nghi ngờ có hooc môn tăng trưởng, một số hộ nuôi heo đã đem sản phẩm của Công ty Đ.Q lên TPHCM kiểm nghiệm thì phát hiện “thần dược” này chứa đầy chất cấm Salbutamol. Tuy nhiên, thay vì có hình thức xử lý đích đáng như khởi tố hình sự nhằm răn đe các DN khác, cuối cùng Cty Đ.Q chỉ bị đình chỉ sản xuất và phạt hành chính 19,5 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Nam Vinh, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2010/NĐ-CP về quản lý TĂCN, trong đó quy định rõ trách nhiệm của người sản xuất và kinh doanh TĂCN, sau đó Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư số 54/2010/TT-BNNPTNT quy định việc kiểm tra, giám sát các chất thuộc nhóm Beta-Agonist trong chăn nuôi; thế nhưng việc thực thi nghị định và thông tư trên còn rất hạn chế.
“Thực tế, người chăn nuôi vẫn vô tư mua các loại TĂCN có chứa chất kích thích, tăng trọng vì hai nguyên nhân: Một là DN sản xuất, cung ứng mặt hàng này vẫn tồn tại; hai là heo nuôi bằng chất cấm chúng lớn rất nhanh, thịt đỏ, nạc nhiều, lợi nhuận lớn. Nếu cơ quan chức năng tăng cường giám sát và xử lý hiệu quả đầu ra, tức xử lý triệt để các DN cung ứng thì người chăn nuôi muốn mua cũng không thể tiếp cận được".
Ông Nguyễn Nam Vinh: Cần kiểm tra ngay các trang trại chăn nuôi lớn!
Theo ông Vinh, các trang trại chăn nuôi lớn thường không mua trực tiếp TĂCN và các chất phụ gia phối trộn tại các đại lý nhỏ, mà thường có các mối lớn để mua bán trực tiếp. Vì thế, việc Cescon phát hiện 17% TĂCN có chất cấm Salbutamol chỉ có ý nghĩa với hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân, khách hàng trực tiếp của các sản phẩm này.
“Vì thế, trong thời gian sớm nhất, cơ quan chức năng phải có câu trả lời: Liệu các trang trại chăn nuôi lớn có tự phối trộn các chất cấm này vào TĂCN để kiếm lới bất chính hay không? Ngoài ra, người tiêu dùng VN hoàn toàn có quyền được biết: Từ TĂCN chứa chất độc hại khi đi vào thịt heo thì tỷ lệ chất độc còn tồn dư trong thịt là bao nhiêu, tác hại cụ thể thế nào đều phải sớm được cảnh báo!”.
|
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/1/1/80180/Default.aspx