Phú Yên: Nông dân thích nuôi trâu bán thịt

23/06/2011

Tổng đàn trâu của hai huyện Phú Hòa, Đông Hòa lên đến hàng nghìn con với hộ nuôi thấp nhất từ 10 – 15 con và hộ nuôi cao nhất lên gần 200 con.

 
Mặc dù chỉ mới phát triển hơn 10 năm trở lại đây, nhưng nghề nuôi trâu đàn đã góp phần cải thiện đời sống vật chất của người nông dân các huyện Phú Hòa, Đông Hòa (Phú Yên), địa phương vốn có thế mạnh nuôi bò hơn là nuôi trâu.
Trong lúc nghề chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như giá thức ăn tăng mạnh, dịch bệnh diễn biến phức tạp trong khi nguồn đầu ra không ổn định, giá cả lên xuống thất thường thì nghề nuôi trâu đàn đã và đang được nhiều nông dân hai huyện Phú Hòa và Đông Hòa (Phú Yên) lựa chọn bởi nghề này ổn định và cho thu nhập cao.
Tổng đàn trâu của hai huyện này lên đến hàng nghìn con với hộ nuôi thấp nhất từ 10 – 15 con và hộ nuôi cao nhất lên gần 200 con, trong khi nuôi trâu không phải là thế mạnh của người nông dân Phú Yên, vốn quen nuôi bò nhiều hơn.
Những ngày qua, trên địa bàn huyện Phú Hòa và Đông Hòa xuất hiện hàng chục thương lái đến từng hộ mua trâu để xuất bán đi Tây Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn… Điều này góp phần đẩy giá trâu lên cao nhất trong những năm trở lại đây: một con trâu nghé từ 3 - 5 tháng tuổi có giá từ 5,5 - 7 triệu đồng, trâu thịt nuôi hơn một năm tuổi có giá từ 22 - 30 triệu đồng.
Ông Trần Văn Cẩn, ở xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) cho biết: “ Đàn trâu nhà tôi có khoảng 40 con. Bán hơn phân nửa đàn cho thương lái, tôi thu được hơn 350 triệu đồng”. Trước đây trên địa bàn xã Hòa Quang Nam chỉ có một vài gia đình nuôi trâu với số lượng từ 2 - 3 con, chủ yếu để lấy sức kéo. Từ khi thịt trâu bán được giá cao trên thị trường, cho giá trị kinh tế cao, nhiều hộ nông dân đã làm theo và phát triển quy mô chăn thả. Nhờ nuôi trâu nên hàng chục hộ nông dân trong xã đã thoát nghèo, sắm sửa các vật dụng hiện đại và xây nhà lầu khang trang, sạch đẹp.
Theo người chăn nuôi, so với bò, gà, vịt,… nuôi trâu dễ hơn vì loài vật này có sức khỏe tốt, chống chọi được những sự thay đổi về thời tiết và gần như “miễn nhiễm” với nhiều loại dịch bệnh. Người nuôi trâu đàn chỉ tốn công sức và thời gian khi phải thường xuyên đưa trâu đến các vùng miền núi, nơi có dồi dào cỏ và nước để chăn thả. Do nuôi trâu cho thu nhập cao nên hiện có hàng trăm hộ dân chuyển từ trồng trọt sang nuôi trâu sinh sản và vỗ béo.
Theo TBKTSG
 

Tin khác