Mấy ngày qua, dọc Quốc lộ 31 qua thị trấn Chũ của huyện Lục Ngạn đã tấp nập ô tô, xe máy đến thu mua, vận chuyển vải tới mọi miền đất nước và các cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn...
|
Đầu mùa, vải được giá, nhưng đến lúc thu hoạch rộ thì tình trạng rớt giá có thể xảy ra. |
Sản lượng tăng gấp đôi năm 2010
Vụ thu hoạch vải năm nay sẽ chậm hơn khoảng 4 tuần do rét đậm, rét hại đầu năm. Tính đến thời điểm này, theo Sở NNPTNT Bắc Giang, vụ vải được mùa lớn với sản lượng ước tính ban đầu gần gấp đôi so với năm 2010. Toàn tỉnh ước thu khoảng 200.000 tấn vải tươi, riêng huyện Lục Ngạn đạt gần 90.000 tấn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để chuẩn bị cho mùa thu hoạch vải năm nay, một số tuyến đường giao thông, đặc biệt là tuyến Quốc lộ 31 chạy qua Lục Ngạn - đã được địa phương đầu tư, nâng cấp. Tuy nhiên, theo phản ánh của các thương lái, thời kỳ cao điểm thu hoạch vải, với việc tranh mua tranh bán như vậy, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường ngày. Dù chính quyền các cấp đã chấn chỉnh nhưng mọi việc dường như vẫn đâu vào đấy, tái diễn năm này qua năm khác.
Theo phản ánh của người trồng vải, tình trạng tranh mua vải ngon, giá rẻ dường như năm nào cũng xảy ra ở "thủ phủ" trồng vải miền Bắc này. Chị Nguyễn Thị Lan - người bán vải tại thị trấn Chũ kể: "Có hôm chỉ 2-3 xe tải chở vải, thậm chí chỉ có một người chở 2 sọt vải về các điểm giao dịch mà họ cũng tranh giành nhau mua, thậm chí còn đánh nhau sứt đầu, mẻ trán".
Có một nỗi lo khác với người trồng vải và buôn bán vải nhỏ lẻ ở Bắc Giang, theo ông Trần Văn Ơn (xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn), là dù sản lượng vải tăng cao nhưng nếu không có sự can thiệp của chính quyền thì dễ xảy ra tình trạng thương lái ép giá...
Còn chị Đinh Thị Mừng, nông dân xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) lo lắng: “Năm nào cũng vậy, được mùa, mất giá vẫn là nỗi ám ảnh lớn của chúng tôi. Dù chính quyền đã có nhiều biện pháp hỗ trợ nhưng khi rộ mùa thu hoạch, chúng tôi vẫn bị động".
Trung Quốc kiểm soát chặt vải thiều nhập từ Việt Nam
Theo quy định mới ban hành của chính quyền Trung Quốc, vụ vải năm nay, phía Trung Quốc siết chặt các biện pháp kiểm dịch, kiểm nghiệm đối với vải thiều Bắc Giang (Việt Nam) xuất khẩu vào nước này. Cụ thể, chủ hàng phải cung cấp thông tin tình hình trồng trọt, nơi sản xuất và phương thức vận chuyển hàng hoá. Vải thiều phải có bao gói, ghi rõ tên sản phẩm, địa chỉ, số lượng, trọng lượng, số hồ sơvườn trồng (ký hiệu), số đăng ký vệ sinh xưởng, cơ sở bao gói, tiêu chí kiểm dịch chính thức...
|
Nỗ lực tìm đầu ra cho vải
Trước mùa thu hoạch vải năm nay, UBND tỉnh Bắc Giang đã làm việc với hải quan các cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai), Tân Thanh (Lạng Sơn) và Thanh Thủy (Hà Giang) về việc tạo điều kiện để xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc theo đường chính ngạch nhằm đảm bảo lợi nhuận của người trồng vải.
Sở Công Thương Bắc Giang được UBND tỉnh giao làm đầu mối giải quyết đầu ra cho quả vải. Việc tổ chức đầu mối thu gom vải ở cửa khẩu sẽ giúp việc thông quan tốt hơn và hạn chế tình trạng tranh bán tranh mua của thương lái.
Ông Nguyễn Khanh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Bắc Giang) cho biết: "Trung Quốc là thị trường xuất khẩu vải truyền thống. Ước tính, vụ vải năm nay sẽ có gần 60% lượng vải Bắc Giang được xuất khẩu.
Việc xuất khẩu theo đường chính ngạch sẽ tạo được niềm tin cho người nông dân và đem lại thu nhập cao hơn. Bên cạnh một số thị trường nước ngoài mới như Lào, Campuchia, chúng tôi đã xúc tiến đến thị trường các tỉnh, thành phía Nam, nhất là TP.HCM, các chợ đầu mối và siêu thị".
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Tuyến - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: "Những năm được mùa, thị trường tiêu thụ thường gặp khó nhất là sức ép về giá. Năm nay, chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp khơi thông thị trường vừa đảm bảo tiêu thụ vải vừa đảm bảo giá bán, thu lợi nhuận tối đa cho nông dân.
Thời gian thu hoạch vải thiều chỉ khoảng 1,5 tháng, để giảm sức ép trong khâu tiêu thụ, giảm ép cấp, ép giá, chúng tôi khuyến cáo nông dân chuẩn bị phương tiện cần thiết để sấy khô một phần sản lượng khi sức mua giảm".
Theo Dân Việt
Nguồn: http://danviet.vn/47480p1c25/vai-duoc-mua-lai-lo-rot-gia.htm