Phát triển kinh tế nông thôn miền núi Thanh Hóa theo hướng sản xuất hàng hóa

28/06/2011

Là tỉnh có 11 huyện miền núi với dân số gần 1 triệu người, Thanh Hóa xác định từ nay đến năm 2015 đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn miền núi theo hướng sản xuất hàng hóa, nhất là trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản.

Các địa phương tập trung ổn định diện tích cây lương thực ở các vùng có điều kiện; áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất, đảm bảo lương thực cho nhu cầu tiêu dùng tại chỗ và dành một phần để phát triển chăn nuôi. Tỉnh phấn đấu đến năm 2015, sản lượng lương thực toàn vùng đạt 426 ngàn tấn; mở rộng diện tích các vùng nguyên liệu mía, cao su, luồng, giảm dần diện tích sắn. Các địa phương tập trung đầu tư thâm canh, tăng năng suất, đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến; phấn đấu đến năm 2015, diện tích mía toàn vùng đạt khoảng 25.00ha, tập trung ở các huyện Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành... Diện tích cây cao su đạt 24.000ha, hình thành vùng cao su tập trung, cung cấp nguyên liệu cho 2 nhà máy chế biến mủ cao su Cẩm Thủy và Như Xuân. Phát triển ổn định và đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, tăng năng suất cây luồng để đạt diện tích 74.000 ha, trong đó diện tích vùng luồng tập trung đạt 67.000 ha tại các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Ngọc Lặc... 

11 huyện miền núi sẽ phát triển mạnh chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, an toàn dịch bệnh, đảm bảo môi trường và gắn với chế biến, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc và một số con đặc sản như dê, hươu, nhím, thỏ... Các huyện phấn đấu đến năm 2015 đàn trâu khoảng 220 ngàn con, đàn bò khoảng 150 ngàn con, trong đó có 45% bò lai, đàn lợn 500 ngàn con, gia cầm khoảng 8,5 triệu con, sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 80.000 tấn. Bên cạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, các địa phương phát triển nuôi trồng thủy sản trên ao, hồ theo hình thức thả trực tiếp và nuôi thả lồng, bè. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 5.000ha, sản lượng thủy sản đạt khoảng 12.500 tấn.
Lĩnh vực lâm nghiệp được phát triển toàn diện cả bảo vệ, khoanh nuôi, trồng mới rừng và khai thác hợp lý tài nguyên rừng; trong đó khoanh nuôi tái sinh 20-30 ngàn ha, mỗi năm trồng mới từ 13-14 ngàn ha. Tỉnh đẩy mạnh thực hiện các biện pháp thâm canh rừng, xây dựng vườn rừng theo mô hình sản xuất nông-lâm kết hợp có hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập cho người dân sống bằng nghề rừng.
11 huyện miền núi Thanh Hóa phấn đấu từ nay đến năm 2015 nâng giá trị sản xuất bình quân trong lĩnh vực nông -lâm -thủy sản đạt khoảng 6-7% năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo 5%/năm./.
Theo TTXVN

Tin khác