Lối ra nào cho chăn nuôi tập trung?

27/06/2011

Tại ĐBSCL, cách đây nhiều năm, nhiều địa phương cũng đã cố gắng xây dựng, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi công nghiệp, trang trại. Tuy nhiên đến nay chưa một tỉnh nào thành công. PV NNVN đã ghi lại một số ý kiến của các chuyên gia nông nghiệp và chủ trang trại

Ông Phạm Văn Quỳnh, GĐ Sở NN-PTNT TP Cần Thơ: Không quy hoạch tốt thì đừng nói chuyện phát triển chăn nuôi
TP Cần Thơ cách đây cả chục năm từng là một trong những nơi có DN phát triển chăn nuôi công nghiệp với đàn gia cầm hàng chục ngàn con. Trại heo hàng ngàn con tại các nông trường, nhập về hàng trăm con bò sữa giống ngoại. Tuy vậy, các "điểm sáng" này ngày càng tàn lụi.
Nguyên nhân rất lớn là do trong những năm qua, Cần Thơ do tốc độ phát triển đô thị nhanh, để không gây ô nhiễm môi trường tới các khu vực dân cư, nhiều trại chăn nuôi công nghiệp khu vực nội thành phải dịch chuyển ra vùng ngoại ô. Sự chuyển đổi này khiến một số trại chăn nuôi gặp khó khăn, do nguồn vốn đầu tư hạn chế. Trong 10 năm qua, việc phát triển chăn nuôi trang trại không nhiều, chỉ khoảng 10 trang trại. Nhưng chăn nuôi heo ở gia đình qui mô có tăng lên 10-20 con/hộ, có áp dụng theo qui trình chăn nuôi sạch, dùng thức ăn công nghiệp, tiêm phòng và xử lý chất thải. 
Trong những năm tới định hướng phát triển nông nghiệp thành phố là tập trung phát triển sản xuất hai sản phẩm chính là lúa, cá tra và hình thành trung tâm sản xuất giống chất lượng cao, tạo thị trường giống cung cấp cho người chăn nuôi các tỉnh.
Về chăn nuôi ở ĐBSCL, thực tế cho thấy, để phát triển chăn nuôi tập trung là không đơn giản bởi đây là vùng sông nước, dân cư rải rác theo sông, rạch. Chăn nuôi công nghiệp chậm phát triển là do gặp nhiều giới hạn không có được điều kiện đất đai, đồng cỏ rộng lớn như các vùng miền Đông, Tây Nguyên, Tây Bắc.  Quy mô càng lớn thì suất đầu tư càng giảm. Trong khi đó, ĐBSCL khó mở rộng qui mô (chỉ trên dưới 1.000 đầu vật nuôi/trang trại), thấp hơn cả chục lần so với trang trại ở miền Đông nên suất đầu tư cao. Đó là mặt hạn chế mà nhà đầu tư rất cân nhắc khi về vùng này.
Đơn cử như nuôi con bò sữa, trước đây Cần Thơ có đưa về đàn bò sữa mấy trăm con nuôi thí điểm tại trang trại ở Nông trường Sông Hậu. Các bước kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh thú y, trồng cỏ làm thức ăn và đàn bò cho sữa khá tốt. Lúc đó duy trì được đàn bò nhờ bán sữa có phần bù lỗ từ tiền của chương trình cung cấp sữa tươi học đường. Tuy kỹ thuật nuôi an toàn sinh học làm được, nhưng nuôi bò sữa ở ĐBSCL muốn nâng qui mô lớn lại gặp trở ngại. Việc trồng cỏ rải rác nên duy trì nguồn thức ăn không thuận lợi, bò phát sinh bệnh khiến chi phí phòng trị cao, giá thành sản phẩm vì thế tăng cao, khó hiệu quả.
Theo tôi, muốn phát triển chăn nuôi lớn trước tiên phải có quy hoạch rõ ràng. Vùng nào nuôi con gì, vùng nào nuôi được, vùng nào không. Không có quy hoạch tốt thì đừng nói chuyện phát triển chăn nuôi tập trung. Qui hoạch ổn định mới tạo điều kiện cho các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư lâu dài, mạnh dạn mua sắm trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu chăn nuôi công nghiệp, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ.
Ông Trần Quang Củi, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang: Tăng cường các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học
Hiện nay, chăn nuôi ở ĐBSCL chủ yếu nhỏ lẻ theo nông hộ. Tại Kiên Giang, có hơn 90% số lượng đàn gia súc, gia cầm được nuôi theo hình thức này. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện chỉ có 70 trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Trong đó, có 50 trang trại nuôi heo, chiếm 2,5% số lượng tổng đàn, 18 trang trại nuôi gà, vịt chiếm 0,75% số lượng tổng đàn, 2 trang trại bò chiếm 1,75% tổng đàn. Điều đó cho thấy, chăn nuôi quy mô tập trung hiện nay còn rất thấp.
Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán đang gây khó khăn rất nhiều cho công tác quản lý, tiêm phòng dịch bệnh, tiêu độc khử trùng và bảo vệ môi trường. Trong cơ cấu nông nghiệp hiện nay của tỉnh, ngành chăn nuôi cũng chiếm tỷ trọng rất thấp, chưa đến 10%. Vì vậy, Kiên Giang đang nỗ lực nâng dần tỷ trọng chăn nuôi lên, theo định hướng đến năm 2015 sẽ đạt 16% và 2020 là 25,6%. Từng bước chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang hình thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, tăng cường xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Chủ trang trại Nguyễn Thanh Bình (xã Núi Voi, Tịnh Biên, An Giang): Cần có Nhà nước
Hiện trang trại của tôi nuôi trên 3.000 con vịt đẻ theo mô hình an toàn sinh học với diện tích 2 ha. Để phát triển trang trại trước tiên phải có vốn, diện tích lớn và kiến thức, cộng thêm kinh nghiệm trong nghề. Nhưng để phát triển bền vững chưa có hộ nào dám tuyên bố nuôi đạt 100%.
Nuôi gia cầm phụ thuộc rất nhiều vào thị trường và dịch bệnh nên rủi ro rất cao, nếu gặp sự cố thì vài tỷ đồng bay mất chỉ trong một đêm. Để nghề chăn nuôi gia cầm phát triển theo quy mô trang trại phải có sự hỗ trợ của nhà nước về vốn, đất đai và phải có vacxin tiêm phòng.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/80334/Default.aspx


Tin khác