Nhìn lại chặng đường thực hiện dự án 5 triệu hecta rừng

27/06/2011

Qua 13 năm thực hiện dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng theo 2 giai đoạn 1998 - 2005 và 2006 - 2010, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trồng mới được 4,6 triệu hecta rừng. Tuy chỉ đạt 93,5% kế hoạch, nhưng dưới cái nhìn toàn diện, dự án đã giúp nhiều cánh rừng hồi sinh, hàng triệu hộ gia đình có việc làm, thu nhập ổn định.

Với mục đích "đẩy mạnh tốc độ trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ vốn rừng hiện có và rừng trồng mới, phát huy có hiệu quả chức năng phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo vùng nguyên liệu gắn với sự phát triển của công nghiệp chế biến…", dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng góp phần làm hồi sinh những cánh rừng đại ngàn một thời bị tàn phá do chiến tranh và bàn tay con người.
Tỷ lệ che phủ rừng đạt 46%
Đánh giá về kết quả dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát khẳng định: "Nếu năm 1998, độ che phủ rừng của nước ta chỉ đạt 32%, thì đến năm 2005 là 37,1% và năm 2010 là 39,5%; nếu tính cả diện tích cây cao su, điều, cây ăn quả có tán che như cây rừng và diện tích rừng trồng mới thì độ che phủ rừng của nước ta đến năm 2010 là 46,4%". Trong khi đó, theo thống kê của Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp quốc (FAO), đến năm 2010, độ che phủ rừng (cả cao su) toàn thế giới là 31%; từ năm 2000-2010, diện tích rừng thế giới giảm 0,13%/năm.
Hàng triệu hộ gia đình được hưởng lợi từ dự án.
 
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong cả hai giai đoạn, tổng diện tích đã trồng và khoanh nuôi tái sinh rừng của nước ta đạt 4,6 triệu hecta, bằng 93,5% kế hoạch. Về trữ lượng rừng, đến năm 2010, tổng trữ lượng gỗ cả nước là 935,3 triệu mét khối ; trong đó gỗ rừng tự nhiên chiếm 92,8% và 7,4 tỷ cây tre nứa. So với năm 1998, trữ lượng gỗ của cả nước tăng 183,8 triệu mét khối (24,4%). Về sinh trưởng rừng trồng, nếu năm 1998 mới đạt 7m3/ha thì đến năm 2010 đạt 15m3/ha, có nơi lên đến 20m3/ha.
Đến nay, công nghiệp chế biến gỗ đã có bước phát triển, bao gồm trên 1.200 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, với tổng công suất chế biến khoảng 4 triệu mét khối gỗ quy tròn/năm. Về kim ngạch xuất khẩu, năm 1998 chỉ đạt 236 triệu USD, đến năm 2010 đạt 3,55 tỷ USD. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng thừa nhận, nguồn gỗ khai thác từ rừng tự nhiên trong nước hiện nay chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thiết yếu trong nước, còn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thì chủ yếu phải nhập.
Giúp 4,6 triệu lao động có việc làm
Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng được thực hiện trên cả nước không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn tham gia giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân và góp phần xóa đói giảm nghèo. Đến năm 2010, đã có 1,25 triệu hộ gia đình với 4,6 triệu lao động tham gia dự án, trong đó có 485.000 hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc miền núi, vùng cao. Thông qua dự án, các hộ gia đình đã nhận khoán bảo vệ rừng, tham gia trồng mới 2,4 triệu hecta rừng.
Từ năm 2000, mức đầu tư cho trồng rừng phòng hộ là 2,5 triệu đồng/ha; khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung 1 triệu đồng/ha trong 6 năm; bảo vệ rừng 50.000 đồng/ha/năm. Năm 2006, mức đầu tư cho trồng rừng phòng hộ được nâng lên 6 triệu đồng/ha, khoán bảo vệ rừng 100.000 đồng/ha/năm. Một số xã nghèo ở huyện Mường Tè (Lai Châu), mức giao khoán bảo vệ rừng lên đến 200.000 đồng/ha/năm. Kể từ năm 2008, mức đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng của Nhà nước là 10 triệu đồng/ha; ngoài ra, các chi phí khác đều tăng lên như quản lý dự án tăng 10%, chi phí khuyến lâm 2%, bảo vệ rừng 5%...
Dự án đã góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế ở miền núi thông qua việc hình thành các vùng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, thu hút nhà đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn, góp phần tăng thu nhập cho người lao động, tăng thu ngân sách cho địa phương. Không những thế, dự án đã làm thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền và người dân trong việc hiểu được lợi ích và giá trị kinh tế, môi trường do rừng mang lại.
Nhiều mô hình vườn rừng, nông - lâm kết hợp đã xuất hiện ở một số vùng trong cả nước, như phong trào trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ở Lâm trường Púng Luông (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải - Yên Bái); phong trào trồng rừng sản xuất ở hồ Thác Bà, huyện Yên Bình (Yên Bái); Dự án làng thanh niên lập nghiệp Phúc Trạch (Hà Tĩnh)... Các mô hình dự án đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nâng thu nhập bình quân lên 15-20 triệu đồng/hộ/năm.
Thực hiện Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 10/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tính đến tháng 02/2010, đã có 7/7 đơn vị là các cơ sở sản xuất thủy điện, sản xuất cung ứng nước sạch thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2009 với số tiền 234,421 tỷ đồng. Khoản thu năm 2010 ước đạt 235 tỷ đồng, được quản lý và sử dụng thông qua Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.
Tổng diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp cả nước là hơn 16,2 triệu hecta, diện tích rừng đã có đạt hơn 13,4 triệu hecta. Trên cơ sở phân tích diện tích rừng hiện có và cơ cấu đất trồng còn lại, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng Chương trình Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, chương trình dự kiến sẽ nâng độ che phủ rừng đạt 42-43% vào năm 2015; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của rừng; đảm bảo cung cấp gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản để sản xuất. Dự kiến, trong giai đoạn này, trồng mới 450.000 ha rừng; tổng vốn đầu tư gần 25.000 tỷ đồng.
Để bảo vệ rừng, hệ thống tổ chức kiểm lâm thống nhất ở các địa phương cũng sẽ được kiện toàn, đảm bảo tổng biên chế kiểm lâm toàn quốc bình quân 1.000ha rừng có 1 kiểm lâm, đến năm 2015 bổ sung thêm khoảng 3.000 biên chế kiểm lâm.
 
Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/6/28854.html


Tin khác