Huyện Tiền Hải (Thái Bình) có khoảng 7.000 ha đất ven biển và mặt nước có thể nuôi trồng thủy sản, trong đó nghề nuôi ngao đang trở thành thế mạnh của huyện với tổng diện tích đang nuôi 1.200 ha ở 6 xã Nam Hưng, Nam Thịnh, Đông Minh, Nam Phú, Đông Hoàng, Đông Long.
Năm 2010, sản lượng ngao của Tiền Hải là 25.000 tấn, được bán sang các nước châu Âu và Nhật Bản, Trung Quốc. Năm 2011 này, sản lượng ước đạt 27.000-30.000 tấn. Hiện tại, quy hoạch vùng nuôi ngao của hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy đang được Sở NN- PTNT trình UBND tỉnh chờ phê duyệt. Theo quy hoạch, thì diện tích nuôi ngao của Tiền Hải sẽ tăng từ 1.200 ha lên 3.000 ha, tập trung ở 3 xã Nam Hưng, Nam Thịnh, Đông Minh.
Đất ven biển và bãi biển Nam Phú sẽ được quy hoạch phục vụ cho khu du lịch sinh thái Cồn Vành. Hai xã Đông Hoàng, Đông Long trở thành khu công nghiệp ven biển. Việc quy hoạch vùng nuôi ngao gọn vào 3 xã sẽ khiến cho vùng nuôi ngao trở nên tập trung hơn, các chủ bãi sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc đầu tư, nuôi trồng…
Việc quy hoạch đã làm dấy lên nhiều ý kiến phản đối, chủ yếu là của những người dân lâu nay vẫn kiếm sống bằng việc khai thác tự nhiên (bắt cáy, đào con móng tay, lưới tép, và cả việc khai thác ngao tự nhiên…) do lo sợ mất bãi biển. Tuy nhiên, ông Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tiền Hải cho biết, việc quy hoạch không làm mất hẳn bãi tự nhiên, bà con vẫn có thể khai thác dù diện tích không còn được như trước.
Nhưng việc kiếm sống bằng cách khai thác bãi tự nhiên với thu nhập mỗi ngày dăm ba chục ngàn không phải là giải pháp lâu dài, mà chính việc phát triển nghề nuôi ngao sẽ mở ra một hướng mới để giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cao cho những người lâu nay vẫn kiếm sống trên bãi tự nhiên. Mỗi ha ngao nuôi cần bình quân 3-4 lao động, ngoài 1 người trông coi, còn lại là thu hoạch ngao. Công thu ngao đã có lúc đạt 150.000 đồng/ngày, cao gấp 3-4 lần giá trị của một ngày phơi nắng phơi mưa trên bãi biển tự nhiên, mà chỉ phải làm việc từ 4-6 tiếng.
Với 1.200 ha ngao đang nuôi hiện nay, gần 4.000 lao động đang có việc làm ổn định. Nếu diện tích nuôi ngao tăng lên 3.000 ha, thì ngót 10.000 người sẽ có việc làm ổn định. Những bà con vẫn kiếm sống trên bãi biển tự nhiên hoàn toàn có thể chuyển sang làm thuê cho các chủ bãi ngao với một mức thu nhập cao hơn nhiều…
Đến vùng nuôi ngao ở xã Đông Minh, nơi có bãi biển Đồng Châu, bãi tắm duy nhất của Thái Bình một thời, chúng tôi thấy bãi tắm Đồng Châu đã biến mất. Do khai thác du lịch không mang lại hiệu quả, toàn bộ bãi tắm Đồng Châu đã được chuyển sang nuôi ngao, đây có thể nói là một sự chuyển hướng rất kịp thời, rất nhanh nhậy của huyện và xã. Hàng trăm ha bãi biển một thời chỉ lèo tèo người đến tắm mỗi dịp hè, với những nhà nghỉ quanh năm vắng hoe, giờ được biến thành bãi nuôi ngao rộng lớn, đã mang lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, cả ngàn lao động đã có việc làm, hàng chục hộ nuôi ngao thành tỷ phú.
Không chỉ vậy, nghề nuôi ngao và nuôi nhiều loại thủy, hải sản khác đã biến nơi này thành một khu dịch vụ sầm uất với cả trăm nhà hàng, mỗi ngày thu hút cả ngàn du khách đến đây thưởng thức đồ hải sản tươi và hóng mát. Ông Phạm Duy Nghị, một chủ bãi ngao, cho biết, từ năm 2003 đến nay, kể từ khi con ngao trắng được đưa vào nuôi thế cho loại ngao dầu (ngao đỏ), thì trừ những năm có mất mùa “cục bộ”, như năm 2008 xã Nam Thịnh mất 100 ha do bị cống Lân xả nước thải ô nhiễm, năm 2009 xã Đông Minh mất 120 ha do nắng nóng kéo dài, năm 2010 xã Nam Thịnh mất 100 ha do nắng nóng và độ mặn cao, còn thì nghề nuôi ngao ở Tiền Hải khá ổn định, mỗi kg ngao trắng thấp hơn ngao đỏ mấy giá, nhưng bù lại, ngao trắng thích nghi với nước biển Tiền Hải và cho năng suất cao, độ rủi ro thấp.
Một lứa ngao (tùy theo ngao giống to hay nhỏ mà thời gian có thể là 1 năm hay trên 1 năm), mỗi ha cho thu hoạch 50 tấn, với giá 23.000-25.000 đồng/kg như hiện nay, tổng thu của mỗi ha ngao đạt trên 1 tỷ đồng, tương đương với giá trị của 10 ha lúa. Vì thế, bất cứ chỗ nào, hễ có thể nuôi ngao được là người dân đều tận dụng để nuôi, như bãi biển Đông Minh này chẳng hạn, trước đây, bãi biển rất sâu, không thể nuôi ngao được, nhưng rồi người dân đã kỳ công bơm cát, độn bùn vào từng ô cho cao lên để nuôi.
Để tôn cao được một ha bãi biển đủ điều kiện nuôi ngao, phải mất cả trăm triệu đồng. Với những vùng bãi cao, gặp ngày nắng nóng, triều rút, người nuôi đã phải kéo điện dài đến mấy cây số ra, bơm nước tưới cho ngao mát hay phủ bạt che nắng cho chúng. Nhìn chung, để được một lứa ngao, người nuôi đã phải đổ không ít mồ hôi xuống biển.
Nhưng có hề gì, vất vả mà có thu nhập cao, thì vất vả thế chứ vất vả nữa vẫn cứ thích, cứ quyết tâm làm. Đến những xã nuôi ngao ở Tiền Hải bây giờ, gặp tỷ phú rất dễ, cỡ dăm mười tỷ thì còn lác đác chứ cỡ 1-2 tỷ thì… nhan nhản. Điều khó khăn nhất của Tiền Hải bây giờ là vẫn chưa chủ động được con giống ngao. Tuy có mấy cơ sở sản xuất ngao giống nhưng tỷ lệ con sống không cao, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của người nuôi…
Chỉ mấy năm nữa, khi bản quy hoạch vùng nuôi ngao biến thành hiện thực, thì Tiền Hải sẽ trở thành một vùng nuôi ngao tập trung với sản lượng hàng trăm ngàn tấn mỗi năm…
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/80249/Default.aspx