Tình hình nguyên liệu cá tra đang có nhiều biến động, dẫn đến giá cá tra giảm nhanh gây hoang mang cho người nuôi. Đó là thông tin do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra tại một cuộc họp mới đây ở TPHCM.
Tồn 20.000 tấn cá tra quá lứa
Theo VASEP, từ đầu năm đến nay, nguyên liệu cá tra thiếu hụt khoảng 20% so với nhu cầu sản xuất, chế biến xuất khẩu. Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình thiếu hụt nguyên liệu cá tra còn căng thẳng hơn, có khả năng thiếu hụt trên 30%.
Một nghịch lý đang diễn ra ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là lượng cá tra quá lứa đang tồn đọng hơn 20.000 tấn dưới ao mà không có ai mua. Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP, cho biết sở dĩ có tình trạng trên là do nhu cầu tiêu thụ nhiều nước trên thế giới thay đổi. Khách hàng chọn cá tra khoảng 800 g/con, trong khi cá tra trong dân lại trên 1 kg/con nên nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu không mặn mà mua hàng vào.
Nguyên nhân nữa là do “lỗi” tính toán của nông dân: Thời điểm tháng 3, tháng 4, giá cá tra nguyên liệu tăng liên tục, đỉnh điểm đầu tháng 5 lên đến 29.000 đồng/kg nhưng người nuôi chưa chịu bán ra mà kỳ vọng giá sẽ tăng tiếp. Cũng theo tính toán của người nuôi, nếu bắt cá bán đi thì cũng không có con giống để thả nuôi tiếp nên chấp nhận giữ cá lại.
Tung tin đồn để ép giá nông dân
Giá cá tra nguyên liệu giảm nhanh còn do một số DN tung tin nguyên liệu cá tra đang dư thừa để kéo giá xuống chỉ còn 23.000 đồng- 24.000 đồng/kg. Trong khi giá thành nuôi cá tra hiện nay lên đến 23.000 đồng- 24.000 đồng/kg, người nuôi không còn lãi. Giá cả bấp bênh làm cho người nuôi không dám đầu tư thả cá giống. Người nuôi cũng bất mãn khi thấy DN chế biến cá tra xuất khẩu chỉ lo chế biến cá từ nguyên liệu của họ, khi thiếu hụt mới quay sang tìm mua trong dân.
Gần đây lại có thêm tin đồn từ các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi là thiếu hụt nguyên liệu nên yêu cầu khách hàng phải đăng ký đặt hàng trước mới được cung cấp. Nhưng trên thực tế, các nhà máy đang tồn kho một số lượng thức ăn, thậm chí có nhà máy nhỏ tồn kho đến hơn 50%. Trong khi đó, nguyên liệu chế biến thức ăn trên thế giới đang giảm giá mạnh cả tháng qua và có khả năng giảm tiếp cho những tháng tới. Việc tạo sự khan hiếm giả tạo là để tiêu thụ hàng tồn kho của DN.
Theo VASEP, do nhiều phen thiếu hụt nguyên liệu nên không ít DN chế biến cá tra xuất khẩu đã đầu tư nuôi cá tra ngày càng nhiều. Hiện diện tích nuôi cá tra của DN lên đến 2.247 ha, chiếm gần 40% diện tích nuôi cá tra tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ông Minh cho biết từ đầu năm 2012, phần lớn các DN sẽ chủ động được nguồn nuôi, không còn lệ thuộc vào nông dân. Lúc này, nông dân sẽ khó có đầu ra, do đó nông dân cần phải nhanh chóng liên kết với các nhà máy để giải quyết vấn đề này.
Áp dụng giá sàn xuất khẩu cá tra
Theo VASEP, từ nay đến cuối năm sẽ áp dụng giá sàn xuất khẩu cá tra cho tất cả các thị trường (trừ thị trường Mỹ). Theo đó, giá sàn xuất khẩu cá tra phi lê thịt trắng 3,3 USD/kg, cá tra phi lê thịt đỏ 2,3 USD/kg. Ngoài ra, các DN chế biến cá tra xuất khẩu cũng đã thống nhất thu mua cá tra nguyên liệu trọng lượng 850 g/con có chất lượng xuất khẩu là 26.000 đồng/kg. Riêng cá tra lớn có mức giá 24.000 đồng/kg, sẽ được các DN thu mua dứt điểm trong tháng 7 tới.
|
Theo NLĐO